Nhìn cuộc sống qua lăng kính trẻ dân tộc thiểu số

08:45, 04/06/2014

120 bức ảnh và nhiều câu chuyện đặc sắc do trẻ em dân tộc thiểu số học từ lớp bốn tới lớp tám chụp kể về cuộc sống thường ngày của chính các bạn nhỏ. Những lát cắt đời sống sinh động ấy đã hiện diện trong triển lãm “Tớ kể bạn nghe” diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội từ ngày 30-5 đến 3 - 6.


Gần gũi và chân thực

Một em bé bốn tuổi, má ửng hồng, nghiêng đầu trong nắng chơi với một chậu nước mầu hồng gợi cho người xem vừa thấy dễ thương, vừa tò mò về mầu nước lạ lùng trong chậu. Tác giả của bức ảnh, bạn Lừu Seo Sềnh, dân tộc Mông, trường PT Dân tộc bán trú tiểu học xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai giới thiệu “Em (nhân vật trong ảnh) tên là Thủy, mới có bốn tuổi, nhưng cũng rất nghịch ngợm. Nước mà em ấy nghịch có mầu hồng, em ấy lấy từ vỏ kẹo cho vào chậu nước nên có mầu ấy. Em chụp bức ảnh này để nói với mọi người trong bản là mầu nước này có hại cho sức khỏe”.

Ở một bức tranh khác, bạn Thuận Thị Thảo, người dân tộc Chăm, học sinh trường tiểu học Bình Nghĩa, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận kể về cuộc sống của ba người bạn trong bức tranh của mình: “Bạn Tòng, Thắng và Tay đang hốt phân bò khô để làm phân bón rải cho cây, ba bạn là những người chơi rất thân với nhau… Làm rất nặng nhọc nhưng các bạn vẫn vui vẻ, quan tâm giúp đỡ nhau như anh em trong gia đình”. Qua câu chuyện của những người bạn đồng trang lứa, Thảo muốn nói với mọi người hãy quan tâm chăm sóc nhiều hơn tới trẻ con trong gia đình.

Nằm trong khuôn khổ dự án Photovoice do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện nhằm giúp trẻ em dân tộc thiểu số cất lên tiếng nói trong xã hội, triển lãm “Tớ kể bạn nghe” chọn lọc những bức ảnh do 49 trẻ em người Mông, M’Nông, Raglai và Chăm hiện đang học từ lớp bốn tới lớp tám tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại ba tỉnh Lào Cai, Đác Nông và Ninh Thuận. Bao bức ảnh, bao câu chuyện cho thấy các em đã chứng tỏ khả năng quan sát tinh tế, sự quan tâm đến con người xung quanh, những vấn đề chung của cộng đồng và mong muốn tham gia mang đến những điều tốt đẹp. Thông qua những bức tranh đó, các em bày tỏ tình cảm yêu mến với mọi người như ông bà, cha mẹ, bạn bè, giới thiệu về văn hóa dân tộc mình hay chỉ đơn giản là những việc các em làm để tự chăm sóc bản thân… Các em nhìn thấy trong xã hội thu nhỏ chung quanh mình những người khuyết tật, những người khó khăn hơn, để từ đó thể hiện mong muốn đùm bọc đầy nhân ái với nhau, thấu hiểu, cảm thông với nhau hơn trong cộng đồng của mình.

Lắng nghe ý kiến trẻ em

Các bạn nhỏ tham quan triển lãm.

120 tác phẩm của các bạn nhỏ trưng bày tại bảo tàng Dân tộc học là những bức ảnh tự chụp với chủ đề không giới hạn. Các em kể về những điều xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, khi học tập, vui chơi, khi lao động giúp đỡ gia đình, về trường học, cộng đồng, gia đình và bạn bè…Nhưng, những bức ảnh đó cũng nói lên nhiều suy nghĩ, mong muốn của trẻ em với gia đình, nhà trường và xã hội.

Phát biểu trong buổi khai mạc, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE cho biết: “Trong khi chúng tôi cùng chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm để tổ chức những dự án như này, mọi người nói nhiều đến từ “Tự” - Các em ấy tự làm, tự đưa ra ý kiến, tự quyết định xem mình chọn ảnh nào và câu chuyện nào. Đó là một trong những từ rất tâm đắc để các em có thể tự xác định cho mình những câu chuyện đẹp”.

Ông Bình cũng cho rằng, sau những chương trình như “Tớ kể bạn nghe”, người lớn có niềm tin, tin vào năng lực để các em có khả năng thực hiện những ước muốn của mình, từ đó sẽ tôn trọng ý kiến của các em hơn.

Triển lãm “Tớ kể bạn nghe” nằm trong khuôn khổ dự án toàn cầu “Quyền và tiếng nói của chúng em” do tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ. Sau triển lãm tại Hà Nội, “Tớ kể bạn nghe” sẽ đến với công chúng các tỉnh, thành phố nơi các em sống và học tập trong tháng 7 và tháng 8 năm nay. Nội dung những bức ảnh, những câu chuyện của các em vẫn tiếp tục là đề tài cho những thảo luận xã hội về cách thức để trẻ em tham gia hiệu quả nhất vào đời sống cộng đồng, phát triển tốt nhất năng lực của chính mình.


Theo Nhân dân điện tử

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấn tượng Cao nguyên đá
HGĐT- Ngày 12 và 13.4.2014, Báo Hà Giang cùng lúc tổ chức 2 sự kiện: Đăng cai Hội thảo Báo Đảng khu vực trung du miền núi phía Bắc lần thứ XVI - năm 2014 với chủ đề “Tuyên truyền phát triển du lịch - dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội” và Kỷ niệm 50 năm thành lập - Báo Hà Giang ra số báo đầu tiên. Một cuộc tụ hội đồng nghiệp ý nghĩa và thật ấn tượng tại Công viên Địa
30/05/2014
Về Kim Thạch ngắm bức tranh quê
HGĐT- Vượt đỉnh dốc Phú Linh, rẽ trái, theo con đường liên xã được rải nhựa êm mượt, uốn lượn theo những sườn đồi khoảng 10 km là đến trung tâm xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Bước vào địa bàn xã, trải rộng trước mắt là màu xanh sẫm ngút ngàn của đồi keo, đồi mỡ, rừng cọ; màu xanh non của lúa, ngô, rau, đậu. Ẩn hiện trong đó là những nếp nhà sàn, mái lợp lá cọ, lợp ngói đỏ truyền
30/05/2014
Giới thiệu tác phẩm mới
LTS: Giữa tháng 5.2014, Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ cho ra mắt và gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa Tập thơ “ Biển gọi”,được tập hợp từ trên 50 bài của trên 40 tác giả trong cả nước đoạt giải Cuộc thi Thơ: Biển đảo Việt Nam. Nhà thơ,Nhà báo Đặng Quang Vượng, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang đoạt Giải Nhất chùm 3 bài. Báo Hà Giang trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2
30/05/2014
Trở lại Điện Biên
Tôi hăm hở ngược đường Tây BắcLên Điện Biên thăm lại chiến trường xưaTrắng mùa Ban em về bản TháiLòng nôn nao gợi nhớ đêm xòe
30/04/2014