Ấn tượng Cao nguyên đá

16:45, 30/05/2014

HGĐT- Ngày 12 và 13.4.2014, Báo Hà Giang cùng lúc tổ chức 2 sự kiện: Đăng cai Hội thảo Báo Đảng khu vực trung du miền núi phía Bắc lần thứ XVI - năm 2014 với chủ đề “Tuyên truyền phát triển du lịch - dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội” và Kỷ niệm 50 năm thành lập - Báo Hà Giang ra số báo đầu tiên. Một cuộc tụ hội đồng nghiệp ý nghĩa và thật ấn tượng tại Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.



                                Giữa muôn trùng đá. Ảnh: TƯ LIỆU


Cuộc hành quân về Cổng trời

Trời đang nắng, bỗng chốc khí lạnh từ phương Bắc tràn về. Buổi tối đổ mưa, se lạnh, mưa phùn sương mù trắng trời. Từ 4 giờ 30 sáng, cánh nhà báo chúng tôi đã thức dậy để nửa giờ sau đó, sáng chưa tỏ mặt người, đã lên xe ngược Cổng trời Quản Bạ kịp tới huyện Mèo Vạc và Đồng Văn vào buổi trưa. Một ngày hành quân gần 500km đường quanh co đèo dốc là thời gian để tham quan, khám phá Cao nguyên đá huyền thoại. Tranh thủ thời gian, mỗi người một nắm xôi ăn sáng trên xe. Tổng Biên tập Báo Hà Giang Lê Trọng Lập làm “tư lệnh” cuộc hành quân lên Cao nguyên đá, nhóm “cận vệ” phóng viên báo nhà tháp tùng. Chiếc xe 2 cầu, tài xế là một sĩ quan Công an Hà Giang thông thổ địa bàn.


Đường lên Cổng trời Quản Bạ, đèo cao uốn lượn ngoằn ngoèo, một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là vực thẳm, độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển. Từng đám mây trắng bập bềnh trôi. Chúng tôi như lên 9 tầng mây, mưa phùn, gió se lạnh. Mùa Đông, nơi đây có lúc tuyết phủ trắng xóa. Quản Bạ được coi là huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá. Năm 1939, tại Cổng trời, “Vua Mèo” cho dựng lên một cánh cửa làm bằng phiến gỗ nghiến khổng lồ, dày 150cm. Phía sau cánh cửa là một thế giới khác: Vùng Tự trị của người Mèo. Sau này, tấm cửa gỗ không còn. Qua dốc Bắc Sum là thị trấn Tam Sơn, cặp núi đôi - đôi nhũ hoa của thiếu nữ căng tròn nhựa sống, kiêu hãnh hiện hữu trong một thung lũng đá lãng đãng sương mù. Chung quanh là cánh đồng lúa xanh rì, vườn cây xum xuê, mùa nào thức ấy.


Thị trấn Tam Sơn là thung lũng đá, được hình thành do hoạt động đứt gãy địa chất, cách đây hàng triệu năm. Địa hình đá vôi lởm chởm, gồ ghề do quá trình karst hóa, nhưng hình thể núi Đôi cô Tiên lại tròn trịa, sự bào mòn đều đặn, yêu kiều theo dạng bát úp, thật quyến rũ. Cách không xa núi Đôi là làng dệt thổ cẩm truyền thống Lùng Tám, có lịch sử lâu đời, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mông. Điều kiện tự nhiên đặc sắc trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo cho khu vực này sự đa dạng, phong phú về hệ thống các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và khu bảo tồn Voọc mũi hếch Khau Ca, 1 trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm.

 

Hùng quan Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”- dốc thẳng đứng. Nghĩa bóng “nơi hiểm trở ngang trời, ngựa đi qua phải bạt vía, lạc hơi”. Mã Pì Lèng thuộc địa phận 3 xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái - huyện Mèo Vạc, nằm trên Quốc lộ 4C nối 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, xuôi về TP. Hà Giang. Cung đường hiểm trở này dài 20km, từ  đỉnh đèo có độ cao 1.600 mét, độ cao trung bình của 20km đường đèo là 1.200 mét, có 9 khoanh uốn khúc. Từ đỉnh đèo nhìn xuống là hẻm vực sâu sông Nho Quế, uốn lượn quanh co theo độ cao thấp của thung lũng, kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam . Trước đây nơi đây cực kỳ hiểm trở, nơi tụ tập của thổ phỉ. Ngày 10.9.1959, Đảng và Nhà nước huy động hàng vạn thanh niên xung phong, những chiến sĩ cảm tử mở tuyến đường hiểm trở Mèo Vạc - Đồng Văn.


