Tản mạn: Đường lên cao nguyên đá mùa Xuân

10:43, 29/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Mùa xuân này tôi lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn vì nghe nói đây là con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam; phần cũng vì khi lướt qua các website du lịch, Facebook, Twoo... thấy dân phượt thi nhau up ảnh, comment, like về cao nguyên đá; ngay cả du khách ở trời tây xa tít như ChâuÂu, Mỹ cũng đến “xông đất” cao nguyên đá ngay từ đầu năm nên tôi quyết định đi mục sở thị một chuyến.


Từ thành phố Hà Giang theo Quốc lộ 4C vượt qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu lên dần độ cao hơn 1000m so với mực nước biển là một khoảnh khắc đầy thú vị, tạo cho người ta cảm giác được khám phá, chinh phục khi vượt qua hết núi này đến núi nọ để lại sau lưng là con đường nhỏ xíu, uốn lượn như một dải lụa.

Đi cao nguyên đá vào mùa xuân là lúc được chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của đất trời, thiên nhiên nơi đây. Từ hốc đá, kẽ đá cỏ cây bắt đầu thực hiện cuộc xâm lấn, những mần non xanh tươi như xuyên qua đá vươn lên khẳng định sự tồn tại của mình trong vương quốc đá; trên nền đá xám ngắt đã bắt đầu xen lẫn sắc hồng, trắng của hoa đào, mận bung nở giữa núi rừng. Quả thật, ở đây có nhiều đá vô cùng, đá cắt chéo từng lớp khi thì đổ xuống, lúc lại vươn lên tạo thành những hình thù kỳ quái, cũng vì thế mà tổ chức UNESCO đã công nhận khu vực này là “Công viên địa chất toàn cầu” độc đáo nhất Đông Nam Á. Đường lên cao nguyên đá năm nay cảnh vật đã đổi khác hơn trước nhiều, giờ đây cao nguyên không chỉ toàn là đá nữa mà xen kẽ giữa vùng núi đá là những ruộng rau xanh tươi, giàn đậu hà lan mơm mởn, con đường dải nhựa phẳng lỳ đi qua thôn, bản; nhà cửa hai bên đường được kiên cố hóa bằng bê tông, nền nhà cao, tường rào vững chắc, không còn là những túp lều mong manh, nhỏ bé trong cái lạnh giá heo hút của vùng cao. Đó là những thành quả của nhân dân các dân tộc Hà Giang đã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tạo nên những thôn, bản đẹp đẽ, vững chắc, là cơ sở để làm ăn ổn định. Con đường mùa xuân như tươi sáng, rực rỡ hơn với những bộ váy áo sặc sỡ phơi trên hàng rào đá của thiếu nữ người Mông. Phía trong hàng rào là những chùm ngô vàng óng treo trên gác nhà trình tường, cùng làn khói ấm bay lên trên mái ngói âm dương. Nghe nói, nhờ Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ mà mấy năm nay cuộc sống của đồng bào các dân tộc phía Đông Bắc Hà Giang sung túc hơn. Điện lưới Quốc gia đã được kéo đến từng thôn, bản; Internet và máy tính đã về đến bưu điện xã; hồ treo cung cấp nước đầy đủ cho các huyện. Văn minh đã đến với đồng bào nơi đây, khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược được rút ngắn phần nào. Lên cao nguyên đá năm nay, tôi chợt thấy trong lòng vui mừng cho bà con nơi vùng cao.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian
HGĐT- Từ việc luôn coi trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong những năm qua huyện Mèo Vạc đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, đem lại một số kết quả khả quan. Trong đó, việc thành lập và duy trì hoạt động của Hội nghệ nhân dân gian được xem là một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả.
29/12/2012
Ngọn đèn và trang giáo án
Nét mực xanh- trang giáo án phập phồngDáng chữ liêu xiêu, đường gập ghềnh đến lớpNgọn đèn xanh – mái tóc thầy sớm bạcMấy mươi năm vẫn dòng kẻ thẳng hàng
29/12/2012
Trao Giải cuộc thi Thơ – Nhạc, chủ đề: “Biển, đảo Việt Nam”
HGĐT- Sáng ngày 26.1.2013, tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Liên hiệp VH - NT tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động VH- NT và Lễ trao thưởng VH- NT năm 2012; Trao Giải thưởng cuộc thi Thơ - Nhạc với chủ đề: “Biển đảo Việt Nam”.
29/01/2013
Hoa Tết Việt Nam trong mắt báo chí quốc tế
Hoa Tết, nét văn hóa độc đáo của người Việt, đã không ít lần xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí quốc tế. Hãy cùng chiêm ngưỡng hoa Tết ở nhiều vùng miền trên đất nước, qua ống kính của báo chí nước ngoài.
28/01/2013