Về nơi "3 không" ở Bắc Quang

08:09, 27/08/2015

BHG- Hàng chục năm nay, 33 hộ dân ở thôn vùng 3 Nà Bó, xã Đức Xuân (Bắc Quang) phải sống trong cảnh “3 không”: Không điện, không nước sạch sinh hoạt, không phủ sóng điện thoại(!)

Người dân trong thôn hàng ngày vẫn đi gùi từng can nước về phục vụ sinh hoạt.
Người dân trong thôn hàng ngày vẫn đi gùi từng can nước về phục vụ sinh hoạt.

Thiếu thốn đủ bề...

Cách trung tâm xã Đức Xuân chưa đầy 7 km, thế nhưng phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được thôn Nà Bó. Con đường nhỏ đi vào thôn như đi dưới lòng suối cạn. Trái với sự chuyển mình của cuộc sống ngoài trung tâm xã, Nà Bó vẫn chìm trong cảnh thiếu thốn, đìu hiu. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, gần 10 hộ người dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu và Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì hạ sơn về nơi ở mới tại thôn Nà Bó, xã Đức Xuân. Hộ nào cũng háo hức với niềm vui ở nơi đất mới cuộc sống sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Thế nhưng, bà con hạ sơn lại được phen “mừng hụt” khi nơi ở mới điều kiện cũng khó khăn không kém nơi đã chuyển đi, đó là vẫn thiếu nước, thiếu điện. Mơ ước của bà con người Dao về một cuộc sống khấm khá hơn vẫn quá xa vời. Đã hơn 30 năm nay, đời sống bà con thôn Nà Bó vẫn không thay đổi, quẩn quanh với khó khăn, thiếu thốn đủ đường.

Thôn Nà Bó hiện có 33 hộ dân với 158 khẩu. Người dân ở đây 100% là đồng bào dân tộc Dao, số hộ nghèo 15 hộ (chiếm gần 50%). Từ trung tâm xã Đức Xuân vào thôn Nà Bó chỉ có con đường núi duy nhất lởm chởm đất đá, một bên rừng núi cheo leo, một bên vực sâu, mặt đường với đầy dẫy những ổ voi, ổ gà. Trời mưa việc đi lại rất khó khăn, thôn gần như bị cô lập với bên ngoài.

Khi điện lưới Quốc gia và sóng điện thoại đã phủ khắp các bản làng trong huyện, thì ở Nà Bó, điện sáng vẫn là niềm mơ ước, khát khao của người dân. Hiếm lắm trong thôn mới có người sắm cho mình cái điện thoại, nhưng phải ra xã mới có sóng liên lạc, chứ còn ở thôn, điện thoại chỉ để xem giờ. Không có điện dùng, bao năm nay các hộ dân vẫn thắp sáng đèn dầu, đèn pin. Những nhà điều kiện hơn thì 2 - 3 hộ góp tiền chung mua và sử dụng một máy phát điện mini đặt tại những khe suối nhỏ, nhưng điện rất yếu, chỉ có thể dùng để thắp sáng, chứ không xem được tivi.

Nước sinh hoạt và sản xuất cũng là một khó khăn lớn đối với bà con trong thôn. Thời điểm thiếu nước thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Hiện thôn Nà Bó có 11 ha lúa, 21 ha ngô. Diện tích lúa nước chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Nhiều năm, hạn hán mất mùa diễn ra thường xuyên, do nguồn nước vào ruộng chỉ phụ thuộc vào trời mưa. Mặc dù trong rừng có nhiều mạch nước ngầm, song nhiều hộ dân vẫn phải đi gùi nước về dùng, vì mạch nước đã hiếm lại ở những khe sâu nên việc dẫn nước về sinh hoạt và phục vụ sản xuất rất khó khăn. Anh Phượng Chòi Họ ngao ngán nói: “Chị thấy đấy, thiếu thốn lắm. Nước sinh hoạt, nước vào ruộng đều thiếu. Mùa mưa còn đỡ, hết mưa là chúng tôi phải cùng nhau múc từng can nước về để tích trữ sinh hoạt, khổ nhất là mùa đông. Điện với sóng điện thoại cũng không có, liên lạc giao lưu với ngoài xã khó lắm. Giá có điện lưới Quốc gia thì mua cái máy bơm nước cũng đỡ khổ hơn, nhưng khó quá”. Được biết, năm 2013 chính quyền huyện cũng đã đầu tư 200 triệu để xây bể chứa nước trên đầu nguồn cho bà con dùng, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Số hộ dân được hưởng lợi chỉ có vài hộ. Mùa khô, các bể chứa và mạch nước ngầm cũng cạn dần. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi hơn nửa cây số gùi nước về.

