Tưng bừng Lễ hội Lồng tồng

11:05, 19/02/2013

HGĐT- Khi hoa đào, hoa mai đã nở rộ, hương vị Tết vẫn còn thấp thoáng trong mỗi gia đình, thì bà con dân tộc Tày ở các thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh tưng bừng tổ chức Lễ hội Lồng tồng, đánh dấu một mùa Xuân mới đã về với những người nông dân cần cù lao động, sản xuất làm ra những sản phẩm nông nghiệp phục vụ cuộc sống.



                         Tiết mục đẩy gậy thu hút đông đảo người xem.


Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào những ngày đầu tháng giêng, sau những ngày vui Xuân, xã Phương Thiện (TPHG) lại tổ chức Lễ hội Lồng tồng để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, sức khỏe đến mọi thành viên trong gia đình. Từ sáng sớm, ở các thôn, bản xa xôi của xa, bà con đã kéo về thôn Châng để cùng tham gia. Lễ hội được tổ chức ở một khoảng đất rộng, bằng phẳng, xa xa là những thửa ruộng bậc thang đang chờ người nông dân xuống đồng, cùng những ngôi nhà sàn tựa lưng vào núi. Mưa Xuân vẫn lớt phớt bay, ai cũng náo nức đến Lễ hội, khoảng đất rộng đã đông kín người dân và khách thập phương đến xem. Các tràng trai, cô gái khoác trên mình những bộ áo đặc trưng của dân tộc mình, xúng xính bên những chiếc ô nhiều màu sắc cùng dắt tay đến Lễ hội. Không khí trở nên náo nhiệt, vui vẻ thể hiện trên gương mặt những người đến tham dự. Bà Nguyễn Thị Gỏi, thôn Châng, năm nay đã gần 70 tuổi, cho biết: Nhà tôi hiện có diện tích đất nông nghiệp khoảng 30 bó lúa (theo người dân ở đây thì 1 bó gần 22m2), hôm nay cả gia đình đều tham gia Lễ hội Lồng tồng, vui lắm, trở về là gia đình xuống đồng gieo cấy ngay.


Lễ hội Lồng tồng năm nay được chia làm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức cúng lễ của thầy cúng uy tín, được dân làng tin tưởng, đọc các bài khấn để cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối... Những vị thần bảo hộ cho mùa màng và sức khỏe, sự bình yên của dân làng. Mâm lễ cúng được người dân trong làng chuẩn bị rất chu đáo. Tùy theo điều kiện của từng địa phương mà mâm lễ có khác nhau, nhưng thường mâm lễ là một đầu lợn đã luộc chín, một con gà chín, gói xôi, mâm ngũ quả, rượu, những quả còn nhiều màu sắc và một cum lúa. Tất cả sản vật cúng đều là do người dân tự làm ra, thể hiện lòng thành kính với các vị thần đã bảo hộ cho họ. Kết thúc phần cúng lễ, thầy cúng cầm cum lúa chia đều cho mọi người, tượng trưng phát lộc đầu năm, người được nhận lúa sẽ may mắn trong năm.


Sau phần lễ là phần hội, mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát Then, hát Cọi của các thanh niên, trai gái trong làng chuẩn bị, tiếng hát hòa chung với tiếng trống hội vang xa, làm lễ hội càng thêm rộn ràng, háo hức. Sau đó, nội dung tung còn thu hút đông đảo mọi người. Đây là trung tâm của lễ hội. Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua bằng vải màu sắc sặc sỡ được tung lên trời hướng đến hồng tâm trên ngọn cây nêu, nơi có hai vòng tròn cao thấp tượng trưng cho Âm – Dương, cái gốc của vũ trụ và sinh ra vạn vật. Cây nêu được làm bằng cây mai cao khoảng 25m, dựng giữa bãi đất rộng, bằng phẳng. Đông đảo thanh niên trai, gái đua nhau so tài khéo léo. Ai cũng hy vọng chiếc còn của mình đi qua hồng tâm đểm - Dương giao hoà, mùa màng được tươi tốt. Vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là mang lại một năm mới đủ đầy, no ấm và hạnh phúc cho tất cả người dân trong bản. Anh Nguyễn Văn Thấn, ở thôn Châng - người ném quả còn đầu tiên lọt vòng tròn, vui vẻ: Để ném đúng vòng tròn, tôi phải tập từ mấy hôm trước. Khi ném được rồi tôi rất vui mừng, vì theo phong tục, tập quán của dân tộc, ai ném chúng vòng tròn người ấy và gia đình sẽ may mắn trong năm. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm hy vọng và khát khao vào một cuộc sống mới sung túc, hạnh phúc hơn.


