"Khơi dậy khát khao, quyết tâm khởi nghiệp trong giới trẻ"

08:00, 13/09/2017

BHG - Đó là chia sẻ của lãnh đạo huyện Vị Xuyên, cũng là trăn trở của các cán bộ Huyện đoàn Vị Xuyên tại Diễn đàn Khởi nghiệp được tổ chức vừa qua tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Làm sao để thanh niên (TN) dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm khởi nghiệp, không bao giờ bằng lòng với những gì mình có mà luôn luôn khao khát vươn lên... là những gì các cấp bộ Đoàn phải làm để động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong TN hiện nay.

Đoàn thị trấn Việt Lâm hiện có 145 đoàn viên (ĐV), trên 200 TN. Thời gian qua, khi giới trẻ cả nước đang sục sôi với phong trào khởi nghiệp, tuổi trẻ thị trấn Việt Lâm nói riêng và huyện Vị Xuyên nói chung, cũng nhiệt tình hưởng ứng. Minh chứng là rất nhiều bạn trẻ đã dám nghĩ, dám làm, quyết tâm lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương. “Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Việt Lâm có khoảng 10 mô hình khởi nghiệp thành công của ĐVTN, đem lại nguồn thu nhập từ 120 – 350 triệu đồng/năm. Đây thực sự là những mô hình tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm khởi nghiệp của TN thị trấn, cần được nhân rộng thời gian tới” – chị Đào Thị Huyền, Bí thư Đoàn thị trấn Việt Lâm, chia sẻ.

HTX Sản xuất giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp tạo công việc thường xuyên cho 7 – 10 lao động địa phương của Giám đốc trẻ Tạ Văn Hà.                        Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
HTX Sản xuất giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp tạo công việc thường xuyên cho 7 – 10 lao động địa phương của Giám đốc trẻ Tạ Văn Hà. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Qua tìm hiểu thực tế, có thể thấy hầu hết các mô hình khởi nghiệp của ĐVTN thị trấn Việt Lâm đều thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dựa trên kinh nghiệm sản xuất truyền thống của gia đình. Đến thăm HTX Sản xuất giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp Anh Hà (tổ 12, thị trấn Việt Lâm) do ĐV Tạ Văn Hà làm Giám đốc, chúng tôi thực sự khâm phục trước ý chí và nghị lực của chàng trai 25 tuổi này. Vượt qua rất nhiều khó khăn và cả những thất bại ban đầu, Hà đã gây dựng nên cơ sở cung ứng giống cây trồng và hoa, cây cảnh các loại, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 40 vạn cây giống, sau khi trừ chi phí, thu về trên 150 triệu đồng mỗi năm. HTX còn giải quyết việc làm cho 7 – 10 lao động địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Hà chia sẻ: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp chỉ với ý chí và quyết tâm của mình, còn mọi thứ từ nguồn vốn đến kinh nghiệm và thị trường khách hàng đều phải vay mượn và tự mình học hỏi, gây dựng. Nếu đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp thì đó là: Hãy dám ước mơ và nỗ lực đến cùng để thực hiện ước mơ đó, đừng bao giờ từ bỏ khi vấp phải thất bại...”.

“Đừng bao giờ từ bỏ khi thất bại và vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó” cũng là chia sẻ của bạn Vũ Thành Duy, Bí thư Chi đoàn tổ 8, thị trấn Việt Lâm, người khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế tổng hợp. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, không có điều kiện học lên cao đẳng, đại học; sau khi tốt nghiệp THPT, Duy ở nhà giúp bố mẹ phát triển kinh tế gia đình. Anh quyết định phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi tổng hợp, thả cá trên diện tích ao 1.000 m2, chăm sóc vườn vải kết hợp nuôi ong lấy mật, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, tổng thu nhập mỗi năm trên 350 triệu đồng. Thời gian gần đây, khi giá lợn hơi xuống thấp, gia đình anh bị lỗ khoảng 100 triệu đồng. Khi giai đoạn khủng hoảng giá lợn đi qua, anh lại tiếp tục tìm mua lợn giống về nuôi, trong đó tập trung vào giống lợn đen địa phương. “Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó” chính là khẩu hiệu quyết tâm của chàng TN này.

Bí thư Đoàn thị trấn Việt Lâm, Đào Thị Huyền, cho biết, để khơi dậy quyết tâm khởi nghiệp của ĐVTN, Đoàn thị trấn đã phối hợp Đoàn cấp trên và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đi tham quan các mô hình hay trong và ngoài tỉnh, tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo huyện, các ngành liên quan với ĐVTN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Tuy nhiên, cũng như tuổi trẻ ở các địa phương khác trong toàn tỉnh, TN huyện Vị Xuyên nói chung và TN thị trấn Việt Lâm nói riêng đang gặp phải rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, kỹ năng khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế... Vì vậy, bên cạnh vai trò của các cấp bộ Đoàn, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chung tay tạo thành “bệ đỡ” để biến những khát khao, quyết tâm khởi nghiệp của TN thành hiện thực...

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn viên Lý Thị Minh khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế gia đình

BHG - Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình đoàn viên Lý Thị Minh, sinh năm 1982, tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là một trong những mô hình thanh niên "khởi nghiệp" đầy triển vọng trên địa bàn huyện Quang Bình. 

31/08/2017
Vi Hồng Tưởng vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng

BHG- Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà (Mèo Vạc). Từ nhỏ, Vi Văn Tưởng (sinh năm 1994) đã phải theo bố, mẹ lên nương làm rẫy. Thấu được sự nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ, Tưởng đã cố gắng học tập, mong muốn sau này có kiến thức để thoát khỏi cảnh đói, nghèo. 

29/08/2017
Giám đốc trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương Việt Lâm

BHG - Là một trong những người trẻ tuổi được tiếp cận với phong trào khởi nghiệp từ rất sớm; năm 2013, khi còn là sinh viên năm thứ nhất Học viện Lâm nghiệp Việt Nam, chàng thanh niên trẻ Hà Ngọc Châm đã tham gia vào CLB Khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Nội. 

28/07/2017
Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. 

27/06/2017