Tăng cường các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em

07:32, 16/05/2017

BHG- Suy dinh dưỡng (SDD) là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhất là trẻ dưới 5 tuổi, để lại hậu quả rất nặng nề không chỉ đối với cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trẻ bị SDD là tình trạng chậm lớn, chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, tầm vóc, năng lực vận động và tư duy kém. Nguyên nhân trẻ bị SDD là do chế độ ăn không đảm bảo nhu cầu protein và năng lượng, kèm theo đó là một số bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hoá... SDD không chỉ làm giảm sức khỏe mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong cao ở trẻ em tại các nước đang phát triển. SDD và nhiễm trùng là vòng xoắn bệnh lý: khi trẻ bị SDD, khả năng chống đỡ với bệnh nhiễm trùng giảm, trẻ dễ bị mắc một số bệnh như: viêm phổi, tiêu chảy... Không những thế, mức độ nặng của các bệnh nhiễm trùng sẽ tạo nên sự kéo dài thời gian bị SDD.

Hà Giang là một trong những tỉnh còn có tỷ lệ SDD trẻ em còn ở mức cao, đứng thứ 4/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác phòng, chống SDD ở trẻ em cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Do đó đã tác động tích cực tới nhiều chỉ số sức khỏe và các chỉ tiêu y tế cơ bản. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi, là: SDD thể cân nặng/tuổi 22,8% giảm 2,5% so với năm 2010; Thể SDD chiều cao/tuổi: 35,1% giảm 2,9% so với năm 2010.

Mặc dù tỷ lệ SDD trẻ em của tỉnh có giảm tuy nhiên mức độ giảm trong các năm còn rất thấp. Nguyên nhân khiến tỷ lệ SDD giảm thấp là do trong quá trình triển khai các hoạt động còn gặp phải một số khó khăn như: Điều kiện địa lý phức tạp, đời sống kinh tế còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí còn hạn chế đặc biệt là các bà mẹ ở xã vùng sâu, vùng khó khăn; sự nhận thức về cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ chưa cao. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, còn có một số nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng như: Chế độ ăn của trẻ không đủ cả về số lượng và chất lượng: trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, không được ăn bổ sung hợp lý (có thể là ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung không đủ 4 nhóm thực phẩm...); trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa...; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo đặc biệt là vào dịp mùa hè cách chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ chưa thực hiện đúng nguyên tắc như: thức ăn ôi thiu, dụng cụ và cách chế biến không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến trẻ bị mắc các bệnh về tiêu hóa...

* Những trẻ em có nguy cơ cao bị thiếu dinh dưỡng:

-  Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.-  Những trẻ sinh đôi

- Trẻ gia đình đông con, mồ côi cha mẹ, trẻ sống trong gia đình quá nghèo, trẻ có dị tật bẩm sinh.

- Những trẻ bị sởi, ỉa chảy, ho gà, viêm đường hô hấp...

Nhằm giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em, góp phần cải thiện trí tuệ và thể chất nâng cao tầm vóc của người Việt Nam nói chung và người Hà Giang nói riêng, đồng thời để công tác phòng, chống SDD trẻ em đạt hiệu quả cần có sự hiểu biết, chủ động và thay đổi thực hành của mỗi gia đình, trong đó cần thực hiện những nội dung sau:

1. Đối với phụ nữ trong thời gian mang thai: có chế độ dinh dưỡng hợp lý để đạt mức tăng cân 10-12 kg, khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván.

2. Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.

3. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, dặm) khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Tô màu đĩa bột, tăng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng), ăn nhiều bữa.

4. Thực hiện phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng: Phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày. Trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần một năm. Phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh.

5. Phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái VAC (vườn, ao, chuồng) để có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình. Có thể nuôi gà, vịt đẻ trứng, trồng rau ngót, đu đủ, gấc... để cung cấp thức ăn cho gia đình

6. Phấn đấu bữa ăn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp năng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng.

7. Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ăn không là nguồn gây bệnh.

8. Thực hiện gia đình hạnh phúc, có nếp sống văn hoá, năng động, lành mạnh. Mỗi gia đình nên có biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sức khoẻ của trẻ, việc sử dụng biểu đồ tăng trưởng có thể phát hiện sớm thời điểm nguy cơ đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ, từ đó giúp phụ huynh có biện pháp can thiệp kịp thời.

Bs. Lương Minh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội Cựu chiến binh Agribank Hà Giang tặng quà Trường Mầm non các xã Thanh Đức, Thanh Thủy

BHG - Sáng 10.5, Hội Cựu chiến binh Agribank Hà Giang đã đến thăm, tặng quà các Trường Mầm non xã Thanh Đức và xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Tham dự có lãnh đạo Agribank Hà Giang, lãnh đạo huyện Vị Xuyên, Phòng GD&ĐT và lãnh đạo 2 xã Thanh Đức, Thanh Thủy cùng các cô trò 2 trường.

10/05/2017
Tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên tuyên truyền

BHG- Ngày 8.4, Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với Báo Hà Giang và Đài PTTH tỉnh tổ chức lớp Tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên tuyên truyền thuộc Công an tỉnh. 

10/05/2017
"Đại công trường"... khai thác đá trái phép ở Yên Minh (!)

BHG- Khu vực núi đá tại thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) nằm sát đường tránh Quốc lộ 4C qua trung tâm huyện Yên Minh – một trong những vách đá cao, hùng vĩ trên Công viên Địa chất, có nhiều giá trị khoa học. 

10/05/2017
Yên Minh tăng cường tuyên truyền về hậu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong nhà trường

BHG- Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết (TH&KHCH) sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Trực tiếp ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em gái, gây ra nạn thất học, mù chữ, nghèo, đói; trẻ sinh ra bị dị dạng, dị tật, ảnh hưởng đến giống nòi. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Yên Minh tình trạng TH&KHCH có chiều hướng giảm, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức. 

10/05/2017