Ngày nay, trong nông nghiệp, người nông dân nhiều nơi đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Máy cày, máy cấy đã thay thế dần cái cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Không hẳn vậy mà người dân xã Phương Thiện nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung xa được hình ảnh con trâu, bởi “đó là đầu cơ nghiệp” đã bao đời nay gắn liền với nông nghiệp, với người nông dân. Chính vì vậy, trong lễ hội không thể thiếu tiết mục thi cày ruộng bằng trâu của các nông dân chân lấm, tay bùn quanh năm với đồng ruộng. Họ cùng nhau thi cày, những đường cày thẳng, điều khiển con trâu cày đúng đường dưới sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân đến xem. Người thi cày cũng cố gắng thử tài để mọi người cùng xem, phần cũng hãnh diện vì rất thành thạo nghề nông, phần hãnh diện nữa là nhà mình có con trâu khỏe mạnh và rất “thuần” nông nghiệp. Anh Trần Đức Toàn, thôn Gia Vài (Phương Thiện), sau khi thực hiện xong phần thi, cho biết: Nhà mình cũng sắm một máy cày ruộng nhưng vẫn phải dùng trâu để cày những thửa ruộng nhỏ, vì có nửa diện tích nông nghiệp là ruộng bậc thang. Hơn nữa, nuôi trâu còn lấy phân để bón ruộng.


Trong phần hội còn có nhiều hoạt động thể thao dân tộc và trò chơi dân gian khác như: Leo cột, bịt mắt đánh trống, kéo co, đẩy gậy... tất cả đều tạo cho người xem vui vẻ, háo hức chuẩn bị cho một năm mới với những vụ mùa mới năng suất, hiệu quả cao.


Đồng chí Trần Văn Đãng, Giám đốc Trung tâm VHTT&DL thành phố Hà Giang, cho biết: Lễ hội Lồng tồng được người dân địa phương trong tỉnh tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Riêng các xã thuộc thành phố Hà Giang tổ chức từ ngày mùng 4 đến hết ngày 10 tháng Giêng. Ở xã Ngọc Đường được tổ chức vào ngày mùng 4 – 5 tháng Giêng, ở bàn Cưởm và bản Tùy; xã Phương Độ tổ chức tại thôn Lúp. Hàng năm, thành phố sẽ lần lượt phối hợp tổ chức Lễ hội Lồng tồng với các xã Phương Thiện, Phương Độ và Ngọc Đường. Năm nay, lễ hội được tổ chức tại xã Phương Thiện nên đông đảo người dân đón nhận, ủng hộ tham gia. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của người dân địa phương, một nét sinh hoạt cộng đồng để người dân vui chơi, giao lưu học hỏi. Đây cũng là lễ hội mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp, thể hiện nét văn hóa độc đáo, sự cố gắng vươn lên của con người trong lao động, sản xuất.


Lễ hội kết thúc, mọi người trở về nhà trong niềm hân hoan, phấn khởi của những ngày đầu năm mới. Hai bên đường những thửa ruộng sau những ngày “ngủ đông” đang chờ người nông dân xuống đồng để làm nên những mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Lê Lâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuân làng báo
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm Nhâm Thìn 2012 dần khép lại. Xuân Quý Tỵ 2013 đang đến. Cái rét cuối đông như tiếp tục nhấn thêm thử thách đối với cuộc sống của một năm nhiều gian khó. Từ biên giới xa xôi đến thành thị, phố phường cuộc sống hối hả, sôi động vượt lên tất cả khó khăn, giành thêm những thành quả mới về KT-XH, dân sinh. Theo dòng chảy cuộc sống, những người làm báo vùng
31/01/2013
Hứa hẹn một mùa Xuân mới với nhiều kết quả mới
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Song song với nhiệm vụ nâng cao đời sống kinh tế người dân thì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của toàn xã hội cũng đặt biệt quan trọng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn
31/01/2013
Hà Giang vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Hà Giang không chỉ là vùng đất địa đầu của Tổ quốc mà còn là nơi “đất lành chim đậu”. Với diện tích 7884,37 km2, có hình dáng giống như con hổ nằm phủ phục hướng ra phía biển Đông, Hà Giang là nơi sinh sống của trên 22 dân tộc. Từ bao đời nay, các dân tộc hội tụ nơi đây sớm hình thành một cộng đồng đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, một lòng xây dựng quê
31/01/2013
Đêm ba mươi
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm 1987, khi đó gia đình tôi ở trong khu tập thể Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn (thuộc thị trấn Lũng Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn bây giờ). Trong ký ức non nớt của một con bé lên bảy của tôi còn nhớ như in cứ mỗi năm đông về, buổi tối khi việc nhà đã xong gia đình tôi lại ngồi quây quần bên bếp lửa, dưới ngọn đèn dầu, bốn chị em tôi thường bắt bố kể
31/01/2013