Cần có giải pháp dứt điểm nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở Đồng Văn

07:24, 20/07/2016

BHG- Những năm gần đây, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn “âm ỉ” xảy ra trên địa bàn huyện vùng cao Đồng Văn. Hàng trăm trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống mỗi năm đã gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi, cản trở quá trình phát triển KT – XH của địa phương. Chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, nhưng để đẩy lùi tình trạng trên là cả một lộ trình dài...

Cán bộ Đoàn xã Tả Lủng đến tận hộ dân để thuyết phục hoãn hôn đối với trường hợp tảo hôn của em Ly Thị Say, trú tại thôn Sảng Ma Sao, xã Tả Lủng.
Cán bộ Đoàn xã Tả Lủng đến tận hộ dân để thuyết phục hoãn hôn đối với trường hợp tảo hôn của em Ly Thị Say, trú tại thôn Sảng Ma Sao, xã Tả Lủng.

Đi tìm nguyên nhân...

Là huyện vùng cao núi đá với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, dân tộc Mông chiếm đến 87%, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, không ít hủ tục đã ăn sâu vào đời sống của bà con nên việc ngăn chặn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện Đồng Văn gặp rất nhiều khó khăn. Người Mông ở vùng cao Đồng Văn có tục cướp vợ vào dịp Tết Nguyên đán, chính từ tục cướp vợ này đã xuất hiện nhiều biến tướng và là lời “biện hộ” chính đáng cho tình trạng tảo hôn ở những bản làng vùng sâu, vùng xa. Vào mùa Xuân, khi những cành đào phai nở thắm bản làng, các chàng trai Mông rộn ràng chuẩn bị cho ngày đi cướp vợ. Những đôi trai gái đến tuổi cập kê phải lòng nhau, hẹn hò ở trên đường hay phiên chợ, chàng trai sẽ nhờ một vài người bạn đến điểm hẹn kéo cô gái về nhà mình. Sau đó 3 ngày, chàng trai sẽ đưa cô gái về nhà bố mẹ đẻ để chuẩn bị tiến hành nghi lễ cưới hỏi.

Nhưng phong tục đẹp nhằm hợp thức hóa cái “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” này hiện nay đã bị biến tướng khi nhiều em gái mới 13, 14 tuổi bị cướp làm vợ một cách đầy vũ lực hay nhiều gia đình muốn có thêm người để phụ giúp việc lên nương, hái củi, nuôi bò... đã tổ chức cướp con gái nhà người khác về làm vợ cho con mình, bất chấp con mình chưa đủ tuổi kết hôn. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn tảo hôn tại Đồng Văn. Người Mông ở đây còn có quan niệm, con gái đi lấy chồng thì “lúc sống là người của họ nhà chồng, lúc chết cũng là ma họ nhà chồng”. Do đó, con của anh trai, hay con em gái ruột vẫn lấy nhau được vì đã khác họ. Hay quan niệm, lấy anh em cận huyết là để hai bên có điều kiện quan tâm đến con cái, để của cải không “chảy” ra ngoài... Chính những quan niệm lạc hậu này, đã dẫn đến nhiều trường hợp kết hôn khi còn ít tuổi và thường kết hôn cận huyết thống, rồi để lại những hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.

“Sửa sai” từ cơ sở

Theo thống kê của UBND huyện Đồng Văn, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (số liệu từ tháng 5.2015 đến tháng 4.2016) trên địa bàn huyện có 128 trường hợp tảo hôn và 4 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Chính quyền các cấp đã đẩy mạnh xử lý bằng cách thuyết phục, vận động, trục xuất, trao trả các trường hợp vi phạm; nhờ đó, đã chấm dứt, hoãn hôn được 48 trường hợp tảo hôn; chấm dứt 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. So với cùng kỳ năm ngoái, số tảo hôn và hôn nhân cận huyết trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân trên địa bàn huyện giảm 18,5%. Tuy nhiên, số tảo hôn đang chung sống như vợ chồng vẫn lên đến 80 trường hợp.

Theo lãnh đạo huyện Đồng Văn thì hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết. Để đẩy lùi tình trạng trên, trước hết cần phải “sửa sai” từ hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là cán bộ quản lý tư pháp - hộ tịch, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Nhiều địa phương ít quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào; thậm chí có một số trường hợp tảo hôn là con, cháu của cán bộ, đảng viên. Khi sự việc xảy ra, cán bộ thôn không chủ động báo cáo cho lãnh đạo xã để có biện pháp kịp thời ngăn chặn, khiến tình trạng kéo dài, khó xử lý.

Để hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Văn, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền các cấp cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đồng thời, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm, tạo tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân...

Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025, đặt ra mục tiêu "giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ này còn cao". Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống và ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, đồng thời thực hiện mô hình giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết tại 5 xã: Phố Là, Phố Cáo, Sủng Trái, Lũng Táo, Lũng Cú. Tuy nhiên, ngay tại những xã thực hiện mô hình này thì nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn xảy ra...

 

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh nỗ lực vì trẻ em nghèo

BHG - Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh được thành lập từ năm 2009, với mục tiêu hỗ trợ, chăm sóc cho trẻ em (TE) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bằng sự tận tâm, tấm lòng vì trẻ thơ, trong suốt những năm qua, Quỹ BTTE tỉnh đã không ngừng nỗ lực để chăm lo cho TE kém may mắn, trở thành "cầu nối" quan trọng giữa một bên là những tấm lòng vàng và một bên là TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em hòa nhập cộng đồng, tìm lại niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.

19/07/2016
Đoàn cán bộ Báo Phú Thọ thăm viếng các anh hùng liệt sỹ tại Hà Giang

BHG- Nhân kỷ niệm 69 năm, ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947- 27.7.2016) ngày 16.7, đoàn công tác của Báo Phú Thọ do đồng chí Nguyễn Kim Chi, Tổng Biên tập Báo làm Trưởng đoàn, Ban biên tập và cán bộ, phóng viên của báo đã có chuyến thăm viếng các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Hà Giang và một số địa danh lịch sử.

17/07/2016
Bác sĩ ra chợ quyên tiền giúp đỡ cặp song sinh dính liền

Người đi chợ trung tâm huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang sáng 14/7 đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn ông mặc áo blouse trắng của bác sĩ treo bảng kêu gọi dân giúp đỡ cặp song sinh dính liền. 

16/07/2016
Bắc Quang tích cực bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

BHG- Xác định vai trò quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với sức khỏe người tiêu dùng và sự phát triển KT – XH của địa phương. Thời gian qua, huyện Bắc Quang đã quan tâm, chú trọng chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các hoạt động kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về VSATTP; nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, xác định đẩy mạnh công tác truyền thông đảm bảo VSATTP tại các cơ quan, đơn vị trường học, các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

16/07/2016