Hoa nở ở Cổng Trời

19:53, 30/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Anh đến Cổng Trời vào một chiều xuân ẩm mướt. Nhớ lời hẹn hôm trước ở chợ phiên Quản Bạ, dùng dằng dưới màn sương giăng, mấy cô sơn nữ che miệng cười bảo anh cứ theo màu hoa đào là có đi khắc có đến.


Điều đầu tiên khiến anh ngạc nhiên là huyện lỵ Quản Bạ không ở xã Quản Bạ mà là thị trấn Tam Sơn. Thị trấn Tam Sơn có Núi Đôi tiên nữ. Cạnh đó là xã Quản Bạ có Cổng Trời. Lời hẹn còn văng vẳng bên tai: Em là cô Eng ở Nặm Đăm. Thôn Nặm Đăm nằm ngay bên Cổng Trời đấy. Cứ theo hoa đào là đến được thôi!


Men theo chân Núi Đôi tròn căng ngực trinh nữ chừng vài cây số, từ xa đã thấy những ngôi nhà trình tường vách đất vàng rực nổi bật giữa vườn lê, vườn đào. Cô Eng nói vậy mà đúng, mùa hè cứ theo tiếng thác chảy, mùa xuân cứ theo màu hoa đào là đến được Nặm Đăm.


Trong màn sương voan mỏng, cảnh vật Nặm Đăm thật huyền ảo với những mái nhà ẩn dưới hoa. Từ đầu thôn đã gặp hương rượu nóng thơm nồng phả lên từ bếp nhà nào đó. Mùi khói ấm và thơm. Khói cũng trắng như sương nhưng không bảng lảng mà quyện vào nhau thành một búi râu bạc nặng trĩu.


Nặm Đăm là thôn người Dao. Dao có vô số nhánh, Dao tiền đeo tràng tiền trước ngực, Dao đỏ có ngù len rực rỡ... Dao Nặm Đăm là Dao Áo Dài, với gần 50 nóc nhà là nơi cư ngụ của gần 250 cư dân.


Mọi cánh cổng nhà đều không khép. Từ những lối mòn, những mảnh sân, góc vườn đều sạch sẽ, đều như sẵn sàng đợi anh đến ngả lưng. Những ngôi nhà dài năm gian mái lá vách đất dày dặn và ấm áp, bếp lúc nào cũng đỏ lửa và cối xay luôn đầy ngọn những ngô vàng mẩy.


Hoá ra đã rất nhiều khách du lịch đến đây trước anh. Từ nhiều năm nay, Nặm Đăm đã là làng du lịch cộng đồng. Tất thảy không gian thanh tĩnh, tươm tất ấy không phải chỉ thiên tạo mà do dân làng cố công tạo nên. Cả làng có 10 nhà Homestay đón khách, dịch vụ khá thuận tiện. Nhưng cũng như anh, hầu hết khách đều tìm đến cuộc sống tự tại, phóng khoáng giữa thiên nhiên hoang sơ. Họ thích được nếm những bình rượu thuốc ngâm bằng đủ thứ lá lẩu kỳ dị mà uống vào leo núi cả ngày chân vẫn không biết mỏi. Họ tròn mắt nghe già làng dạy cách xem thời tiết...


Nặm Đăm nghĩa là “làng Nước đen”. Buổi chiều hôm ấy, khi ngồi bên bếp rượu nhà ông Lý Quốc Cháng, một Homestay của làng, trong lúc đợi các cô gái đi nương, anh đã được nghe truyền thuyết về cái ao làng. Phập phù tiếng được tiếng mất, anh chỉ hiểu rằng đất này xưa có một người anh hùng giết quái vật cứu giúp dân bản, nơi nó giãy chết hoá thành cái ao đen ngòm không bao giờ cạn nước, mà giờ đây nơi ấy đang được xây dựng thành hồ sinh thái không chỉ đem dòng nước trong lành về làng mà còn tạo cảnh quan tạo nên điểm nhấn thu hút du lịch. Nỗi đói ăn của người vùng đá này anh đã biết. Nỗi thiếu nước của họ anh càng thấu hiểu. Trên đường đến Cổng Trời, ở mỗi khúc cua ngặt nghèo, anh đều gặp những người phụ nữ ngồi tước lanh chờ nước. Bên cạnh họ là chiếc can nhựa loại 10 lít, 20 lít. Họ kiên nhẫn chờ hứng từng giọt nước rỏ xuống từ khe núi. Có lẽ buổi, cả ngày can vẫn không đầy nổi. Anh từng chứng kiến những đứa bé địu can, đi bộ hơn 4km đường dốc xuống sông Miện lấy nước. Mỗi bước trở về đỉnh trời thật nhọc nhằn với can nước nặng sau lưng.


Thứ quý nhất ở Nặm Đăm là nước và rơm khô. Có nước và rơm gia súc mới sinh
đàn sinh lũ, dân bản mới có cuộc sống no đủ. Ông Cháng là một nghệ nhân về đánh rơm. Những cây rơm cao chất ngất như ngọn núi nhỏ mà vẫn gọn ghẽ trên những giá gỗ. Rơm thu ngay khi gặt lúa, phơi thật sạch sẽ, thật khô nỏ. Rơm trữ quanh năm làm lương khô cho gia súc. Giờ đang xuân, nhìn cỏ mướt mỡn thế kia, mấy ai biết vùng đất này vừa thức dậy sau những ngày đông dài khô khát.

