Đêm ba mươi

13:15, 31/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm 1987, khi đó gia đình tôi ở trong khu tập thể Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn (thuộc thị trấn Lũng Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn bây giờ). Trong ký ức non nớt của một con bé lên bảy của tôi còn nhớ như in cứ mỗi năm đông về, buổi tối khi việc nhà đã xong gia đình tôi lại ngồi quây quần bên bếp lửa, dưới ngọn đèn dầu, bốn chị em tôi thường bắt bố kể truyện.



                      Xín Mần - mùa hoa tam giác mạch. Ảnh: THANH THỦY


Bố thường kể cho chị em tôi những câu truyện về phong tục tập quán của dân tộc Mông mình như “Hai anh em”, “Vì sao người Mèo dòng họ Dương lại không ăn tim?”, “Sự tích dây thừng”... Tối thứ 7, chúng tôi thường mở đài nghe câu truyện cảnh giác được phát ra từ cái đài radio hiệu panasonic – Tài sản quý giá nhất của gia đình tôi khi đó. Những lúc ấy, mẹ thường ngồi bên cạnh vá quần áo hoặc đan cho mấy chị em tôi những đôi tất tay để giữ ấm khi đến trường.


Có lẽ trẻ thơ ai cũng ước ao được đón tết. Với bọn trẻ ở cái mảnh đất chỉ có đá và cái lạnh thấu xương khi đông về, cái khát cháy họng khi mùa khô đến như quê tôi, niềm ước ao tết về có lẽ còn nhiều gấp vạn lần trẻ con ở những nơi khác. Tết về, lũ trẻ chúng tôi không chỉ được mặc quần áo mới, được nhận tiền lì xì, được hòa vào dòng người trong những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất đi chơi... mà hơn thế nữa chúng tôi còn được bố mẹ cho ăn ngon với: bánh trưng, bánh chôi và những viên kẹo gọt lịm đến tận cổ họng. Những hương vị ngọt ngào đó lũ trẻ chúng tôi chỉ có được khi những cơn mưa phùn bay lây phây trên những cành đào hé nụ, khi những đám mây mù với cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng núi chuẩn bị tan ra để nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp. Có lẽ vì vậy mà khoảng cách một năm trong ký ức trẻ thơ của chúng tôi khi đó đều rất dài.


Bố tôi là người dân tộc Mông, vì vậy tuy bố mẹ đều là cán bộ trong ngành Y nhưng trong nếp sống cũng như phong tục tập quán sinh hoạt gia đình đều theo phong tục của người Mông. Năm nào cũng vậy, chiều 29 tết, bố tôi đi chặt lấy 3 cành trúc mang về, ông dùng một miếng vải đỏ làm dây buộc ba cành trúc vào với nhau thành một cái chổi để quét dọn nhà cửa. Sau khi quét xong ông mang bỏ cái chổi ra cuối ngõ, bố bảo làm thế để quét đi hết những điều xui xẻo không may của một năm cũ đi. Sau khi dọn dẹp xong, bố tôi lấy xấp giấy bản ra rồi ông dùng một cái đục đục từng lỗ, từng lỗ hình chiếc đồng xu lên. Bố dùng hồ quét lên đầu từng tờ giấy và dán lên một số đồ dùng - vị trí quan trọng trong gia đình như: cái bếp lò dùng để đun cám lợn, cái quẩy tấu chị cả tôi hay gùi khoai, rau ra chợ bán trong mỗi phiên chợ, cái chạn bát bằng gỗ bên cạnh treo mấy con dao bố tôi hay dùng đi chặt củi trong những ngày nghỉ... Bố nói với chúng tôi: Mình ăn tết thì cũng để cho chúng nó ăn tết, cảm ơn chúng nó đã vất vả vì mình trong một năm qua các con ạ...!

Cũng như mọi năm, năm nay bố tôi chọn con gà trống to đẹp nhất rồi ông lấy ba
túm lông tơ của nó ra, ông dùng tiết con gà đó dán 3 túm lông lên 3 tờ giấy bản ở trên bàn thờ... Nhưng khi thủ tục cúng tất niên trong gia đình tôi chưa xong thì có người ở cơ quan bố mẹ đến nhà báo với bố tôi rằng có bệnh nhân vào viện... Bố tôi vội vàng rửa tay, khoác thêm chiếc áo lên người rồi đi theo anh cán bộ trẻ. Ông đi được một lúc thì lại có người đến gọi mẹ tôi đi, họ nói bệnh nhân bị ngôi ngang sa tay (khi sản phụ sinh tay trẻ thò ra trước) phải mổ gấp, lãnh đạo yêu cầu mẹ tôi phải đến ngay (Lãnh đạo khi đó chính là bố tôi).Lúc đó là gần 6h chiều.


Bốn chị em tôi ở nhà. 7h, 8h, 9h bố mẹ vẫn chưa về. Ngôi nhà chúng tôi bỗng nhiên lạnh tanh và im ắng, chị em tôi đói. Thằng út đòi chị cả cho ăn cơm, nhưng chị bảo: Cơm chưa cúng không được phép ăn, ăn ông bà tổ tiên sẽ mắng. Bốn tuổi, có lẽ nó chưa hiểu được khái niệm “ông, bà tổ tiên” là ai nhưng khi nghe thấy nói bị mắng thì nó sợ không giám đòi nữa. Có lẽ, vì đói quá mà nó lăn ra ngủ.

