Hà Giang vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

12:54, 31/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Hà Giang không chỉ là vùng đất địa đầu của Tổ quốc mà còn là nơi “đất lành chim đậu”. Với diện tích 7884,37 km2, có hình dáng giống như con hổ nằm phủ phục hướng ra phía biển Đông, Hà Giang là nơi sinh sống của trên 22 dân tộc. Từ bao đời nay, các dân tộc hội tụ nơi đây sớm hình thành một cộng đồng đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, một lòng xây dựng quê hương và bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc mình.



Thầy cúng đang tiến hành nghi lễ khai hội Gầu tào xã Đường Thượng (Yên Minh).


Các dân tộc ở Hà Giang hôm nay, dù đông người hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng, độc đáo của mình. Mỗi dân tộc đều có một di sản văn hóa riêng, làm nên tính độc đáo, đặc sắc của vùng đất. Người ta biết đến đồng bào Tày với lễ hội Lồng tồng đầu xuân, biết đến đồng bào Dao với lễCấp sắc cho các chàng trai đến tuổi trưởng thành... Bên cạnh đó, mỗi dân tộc còn lưu giữ cho mình một kho tàng đồ sộ về văn nghệ dân gian, từ văn học truyền miệng như truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ... đến các hình thức dân ca dân vũ phong phú với nghê thuật biểu diễn đạt đến trình độ cao như múa của đồng bào Lô Lô, múa khèn của đồng bào Mông, dân ca Tày, Pu Péo... Không nhưng thế, một số dân tộc như La Chí, Pu Péo, Cờ Lao... được coi là có duy nhất ở Hà Giang với những sắc thái riêng biệt. Chính sự tồn tại của đông đảo cộng đồng các dân tộc đã tạo nên cho Hà Giang một diện mạo văn hóa vừa độc đáo vừa phong phú.


Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, các dân tộc ít người ở Hà Giang cũng quan niệm về thế giới xung quanh mình một cách thô phác, hồn nhiên. Qua hệ thống các câu chuyện cổ tích, thần thoại... người ta lý giải sự ra đời của vũ trụ, con người và các loài vật một cách sinh động, gần gũi. Người Mông cho rằng vạn vật là ông Chày, bà Chày tạo nên, còn với đồng bào Tày thì sông suối, vạn vật là do ông Then, bà Then lấy đất nặn mà nên. Trong nhận thức tự nhiên của đồng bào thì mọi vật quanh ta đều có linh hồn. Trong nhận thức thế giới, nhận thức của con người về chính bản thân con người là nhận thức tinh vi, tế nhị và đầy huyền ảo. Đồng bào các dân tộc Hà Giang nhận ra rằng con người có vị trí cao nhất, trên đầu người là trời, con người gần trời hơn cả. Con người có cả hồn, vía cụ thể. Người Mông quan niệm con người có 36 hồn, người Cờ Lao thì cho rằng có 3 hồn, người La Chí thì lại bảo có 12 hồn... Đó chính là sự phong phú và đa dạng về nhận thức. Với các dân tộc Hà Giang, bàn thờ là nơi thiêng liêng nhất trong nhà song lại được bố trí khá giản dị. Chẳng hạn bàn thờ trong gia đình người Mông chỉ có bát hương và những tờ giấy bản dính lông gà; bàn thờ trong gia đình người Lô Lô chỉ là những mảnh gỗ có vẽ hình nhân...