Đàn ông đàn bà Nặm Đăm hay lam hay làm. Mưa xuân vừa xuống, nhà nhà lại đem lễ cúng ra ruộng nương để bắt đầu một vụ gieo trồng mới. Sống trên đỉnh trời của cao nguyên đá mà vườn tược nào cũng gọn gàng, bếp nào củi cũng chất đầy vách, ngô treo lúc lỉu trên sàn.


Nặm Đăm có đâu chừng 450 ha đất tự nhiên, chủ yếu là núi. Những mảnh ruộng bậc thang và những vạt nương bám vào sườn núi, leo dần lên tận đỉnh trời.


Anh đi qua mảnh vườn có những luống hành, hẹ tung hoa trắng nuột thơm dìu dịu. Con đường ra nương cũng đầy hoa dại, những ruộng hoa không tên tím phớt hoặc vàng nhạt vương vào chân hăng hắc. Cô Eng cùng với đám bạn đang trồng đậu trồng lạc gì đó trên vạt nương dốc đứng. Anh nghĩ chắc các cô gái phải là những vũ nữ chính hiệu mới có thể đứng thăng bằng trên vạt núi đó. Trên đầu họ là mây. Bên dưới chân họ là vực thẳm. Chỉ cần lơ đễnh sơ sẩy một chút là không biết chuyện gì sẽ xảy đến. Vậy mà như không biết đến hiểm nguy, các cô gái thoăn thoắt tra hạt, bỏ phân, vừa làm vừa cười đùa khúc khích. Vạt núi bên, chè và ngô non đã xanh ngàn ngạt theo những bậc thang khuất dần trong sương.


Trưởng thôn Lý Tà Dân bảo ở đây không có hạt đất nào mà không bận. Nhiều nhà còn làm mãi ở núi xa, dựng lán làm xong mùa mới về nhà. Nhờ biết làm ăn, cùng nhau xây dựng bản làng và lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc mà Nặm Đăm được chọn làm thôn điểm trong xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện. Người dân được tập huấn nên đã biết cư xử khéo léo hơn khi giao tiếp với khách, nhưng chất phác thật thà và hiếu khách vẫn là bản tính xưa nay của đồng bào. Những điều kiêng kỵ cũng đều được ghi bằng tiếng Anh và tiếng Việt đóng ngay trước cửa nhà để khách biết và tránh những tình huống khó xử. Chắc chắn khách sẽ có thời gian thật thoải mái khi dừng chân tại thôn.


Điều trưởng thôn vừa nói anh rất tin, vì cả buổi chiều thả bộ quanh làng, anh đã đón nhận không biết bao nụ cười cùng lời thăm hỏi. Nhà nào cũng muốn mời bằng được anh dừng chân bên bếp lửa, nhấp một chén trà hay hớp rượu. Tình cảm nồng hậu hiếm có ấy khiến anh lâng lâng mãi.


Ở Cổng Trời tối rất nhanh. Sương phủ dầy hơn. Từ phía đường làng, lách cách tiếng vòng bạc va vào nhau. Vòng tay lanh canh leng keng vui nhộn. Vòng cổ đằm tiếng như thiếu nữ đến tuổi biết làm duyên. Giữa hợp âm của tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng lục lạc trên cổ những chú dê đang phởn chí, ngân lên tiếng cười lanh lảnh của đám thiếu nữ vừa đi nương về, mà rõ nhất là tiếng cười của cô Eng, chính tiếng cười đã kéo anh rời phố sá, chẳng quản xa xôi để đến tận Cổng Trời. Hăng nồng mùi hoa dại toả lên từ phía ấy như thể các cô gái đang rẽ hoa để trở về.


Mùa này ở Cổng Trời cây gì cũng muốn trổ hoa.


LƯU THỊ BẠCH LIỄU

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian
HGĐT- Từ việc luôn coi trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong những năm qua huyện Mèo Vạc đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, đem lại một số kết quả khả quan. Trong đó, việc thành lập và duy trì hoạt động của Hội nghệ nhân dân gian được xem là một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả.
29/12/2012
Trao Giải cuộc thi Thơ – Nhạc, chủ đề: “Biển, đảo Việt Nam”
HGĐT- Sáng ngày 26.1.2013, tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Liên hiệp VH - NT tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động VH- NT và Lễ trao thưởng VH- NT năm 2012; Trao Giải thưởng cuộc thi Thơ - Nhạc với chủ đề: “Biển đảo Việt Nam”.
29/01/2013
Tản mạn: Đường lên cao nguyên đá mùa Xuân
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Mùa xuân này tôi lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn vì nghe nói đây là con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam; phần cũng vì khi lướt qua các website du lịch, Facebook, Twoo... thấy dân phượt thi nhau up ảnh, comment, like về cao nguyên đá; ngay cả du khách ở trời tây xa tít như ChâuÂu, Mỹ cũng đến “xông đất” cao nguyên đá ngay từ đầu năm nên tôi quyết định đi mục sở
29/01/2013
Thành phố Hà Giang Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
HGĐT- Chiều 25.1, thành phố Hà Giang tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đến dự có đồng chí Bàn Đức Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo thành phố Hà Giang…
28/01/2013