9h30 bố tôi về, ông vội vàng cất bỏ chiếc áo khoác trên người ra rồi làm tiếp thủ tục cúng cơm. Bố bảo: Mẹ về muộn một chút vì còn giúp chị hộ lý dọn dẹp…Mẹ tôi về, chiếc áo ướt vì mưa. Trông mẹ có vẻ rất lạnh, nhưng trong ánh mắt mẹ tôi khi đó lại đang rực sáng lên một niềm vui, niềm hạnh phúc mà tôi không hiểu nổi. Mẹ hơ vội đôi bàn tay bên bếp lửa rồi đi vội đến bên thằng út, lay nó dậy. Vừa nhìn thằng út mẹ vừa nói với chị em tôi: Bốn chị em đói lắm rồi phải không? Bố mẹ xin lỗi. Nói rồi mẹ vội vàng đến bên bếp chuẩn bị thức ăn, khi đó bố tôi cũng vừa xong việc. Mẹ nói với Bố: May quá mình nhỉ, chậm một tí thôi là thằng bé bị chết ngạt. Người Mông quê mình không có chữ đến là khổ, nhà còn một hộp sữa lát em mang cho mẹ con nó nhé? Thằng bé chắc đêm nay mẹ nó vẫn chưa có sữa cho bú. Hỏi để hỏi vậy thôi, mẹbiết bao giờ bố tôi cũng ủng hộ những việc làm đó của bà.

 
Mâm cơm được dọn lên. Mẹ gắp cho bốn chị em tôi những miếng thịt ngon nhất, mọi người ăn ngon lành, riêng chỉ có tôi. Tôi ngồi lỳ bên cái bếp lửa, mắt trưng trưng nhìn vào những hòn than đỏ rực. Tôi không còn cảm giác đói nữa mà thay vào đó là cảm giác tủi thân xen lẫn sự tức giận. Tôi giận, bố mẹ tôi tại sao lại bỏ đi lâu thế? Tôi giận, tại sao lại đi vào cái lúc nhà nhà ai ai cũng xum vầy vui vẻ bên nhau? Tôi giận, vì chị em tôi đang ngóng đợi một bữa cơm no đủ trong cả một năm, lẽ nào bố mẹ tôi không biết? Tôi giận, vì mẹ sẽ mang hộp sữa đi cho người ta? Và bỗng nhiên không biết từ đâu trong tôi vụt xuất hiện sự nghi ngờ về tình yêu bố mẹ dành cho chị em tôi... Thằng út lún tũn cầm dúi vào tay tôi cái đùi gà phần của nó, trong cơn bực tức tôi đã hất tay nó ra làm cái đùi văng xuống đất. Nó khóc...


Có lẽ khi con người ta trưởng thành, người ta sẽ có những suy nghĩ chín chắn hơn và khi đó con người ta sẽ biết cảm thông và chia sẻ... Hơn hai mươi năm đã qua đi, không hiểu sao năm nào cũng vậy, khi gió xuân thổi về trên những cành lộc non, trong cái không khí ấm cúng, lắng đọng thoang thoảng mùi hương của đêm 30 tết, tâm hồn tôi lại trở về với quá khứ, trở về cái đêm 30 tết năm 1987. Nhưng, không phải với một cảm xúc tức giận hay tủi thân nữa mà thay vào đó là sự hối hận, tôi thấy mình thật íchkỷ và đáng ghét. Và nếu như ai cũng giống như tôi của cái thủa lên bảy, liệu mùa xuân có về được trên thế gian này?


Ký: VỪ THỊ MAI HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuân làng báo
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Năm Nhâm Thìn 2012 dần khép lại. Xuân Quý Tỵ 2013 đang đến. Cái rét cuối đông như tiếp tục nhấn thêm thử thách đối với cuộc sống của một năm nhiều gian khó. Từ biên giới xa xôi đến thành thị, phố phường cuộc sống hối hả, sôi động vượt lên tất cả khó khăn, giành thêm những thành quả mới về KT-XH, dân sinh. Theo dòng chảy cuộc sống, những người làm báo vùng
31/01/2013
Hà Giang vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Hà Giang không chỉ là vùng đất địa đầu của Tổ quốc mà còn là nơi “đất lành chim đậu”. Với diện tích 7884,37 km2, có hình dáng giống như con hổ nằm phủ phục hướng ra phía biển Đông, Hà Giang là nơi sinh sống của trên 22 dân tộc. Từ bao đời nay, các dân tộc hội tụ nơi đây sớm hình thành một cộng đồng đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, một lòng xây dựng quê
31/01/2013
Hứa hẹn một mùa Xuân mới với nhiều kết quả mới
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Song song với nhiệm vụ nâng cao đời sống kinh tế người dân thì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của toàn xã hội cũng đặt biệt quan trọng. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn
31/01/2013
Lễ cấp sắc của người Dao
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Lễ cấp sắc của người Dao là một trong 33 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo qui định của Luật Di sản văn hóa vừa được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định. Điều này đã phần nào cho ta thấy giá trị của nghi lễ này trong đời sống của đồng bào Dao.
30/01/2013