Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

06:39, 27/06/2017

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. Để tìm hiểu rõ hơn cách làm, ý chí vượt khó vươn lên trên con đường tự thân, lập nghiệp của các ĐVTN, chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi, khai thác và chế biến mật ong của anh Trần Xuân Hưởng, sinh năm 1990, cư trú tại tổ 7, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) hiện đang là Giám đốc HTX Phong Hưởng.

 Nói về quá trình lập thân, lập nghiệp của mình, anh Trần Xuân Hưởng cho biết: Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, anh xin đi làm hợp đồng tại một trường học trên địa bàn huyện theo Đề án 01 của tỉnh “Hợp đồng sinh viên đã tốt nghiệp tại các Trường Cao đẳng, Đại học là người địa phương vào làm việc tại các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn tỉnh”. Nhưng do không có biên chế, sau hơn 1 năm làm hợp đồng, anh đã xin nghỉ và cùng gia đình thành lập Hợp tác xã Phong Hưởng do anh làm Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi ong, khai thác và chế biến mật ong.

Theo anh Hưởng, đi học đại học hay vào công tác ở các cơ quan Nhà nước không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp mà có thể bằng nhiều con đường khác nhau, miễn sao là mình quyết tâm dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ. Bản thân anh Hưởng không được đào tạo, hiểu biết nhiều về lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cùng quyết tâm tìm hiểu qua sách báo, Internet anh quyết định chọn nghề nuôi ong nội làm bước đệm đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp. Vì nghề này vừa gần gũi vừa phù hợp với khả năng, điều kiện nuôi của gia đình, là thế mạnh của địa phương. Hơn nữa, nuôi ong không đòi hỏi khâu chăm sóc nhiều, ít có dịch bệnh, vốn đầu tư ít nhưng có thể thu hồi vốn nhanh sau mỗi mùa hoa Bạc hà. Tuy nhiên, nghề nuôi ong cũng đòi hỏi người nuôi phải có tính kiên trì, tỷ mỷ, nhất là vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp, cây trồng ít hoa.

Xác định nuôi ong, khai thác và chế biến mật ong là nghề chính, lâu dài; đảm bảo sản phẩm mật ong của HTX thâm nhập được vào các thị trường, trung tâm thương mại lớn trên cả nước; tháng 1.2017, anh Trần Xuân Hưởng đã xây dựng thành công thương hiệu với danh mục hàng hóa mật ong Phong Hưởng do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp. Đây là thành công lớn để sản phẩm mật ong của anh Hưởng được bảo hộ trên thị trường, ngày một tạo dựng được uy tín, chất lượng sản phẩm. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay HTX do anh làm chủ đã có 1.000 tổ ong nuôi ở các xã có diện tích cây Bạc hà lớn như Thài Phìn Tủng, Tả Phìn, Sính Lủng. Theo anh Hưởng, trung bình 1 tổ ong/vụ cho thu từ 5 - 6 lít mật ong, nếu vào mùa hoa Bạc hà có thể cho thu 7 lít mật/tổ; giá bán theo thị trường là 500 nghìn đồng/lít. Tính trong năm đầu nuôi ong, HTX của anh thu được gần 2.000 lít mật, với doanh số bán hàng đạt trên 1 tỷ đồng; trừ chi phí có lãi trên 100 triệu đồng. Theo kế hoạch trong năm 2017 này, HTX Phong Hưởng sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đàn ong nội lên 1.500 tổ; tiếp tục cải tiến mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Cùng đó là tiếp tục nghiên cứu, tự sản xuất ra loại thùng nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, ong có thể phát triển tốt ngay ở xứ lạnh.

Hy vọng với cách làm bài bản, sự kiên trì và tinh thần tự lập, HTX do ĐVTN Trần Xuân Hưởng làm chủ sẽ ngày một phát triển, sản phẩm mật ong của HTX sẽ ngày càng đến được với đông đảo người tiêu dùng và khách du lịch khi đến Cao nguyên đá Đồng Văn.

HỒNG NỤ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giàng Mí Sò vượt khó trên con đường lập thân, lập nghiệp

BHG- "Là một thanh niên biêu biểu của xã về vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình. Với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua chính mình và trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên cùng lứa tuổi trong xã học tập và làm theo trên con đường lập thân, lập nghiệp...". Đó là lời nhận xét, đánh giá của anh Bùi Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sủng Là về thanh niên Giàng Mí Sò, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn). 

30/05/2017
Khởi nghiệp từ mô hình trồng Thảo quả gắn bảo vệ rừng

BHG- Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương. 

27/04/2017
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG- Đó là anh La Văn Quyến, ở tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang: Từ hai bàn tay trắng đến làm chủ một xưởng cơ khí và một trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn đinh cho nhiều lao động và trở thành hộ khá giả.

25/05/2017
Khởi nghiệp để hội nhập

BHG- Năng động, sáng tạo, nhạy bén với thị trường và chủ động "đặt mình" vào sự chuyển động của thời đại, đội ngũ thanh niên với hoạt động khởi nghiệp hiệu quả thời gian qua đang góp phần quan trọng cho quá trình hội nhập sâu rộng của tỉnh nhà hiện nay.

23/05/2017