Trong hơn 8 năm thi công, hơn 2 triệu m3 đá được đục khoét từ núi do chính bàn tay con người, bằng các phương tiện thủ công. Ngày 15.6.1965, cung đường mới hoàn thành. Con đường được đặt tên con đường Hạnh Phúc, đường giao thương vận chuyển hàng hóa đem đến sự đổi đời, cơm no áo ấm cho đồng bào các dân tộc anh em vùng cao Đồng Văn.

 

Ngày 16.11.2009, đèo Mã Pì Lèng được công nhận là danh thắng Quốc gia, nơi “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”. Một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực thẳm hun hút. Đây là một trong những nơi phong phú bậc nhất các di sản địa chất tiêu biểu của Cao nguyên đá với những kim tự tháp chóp nón karst, những sườn, vách karst nối tiếp nhau cùng tạo nên “đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng. Với độ sâu vực thẳm 700-800 mét, vách dốc 70-90 độ, Mã Pì Lèng thuộc loại kì vĩ nhất trên Cao nguyên đá, được coi là hẻm vực sâu nhất so với các hẻm vực khác ở Đông Nam Á. Các nhà địa chất học xếp “Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng” là di sản kiến tạo - địa mạo tầm cỡ quốc tế.


Từ Chợ tình Khau Vai đến Cột cờ Lũng Cú

Lên Cao nguyên đá, không mấy du khách không nói đến chợ tình Khau Vai, cách thành phố Hà Giang 170km, cách trung tâm thị trấn Mèo Vạc 24km. Chợ tình diễn ra hằng năm vào đêm 26 rạng sáng 27 tháng 3 âm lịch.

 

Ba lần đến với chợ tình Khau Vai, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã “dệt” nên bài thơ tình hay rất có duyên. Bài thơ tình đó chuyển thành kịch bản, được nghệ sĩ ưu tú Trịnh Trung Kiên chuyển thể, kiêm đạo diễn vở cải lương Chuyện tình Khau Vai. Chuyển giao năm cũ sang năm mới Giáp Ngọ 2014, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã trình chiếu 4 đêm liền tại rạp Hồng Hà, Hà Nội, đêm nào rạp cũng chật kín chỗ ngồi. Vở diễn được phát sóng trực tiếp trên VTV1, khán giả rất ngợi khen. Đã nên duyên chồng vợ, nhưng vợ chồng cùng đến chợ tình. Khi vào chợ, vợ chồng mỗi người một hướng tìm đến với người tình xưa, nhẹ nhàng, vui vẻ, không ghen tuông. Có lẽ trên thế gian này, chỉ có chợ tình Khau Vai mới độc đáo như thế - tình xưa nghĩa cũ đậm đà, nhân văn - trong quan hệ giữa người với người - những đôi trai gái trái tim cùng nhịp đập, không thể đến với nhau trong một mái nhà.

 

Nếu chợ tình Khau Vai là biểu tượng cao đẹp, nhân văn của mối tình đôi lứa thì Cột cờ Lũng Cú - lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong gió lộng là niềm tự hào tuyệt đối của lòng yêu Tổ quốc nơi biên ải - đất nước con Lạc cháu Hồng, nơi  cực Bắc Đại Việt. Dù thời gian eo hẹp, sau bữa cơm trưa tại Văn phòng Huyện ủy Mèo Vạc,  mọi người phóng xe lên cột cờ Lũng Cú.

 

Chiến sĩ biên phòng Nguyễn Văn Ba, đã làm nhiệm vụ ở đây gần 3 năm cho biết:
- Lá cờ Lũng Cú rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước, phấp phới tung bay trong gió. Mỗi tuần chúng tôi phải thay mới một lá cờ. Trời khô ráo, ở xa vài km đã thấy cờ Lũng Cú tung bay, niềm tự hào của mọi người con đất Việt. Tạo hóa thật kỳ thú. Từ đỉnh cột cờ, mọi người đều nhìn rõ 2 hồ nước lớn tự nhiên. Nước hồ trong vắt, không bao giờ cạn, kể cả lúc nắng hạn gay gắt. Các cụ cao niên trong vùng nói, hồ nước rất linh thiêng, hồ nước là sức mạnh của Đại Việt nơi biên ải cực Bắc.