                                Thiéu nữ Lô Lô. Ảnh: LÊ LÂM

Có thể nói văn hoá truyền thống của các dân tộc Hà Giang thể hiện đậm nét trong việc cưới xin. Dù rằng đa phần đám cưới của các dân tộc đều bao gồm những bước cơ bản như dạm ngõ, ăn hỏi, đám cưới song mỗi dân tộc lại có cách thức tổ chức chức khác nhau tạo nên nét đặc sắc riêng. Mỗi một lễ cưới là một lần vốn văn hoá truyền thống của dân tộc đó lại được tái hiện sinh động nhất từ những nghi lễ nói lên nhận thức của đồng bào về thế giới, về xã hội, gia đình đến những biểu hiện quan hệ trong giao tiếp, ứng xử, những bộ trang phục truyền thống đến những làn điệu dân ca, văn hoá ẩm thực đặc trưng vùng miền. Trong cuộc sống hiện nay, ở nhiều nơi vai trò của ông bà mối trong đám cưới đám xin đã trở nên mờ nhạt nhưng với đồng bào các dân tộc Hà Giang thì vai trò của ông bà mối trong cưới xin vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Đó là những người có uy tín, có tài ăn nói và đặc biệt là thông thạo nhiều làn điệu dân ca để có thể ứng đối trong các bước của lễ cưới. Đám cưới ở người Pu Péo được tiến hành khá độc đáo. Đoàn đón dâu sẽ ở nhà gái 1 đêm. Trước khi đoàn đón dâu tới, nhà gái kê bàn đặt ngang cửa và mời rượu. Nhà trai phải đối đáp được thì mới được mời vào nhà dâng lễ vật cúng tổ tiên. Mẹ cô dâu thường dấu mặt trong ngày cưới. Khi đón dâu về tại nhà trai, bữa cơm đầu tiên phải ăn bốc. Người Mông có tục trao đổi vật lưu niệm khi làm lễ ăn hỏi với ý niệm là đôi trai gái đã thuận tình lấy nhau. Đoàn dâu của người Mông bao giờ cũng đi lẻ và về chẵn. Còn có ngành Dao có tục kéo dâu mà đúng ra là diễn lại trò kéo dâu. Họ cho 2 người con trai đóng giả thành nữ tới nhà gái lấy vải đỏ chùm kín đầu chú rể dắt lên cầu thang. Tại đây, hai bên, nhà trai và nhà gái hát đối đáp đến khi nào nhà gái thấy nhà trai đối đáp được thì họ mới mở cửa cho chú rể vào nhà...


Một trong những nghi lễ quan trọng của đời người được các dân tộc ở Hà Giang tuân thủ một cách nghiêm túc cho đến tận ngày nay chính là tang ma. Người ta cho rằng, nếu không làm ma đúng theo tập tục của dân tộc mình thì dù có chết xuống âm phủ cũng không nhận được người thân, tổ tiên... Dù các nghi lễ có khác nhau, liên quan chặt chẽ đến nguồn gốc của từng dân tộc thì nhìn chung trong nghi lễ tang ma của đồng bào còn sử dụng rất nhiều nhạc cụ và các lời ca, điệu múa để tiễn đưa người chết về thế giới bên kia. Trong phải kể đến các điệu múa trong tang ma của người Lô Lô. Người ta mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình (thể hiện lòng tôn trọng với người đã mất) cùng nhau múa theo nhịp trống đồng, theo tiếng nhị rộn ràng réo rắt...


Cuộc sống đang từng ngày đổi thay trên quê hương Hà Giang. Các làng bản, thôn xóm của đồng bào nơi đây đã có một diện mạo tươi mới hơn. Vẫn là những ngôi nhà sàn, nhà trình tường truyền thống của đồng bào nhưng đường làng ngõ xóm đã được xây lát sạch sẽ, khang trang. Lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong một cuộc sống mới tiến bộ hơn chính là nội dung xuyên suốt trong các bản hương ước, quy ước của mỗi thôn xóm, làng bản các dân tộc ở Hà Giang.


Những giá trị văn hóa truyền thống chính là mạch nguồn nuôi sống dân tộc đó. Bởi vậy dù trải qua không ít gian khó, cuộc sống đã có nhiều đổi thay song đồng bào các dân tộc ở Hà Giang vẫn trân trọng và lưu giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc độc đáo cho vùng đất này, tạo nên sự cuốn hút đối với du khách mỗi lần đến với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.


HÙNG HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hứa hẹn một mùa Xuân mới với nhiều kết quả mới
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Song song với nhiệm vụ nâng cao đời sống kinh tế người dân thì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của toàn xã hội cũng đặt biệt quan trọng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn
31/01/2013
Lễ cấp sắc của người Dao
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Lễ cấp sắc của người Dao là một trong 33 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo qui định của Luật Di sản văn hóa vừa được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định. Điều này đã phần nào cho ta thấy giá trị của nghi lễ này trong đời sống của đồng bào Dao.
30/01/2013
Chẳng thể rời nhau
Tiếng đàn và giọng hát của anhdụ ta vượt dốc lởm chởm đá tai mèolội qua ba thung bảy núibăng qua cánh rừng chếtđến được bên nhau!
30/01/2013
Xứ đá vào Xuân
Lung linh sắc đàoTrinh tiết sắc lêChung thủyTinh túyTrong hốc đá chồi non thức dậyHuyền thoại.
30/01/2013