Đoàn viên Lý Thị Minh khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế gia đình

08:16, 31/08/2017

BHG - Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình đoàn viên Lý Thị Minh, sinh năm 1982, tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là một trong những mô hình thanh niên “khởi nghiệp” đầy triển vọng trên địa bàn huyện Quang Bình.        

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chị Lý Thị Minh là người Dao, sinh ra và lớn lên tại huyện Hoàng Su Phì. Năm 2014, Minh tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Phát triển nông thôn Trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên. Sau khi ra trường, nhận thấy khó khăn để xin được một công việc nhà nước ổn định, Minh đã quyết tâm tìm cách thay đổi cuộc sống bằng việc phát triển kinh tế gia đình. Điều may mắn nhất với Minh đó là, năm 2015 Minh kết hôn với anh Chu Ngọc Thuận, quê ở thôn Vén, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là người bạn “đồng môn” đồng hành cùng với Minh trong suốt những năm đại học. Sau khi kết hôn, Minh chuyển về ở với nhà chồng tại thôn Vén, xã Tân Trịnh.  Cuối năm 2016, vợ chồng Minh quyết định ra ở riêng để “lập nghiệp”, phát triển kinh tế tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh. Bằng những kiến thức đã học được ở trường, Minh nhận thấy đây là một vùng nông thôn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, vì thế vợ chồng Minh đã bàn bạc và quyết định đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tại nhà.

Chị Lý Thị Minh, thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, Quang Bình thu hái chè.
Chị Lý Thị Minh, thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, Quang Bình thu hái chè.

Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình chăn nuôi của gia đình, Minh giới thiệu: Gia đình nhà chồng em đã phát triển kinh tế từ những năm 2010 bằng việc xây dựng mô hình máy ấp trứng, hàng năm xuất bán được hàng triệu gà con phục vụ cho người dân trong khu vực. Sau khi vợ chồng em kết hôn, được sự giúp đỡ của bố mẹ, vợ chồng em đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi ếch và nuôi gà ta tại nhà. Trong 2 năm, từ 2015 đến 2016 vợ chồng em tiến hành nuôi 4 lứa ếch thương phẩm, mỗi lứa 2.000 con, nuôi 6 lứa gà mỗi lứa 400 con. Sau 2 năm phát triển mô hình chăn nuôi ếch và gà ta tại nhà, vợ chồng em đã dành được một số vốn nhất định, chúng em tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi lớn hơn, đã xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà và lợn. Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, giá lợn bắt đầu giảm mạnh, tuy nhiên nhận thấy các loại lợn đen, lợn rừng vẫn được các nhà hàng ưa chuộng và trả giá cao, vợ chồng em mạnh dạn đầu tư và bắt 25 con lợn con loại 5 kg/con và 1 con lợn nái đen về nuôi. Sau 4 tháng xuất bán loại lợn quay từ 25 kg đến 30 kg, thu lãi được hơn 20 triệu đồng. Cùng với nuôi lợn gia đình em lồng ghép với chăn nuôi gà, vì điều kiện kinh tế còn hạn hẹp do mới xây nhà và ra ở riêng nên em tiến hành nuôi gà ta lấy giống gia đình tự ấp. Từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017 gia đình em đã nuôi và xuất bán được 2 lứa gà ta, mỗi lứa 200 con, lãi thu được mỗi lứa trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, các loại bệnh ở gà cũng phát triển do đó tỷ lệ gà bị chết khá cao, chi phí thuốc thú y cũng tăng làm giảm năng suất chăn nuôi...

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, tháng 5 vừa qua, với sự giúp đỡ của Huyện đoàn Quang Bình, gia đình chị được vay vốn dành cho thanh niên khởi nghiệp là 90 triệu đồng. Gia đình chị đã tiến hành mở rộng mô hình chăn nuôi, xây thêm chuồng lợn và chuồng gà, tăng đàn lợn từ 25 lên 60 con, mua thêm 1 con lợn nái sinh sản. Thấy giống gà sao và gà đen thích nghi thời tiết tốt, khả năng kháng bệnh cao lại được thị trường ưa chuộng, giá thành cao, chị đã quyết định bắt 50 con gà sao và 50 con gà đen về nuôi thử. Sau 1 tháng nhận thấy đàn gà sao phát triển rất tốt, tăng trọng nhanh, thức ăn chỉ là các loại rau cỏ, thóc, ngô đơn giản, rất dễ nuôi, chị quyết định mua thêm 200 con gà sao về nuôi và gối lứa mỗi tháng sẽ nuôi thêm 200 con. Với tỉ lệ chết dưới 5%, ước tính lợi nhuận thu được của gà sao sẽ gấp 2 đến 3 lần so với gà ta...

Hiện nay, với mô hình chăn nuôi tổng hợp giữa lợn và gà, gia đình chị đã từng bước thoát khỏi khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mới đây, ngày 3.8.2017, Đoàn Thanh niên huyện Bắc Mê đã tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm trong phát triển kinh tế thuộc chương trình thanh niên lập nghiệp tại huyện Quang Bình, cùng với các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên lập nghiệp tại các xã Vĩ Thượng, Yên Hà, Xuân Giang, mô hình phát triển kinh tế của chị tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh cũng được đánh giá cao, có tiềm năng và triển vọng tốt. Với chương trình thanh niên khởi nghiệp đa dạng, mô hình của chị đã mở ra hướng làm ăn mới, giúp cho đoàn viên, thanh niên của các xã trên địa bàn huyện học tập, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

HIẾN CHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - giải pháp phát triển sản xuất hàng hóa ở Quang Bình

BHG - Trên 100 ha lúa Xuân đã được người dân vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Quang Bình thu hoạch xong; hàng chục tấn thóc của người dân đang được doanh nghiệp thu mua với giá 6,5 nghìn đồng/kg. 

30/08/2017
Lễ phát động Chương trình Thanh niên xây dựng đường bê- tông nông thôn

BHG- Nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022; sáng 30.8, tại UBND xã Phú Linh (Vị Xuyên), Khối Đoàn Cụm thi đua số 4 trực thuộc Tỉnh Đoàn 

30/08/2017
Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam khai trương Văn phòng kinh doanh tại Hà Giang

BHG- Ngày 29.8, tại tầng 2, tòa nhà Viettel Hà Giang, 218B Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, Công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Dai-ichi Việt Nam đã tổ chức khai trương Văn phòng kinh doanh tại Hà Giang. 

30/08/2017
Bà con Phố Trồ tăng thu nhập từ rau trái vụ

BHG- Phố Trồ là thôn Trung tâm của thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) và là thôn có điều kiện khí hậu, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho việc trồng những loại rau ưa lạnh. Tuy nhiên, trước đây, người dân trong thôn chỉ biết đến cây ngô là cây trồng chính; đây là vụ đầu tiên người dân Phố Trồ mạnh dạn chuyển đổi cây ngô sang trồng rau bắp cải trái vụ và đã mang lại thu nhập cao.

30/08/2017