 Không có đường bê tông, không điện, không nước sạch sinh hoạt, không có sóng điện thoại, người dân thôn Nà Bó như sống “tách biệt” hơn với cuộc sống ngoài xã, huyện. Bị ốm đau bệnh tật nhẹ thì không sao, có y tế thôn bản sơ cứu, nặng thì việc di chuyển rất vất vả. Khổ nhất là các cháu học sinh muốn học lên cao nữa phải vượt hơn chục cây số đường hiểm trở đi học trường xã hoặc ở bán trú. Anh Triệu Giào Phú, Trưởng thôn Nà Bó chia sẻ: “Cũng nhiều lần qua những cuộc tiếp xúc cử tri, thôn cũng đề nghị lên xã và cấp trên để hỗ trợ đầu tư về đường đi, điện, nước cần cho sinh hoạt thiết yếu. Nhưng đến nay chưa thực hiện được, bà con trong thôn rất chịu khó làm ăn, trẻ em rất ham học. Nếu có được điều kiện sống tốt hơn, chắc chắn đời sống thôn cũng khấm khá lắm”.

Bài toán cần lời giải

Đã có những đoàn cán bộ từ huyện đến xã về Nà Bó khảo sát. Tuy nhiên đến nay, thôn Nà Bó vẫn chưa có nhiều thay đổi. Điều còn lại duy nhất với thời gian là sự chịu thương, chịu khó làm ăn của nhân dân trong thôn, là tinh thần lao động sản xuất không ngừng nghỉ để thoát khỏi đói nghèo. Điều ấy thể hiện bằng việc nhiều hộ gia đình trong thôn đã phát huy lợi thế của thôn trong việc trồng ngô và nuôi dê, trâu hàng hóa. Ông Ma Văn Định, Chủ tịch UBND xã Đức Xuân cho biết: “Xã cũng tiếp nhận nhiều ý kiến của thôn và đề nghị cấp trên hỗ trợ làm đường, lắp đặt trạm biến áp, đầu tư sửa chữa hệ thống nước, cột sóng điện thoại nhưng hiện tại chưa thấy gì. Để người Dao thôn Nà Bó thoát nghèo bền vững, cần có sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền huyện với các giải pháp hỗ trợ toàn diện, trong đó trọng tâm là phải xây dựng được đường giao thông đi lại thuận tiện, phủ điện lưới quốc gia, giải pháp cung cấp nước có hiệu quả, phủ sóng điện thoại liên lạc...”.

Và giờ đây ước mơ điện sáng về bản, nước sạch về thôn, sóng điện thoại phủ rộng khắp mãi là khao khát của người Dao thôn Nà Bó, xã Đức Xuân. Bà con lại tiếp tục chờ đợi và hy vọng vào các cấp, các ngành và cần một lời giải cho bài toán khó này.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phấn đấu vì sự tiến bộ của phụ nữ

BHG- Xác định rõ tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thời gian qua luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với các cuộc vận động trọng tâm như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với  việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang"; 

27/08/2015
Bước "chuyển mình" mạnh mẽ ở Mèo Vạc

BHG- Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, huyện Mèo Vạc đã tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả động viên, khuyến khích nhân dân thi đua lao động sản xuất. Chỉ sau 5 năm đến nay, địa phương đang có bước "chuyển mình" mạnh mẽ, từng bước thoát khỏi huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trong đó, kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) không chỉ để lại dấu ấn đậm nét mà còn được xem là động lực giúp người dân đẩy lùi đói, nghèo. 

27/08/2015
Vang mãi bài ca mở đường

BHG- Những ngày này, hòa với không khí thi đua lao động, sản xuất, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GT-VT Hà Giang cũng đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (28.8.1945-2015). 

26/08/2015
Mưa lớn tại 2 huyện Bắc Mê, Mèo Vạc làm sạt lở đường và ngập úng

BHG- Đêm 25, rạng sáng ngày 26.8, trên địa bàn huyện Bắc Mê đã xảy ra mưa to làm sạt lở đường và thiệt hại hoa màu của nhân dân. 

26/08/2015