 

Dinh thự Nhà Vương - Di tích kiến trúc, văn hóa kỳ thú

Nhà Vương là điểm du lịch đặc sắc ở Cao nguyên đá, được xây dựng trên vị trí quả đồi có hình mai rùa, nhìn về hướng Nam . Nhà Vương nằm ở xã Sà Phìn, cạnh Quốc lộ 4C, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn 13km, cách thành phố Hà Giang 131km. Hơn 1 thế kỷ trước - đầu thế kỷ XX, dòng họ Vương - từ buôn bán thuốc phiện đã giàu lên nhanh chóng, thống lĩnh cả vùng cao nguyên rộng lớn Đồng Văn. Họ Vương tự xưng Vương. Người Mông gọi là “Vua Mèo”.

 

Một cô cháu của dòng họ Vương xinh đẹp, giới thiệu với đoàn nhà báo:

- Lúc sinh thời, cụ ông Vương Chính Đức, thân sinh của ông Vương Chí Sình đã kỳ công đi khắp nơi tìm gỗ quý, tìm thợ giỏi xây nhà Vương. Công trình xây dựng suốt ngày đêm, kéo dài 8 năm liên tục, trên khu đất rộng 1.120m2, kiến trúc hình chữ Vương - kiểu kiến trúc thời Mãn thanh - Trung Quốc. Công trình là tổ hợp giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều phong cách kiến trúc. Bố cục tòa nhà theo 3 lớp, cao dần vào trong, 2 góc trong cùng xây 2 lô cốt bằng đá xanh, có 3 tầng. Cách 3 lớp nhà là 3 sân lát đá phiến, đồng thời là 3 giếng trời để lấy ánh sáng cho toàn nhà. Tường được trình bằng đất sét. Móng nhà xây bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp gói máng, hiên nhà lợp ngói ống, trang trí hoa văn chữ “Thọ”.

 

Năm 1993, khu nhà Vương được công nhận Di tích kiến trúc văn hóa cấp Quốc gia. Toàn bộ con cháu dòng họ Vương vẫn sinh sống quây quần quanh khu nhà Vương và được giao trông coi, duy tu bảo dưỡng, làm hướng dẫn cho các đoàn khách tham quan.

 

Đường “Hạnh Phúc” lên đỉnh đèo Mã Pì Lèng quanh co uốn lượn, cao 1.600m so với mặt nước biển.

 

Cảnh sắc thiên nhiên Cao nguyên đá Đồng văn thật tuyệt. Tháng 10, tháng 11 Cao nguyên đá bạt ngàn hoa Bạc Hà, hoa Tam Giác Mạch sắc hồng tự nhiên, mùi hương dịu dàng làm mê lòng bao du khách. Những đàn o­ng rừng từ phía Tây, phía Bắc đổ về xây tổ, hút nhụy hoa làm mật. Hoa Tam Giác Mạch (kiều mạch, mạch 3 góc) có màu trắng hồng, chụm lại thành hình chóp nón, là cây dược liệu quý thuộc họ ngũ cốc. Nhụy hoa thơm, tạo mật qua sự cần mẫn của những chú o­ng rừng, để vào dịp xuân về hè đến, du khách đến Cao nguyên đá có những chai mật o­ng rừng mang về xuôi làm quà, ngọt dịu mà rất thơm, bổ dưỡng, làm thuốc chữa bệnhhiệu quả.

 

Cao nguyên đá - Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn là di sản thiên nhiên, nôi văn hóa bản địa đặc sắc ở vùng cực Bắc của Tổ quốc. Hãy một lần và nhiều lần đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, khám phá biết bao điều kỳ thú - có một không hai của nền văn hóa kỳ vĩ, rực rỡ - tỏa sáng của người Việt bản địa.

