Cần tích cực tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống thiên tai

08:06, 26/08/2015

BHG- Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 trận lũ quét, sạt lở đất, làm chết 61 người, 75 bị thương; sập đổ, hư hỏng hơn 18,9 nghìn ngôi nhà; phá hủy 3.852 ha rau hoa các loại, 12 nghìn ha lúa, ngô bị thiệt hại... tổng thiệt hại ước tính trên 1.200 tỷ đồng. Trong số các vụ sạt lở đất phải kể đến trận lũ quét xảy ra tại địa bàn huyện Vị Xuyên vào tháng 7.2013 đã làm bị thương 3 người, 43 nhà phải di dời, vùi lấp gần 22 ha lúa, cuốn trôi gần 9 tấn thóc, lúa, làm chết nhiều gia súc, gia cầm, phá hủy nhiều công trình giao thông, công trình phúc lợi xã hội. Một năm sau, cũng vào tháng 7.2014, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì xảy ra lở đất khiến 7 người chết, 2 người bị thương, nhiều công trình phúc lợi xã hội bị hư hỏng...

Kết quả điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến lũ quét, lũ ống, trượt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình do Sở TN-MT thực hiện đã xác định được 99 điểm xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao và 20 khu vực đã xảy ra lũ quét, có nguy cơ xảy ra lũ quét; tại các huyện, thành phố còn lại, có 289 điểm nguy cơ sạt lở. Căn cứ danh sách các điểm có nguy cơ xảy ra trượt, sạt lở đất, lũ quét, UBND tỉnh đã đề nghị BCH Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố chủ động rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở mới phát sinh, đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức cắm biển cảnh báo tại điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét nhằm giúp nhân dân biết, nâng cao cảnh giác, chủ động đề phòng.

Thực tế cho thấy, thiên tai diễn biến rất bất thường, khó lường và gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, đe dọa tính mạng người dân. Với điều kiện đặc thù của tỉnh, đa phần diện tích đồi núi, vách cao, vực sâu, nhiều vùng kết cấu địa chất yếu nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa rất cao. Hơn nữa, với tập quán sinh hoạt, canh tác, đồng bào các dân tộc thường ở phân tán, dựng nhà dưới chân đồi, ven triền núi, cạnh các dòng sông, suối nên khi mưa xảy ra, lũ về bất ngờ dễ bị cuốn trôi nhà cửa, đất đá vùi lấp nên việc cảnh báo nguy cơ, tăng cường kiến thức phòng, chống cho nhân dân rất cần thiết. Từ thực tế đó, cơ quan chuyên môn đã cảnh báo, đưa ra khuyến cáo đối với người dân như không làm nhà tại những nơi ta - luy cao hoặc vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở, xây dựng nhà ở những vùng đất trống, giữa cánh đồng, ven sông, suối, trên sườn núi hoặc giữa 2 sườn đồi... Bên cạnh đó, cần chủ động kiểm tra xung quanh nơi ở, kịp thời phát hiện những vết rạn nứt địa chất; khuyến khích người dân vùng đồi núi cao, trong quá trình canh tác khi phát hiện được hiện tượng sạt, trượt đất, vết rạn nứt sườn núi cần báo ngay với chính quyền cơ sở, nhằm kịp thời xây dựng phương án đề phòng. Hiện tượng lũ quét, từ trước đến nay vẫn được cảnh báo ở tất cả những địa phương có khe suối chảy qua, nhất là những khe suối ở khu vực núi cao. Tuy nhiên, việc chấp hành của người dân nhiều nơi, nhiều lúc chưa nghiêm, một phần do chính quyền địa phương chưa giám sát chặt chẽ nên vẫn còn những hộ do khó khăn về mặt bằng vẫn dựng nhà ở những vùng tiềm ẩn nguy hiểm và đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Một trong những biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại về nhà cửa, tính mạng khi có lũ quét, sạt lở đất xảy ra đó là chính quyền cơ sở phải tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân về nguy cơ; cách phòng, chống thiên tai, đồng thời có thái độ cương quyết, không để các hộ dân dựng nhà sinh sống ở những vùng xung yếu. Đối với những hộ dân có nhu cầu làm nhà mới nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm kiểm tra cụ thể vị trí được đề xuất, nếu đáp ứng đủ các điều kiện an toàn mới cho dựng nhà. Đồng thời, vận động những gia đình đang sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn, những hộ cố tình không thực hiện, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế với mục tiêu đảm bảo an toàn trên hết.

Mùa mưa bão năm nay đã đến và được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng, chống những tác động của thiên tai. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần cương quyết, có biện pháp tuyên truyền, vận động, di dời những hộ nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, chủ động hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống, như vậy mới có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động xấu của thiên tai.

TIẾN CHIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang thực hiện tốt chính sách với Người có uy tín

BHG- Hiện nay, huyện Bắc Quang có 211 người đại diện cho 11 dân tộc (DT) trên địa bàn được cộng đồng nơi cư trú tôn vinh là Người có uy tín (NCUT). Những năm qua, huyện Bắc Quang thực hiện tốt chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS (theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).

22/08/2015
Agribank Hà Giang hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi

BHG- Sáng 20.8, Agribank Hà Giang đã trao quà hỗ trợ cho hai cháu Nguyễn Trung Hiếu và Đỗ Nguyên Thiên Ngọc, là học sinh nghèo, mồ côi, vượt khó học giỏi, đều trú tại tổ 5, phường Trần Phú (TPHG).

21/08/2015
Thiệt hại do thiên tai bão lũ trên địa bàn huyện Quang Bình

BHG- Đêm ngày 18, rạng sáng 19.8, trên địa bàn huyện Quang Bình xảy ra mưa lớn, sấm sét trên diện rộng đã gây thiệt hại không nhỏ về giao thông và nông nghiệp cho huyện.

20/08/2015
Cháy nhà gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng ở xã Thượng Sơn

BHG- Vào khoảng 5h sáng 20.8, một vụ hỏa hoạn gây cháy nhà đã xảy ra tại gia đình gia đình ông Đặng Văn Phương ở thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên).

20/08/2015