 

Nồng ấm tình đồng nghiệp

Báo Hà Giang có lịch sử xây dựng, phát triển nửa thế kỷ. Các đồng nghiệp Báo Hà Giang rất có lý chọn chủ đề hội thảo về du lịch, kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên. Tiềm năng du lịch Hà Giang, chỉ riêng vùng cao nguyên đá Đồng Văn đã rất phong phú. Đất và người Hà Giang nhân hậu, mến khách, với vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã, có sức lôi cuốn, níu kéo du khách đến kỳ lạ. Gần 150 đồng nghiệp các báo Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên Phủ, Lai Châu và nhiều báo Đảng ngoài khu vực đã tụ hội về đây. Sự kết nối các tuyến du lịch - dịch vụ; sự liên kết trong các hoạt động truyền thông như một đòi hỏi khách quan, tất yếu. Các ý kiến tham luận, trao đổi, phản biện về tiềm năng, thế mạnh du lịch mỗi địa phương; sự kết nối chặt chẽ bên nhau giữa các loại hình báo chí - giữa các địa phương sẽ làm cho sức lan tỏa thông tin, quảng bá tăng lên gấp bội.

 

Kỷ niệm 50 năm ra số báo đầu tiên, với 3 tấm Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba cho tập thể những người làm báo Đảng vùng cao. Tổng Biên tập Lê Trọng Lập, các Phó Tổng biên tập Đặng Quang Vượng, Sùng Mí Chứ được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Các thế hệ làm báo Hà Giang, các đồng nghiệp khắp nhiều vùng miền cả nước cùng có mặt chia vui. Ai nói làm báo vùng cao là không năng động? Hoàn toàn không. Tập kỷ yếu của một thời 50 năm Báo Hà Giang là bức tranh thu nhỏ, sống động, vẻ vang - với bao chiến công thầm lặng, với những cuộc đi dài ngày của phóng viên vùng cao ra đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, vùng cao nguyên Lâm Đồng, mỏ dầu Bạch Hổ, đất mũi Cà Mau, những cuộc rượt đuổi thời gian và bứt phá nghiệp vụ của thời làm báo hội nhập, đầy ngoạn mục. 

 

Nhà báo Nguyễn Thị Minh Đức (cùng chồng là nhà báo Nguyễn Đình Lục) viết trong tập kỷ yếu Hạnh phúc của một gia đình có hai thế hệ trưởng thành từ báo Hà Giang. Hằng ngày, thời trẻ, 3 đứa con của anh chị cùng bố và mẹ tiếp cận, tắm mình trong hơi thở nhiệt huyết làm Báo Hà Giang, bố mẹ truyền cho. Cả 3 người con: Hải Hồng, Hải Yến, Hải Vân đều là nhà báo - thạc sĩ báo chí, theo nghiệp báo của bố mẹ.

 

Tình đồng nghiệp trên vùng Cao nguyên đá thật nồng ấm, theo cách mà một đồng nghiệp Báo Hà Giang đã viết:

Hà Giang - Đồng Văn

Đất - trời đính ước

Lưng chừng núi

Lưng chừng mây

Nghĩa tình - Tuyệt lắm!


Phạm Quốc Toàn (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về Kim Thạch ngắm bức tranh quê
HGĐT- Vượt đỉnh dốc Phú Linh, rẽ trái, theo con đường liên xã được rải nhựa êm mượt, uốn lượn theo những sườn đồi khoảng 10 km là đến trung tâm xã Kim Thạch (Vị Xuyên). Bước vào địa bàn xã, trải rộng trước mắt là màu xanh sẫm ngút ngàn của đồi keo, đồi mỡ, rừng cọ; màu xanh non của lúa, ngô, rau, đậu. Ẩn hiện trong đó là những nếp nhà sàn, mái lợp lá cọ, lợp ngói đỏ truyền
30/05/2014
Giới thiệu tác phẩm mới
LTS: Giữa tháng 5.2014, Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ cho ra mắt và gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa Tập thơ “ Biển gọi”,được tập hợp từ trên 50 bài của trên 40 tác giả trong cả nước đoạt giải Cuộc thi Thơ: Biển đảo Việt Nam. Nhà thơ,Nhà báo Đặng Quang Vượng, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang đoạt Giải Nhất chùm 3 bài. Báo Hà Giang trân trọng giới thiệu với bạn đọc 2
30/05/2014
Trở lại Điện Biên
Tôi hăm hở ngược đường Tây BắcLên Điện Biên thăm lại chiến trường xưaTrắng mùa Ban em về bản TháiLòng nôn nao gợi nhớ đêm xòe
30/04/2014
Trước giờ xung trận
Rừng Trường Sơn xao xácBom thù phạt ngang đầuNằm chờ giờ xung trậnThân gửi lời cho nhau
30/04/2014