Hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”

10:16, 23/04/2011

HGĐT- Ngày 21.4, tại Hà Nội, tỉnh Hà Giang phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”.


 

 Ký kết hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Giang và Đại học Quốc gia Hà Nội.


Đến dự có đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao; Công thương; Tài nguyên- Môi trường; Kế hoạch- Đầu tư; Ủy ban Dân tộc; Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam. Thành phần tham dự Hội thảo, phía tỉnh ta có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 11 huyện, thành phố. Phía Đại học Quốc gia Hà Nội có GS, TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có ông Võ Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc. Đến dự còn có lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát; Tập đoàn Bitexco và một số Doanh nghiệp trong nước...


Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển” xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn của Hà Giang nhằm cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Sáng kiến này nhận được sự quan tâm, ủng hộ, cùng phối hợp thực hiện từ phía Đại học Quốc gia Hà Nội và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ... Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành quả tích cực trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn, kém phát triển. Đi cùng với đó vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Do đó, Hà Giang xác định mục tiêu cho mình trong những năm tới đó là “Xây dựng tỉnh sớm thoát khỏi tình trạng một tỉnh đặc biết khó khăn, kém phát triển” với giải pháp thực hiện 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm. Trong đó tỉnh đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư, mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các địa phương, các tổ chức, Viện nghiên cứu, nhà khoa học trong quá trình phát triển. Tại Hội thảo này, các đại biểu sẽ được nghe thực trạng tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nghe báo cáo đề dẫn về định hướng chiến lược phát triển của một số ngành, lĩnh vực đến năm 2020. Đó là những thông tin quan trọng, cơ sở cho các đại biểu nghiên cứu, trao đổi và quyết định đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ vì Hà Giang phát triển. Đồng thời, tại Hội thảo sẽ diễn ra Lễ ký kết hợp tác, trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp. Đó là hoạt động có ý nghĩa, mở màn cho những ký kết, hợp tác, đầu tư vì Hà Giang phát triển. Mong muốn các vị đại biểu, với tình cảm và trách nhiệm của mình, đưa ra những ý kiến quý báu, những quyết định đúng đắn giúp Hà Giang tìm được hướng đi phù hợp nhất, ngắn nhất để sớm thoát khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển...


Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.


Hội thảo cũng đã được nghe lời phát biểu chào mừng của các đồng chí: Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Võ Minh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo Bộ KH- ĐT; ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát. Lời phát biểu chào mừng đều đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của tỉnh Hà Giang và đánh giá đây là hành động thiết thực nhằm khai thác tri thức của các nhà khoa học cho sự phát triển của Hà Giang. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các Tập đoàn, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu và đầu tư. Với sáng kiến đó, tin tưởng Hà Giang sẽ tìm được hướng đi, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát triển toàn diện để sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn.


Sau khi nghe báo cáo tổng quan, báo cáo đề dẫn giải pháp đột phá một số ngành, lĩnh vực, các đại biểu dự Hội thảo đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về một số giải pháp giúp Hà Giang phát triển. 16 ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo T.Ư, các bộ, ngành và các nhà khoa học đã nêu bật những tiềm năng, lợi thế trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, văn hoá, từ đó kiến nghị những giải pháp phát triển toàn diện. Trong đó, đa số các ý kiến đều đồng tình và thống nhất chung một số điểm đó là: Khẳng định vị thế đặc biệt và trọng yếu của Hà Giang trong sự phát triển của đất nước; nêu bật lên những khó khăn, tồn tại được nhìn dưới góc độ khoa học, những khó khăn đó chỉ được giải quyết với sự giúp đỡ mạnh mẽ của Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp; các ý kiến cũng chỉ ra tiềm năng phát triển của Hà Giang và khẳng định tỉnh sẽ phát triển nêu phát huy, khai thác tốt tiềm năng về tài nguyên khoáng sản; du lịch; hàng nông, thổ sản có tính đặc thù; các tham luận cũng nêu bật lên những thác thức, những bài toán khó mà Hà Giang đang phải đối mặt, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục trên cơ sở quan điểm, luận cứ khoa học, trong đó có vấn đề về đất sản xuất và nước sinh hoạt, nước sản xuất cho người dân; các ý kiến cũng đánh giá tầm quan trọng trong việc phát triển, nâng cao nguồn nhân lực, đó là yếu tố quan trọng giúp tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, trong đó có việc hợp tác với các nhà khoa học trong phát triển toàn diện...


Trong phần Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”, là thời gian dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước phát biểu, trao đổi, đề đạt nguyện vọng của mình đối với Hà Giang. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đại diện nhiều doanh nghiệp phát biểu ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của đơn vị mình khi đặt chân đầu tư vào Hà Giang, trong đó tập trung vào mấy lĩnh vực là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển du lịch, đầu tư khai khoáng... Những băn khoăn của các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng trả lời thấu đáo trên cơ sở chính sách nhất quán của tỉnh đó là “Doanh nghiệp phát tài - Hà Giang phát triển”.


 
 Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty An Thông thuộc Tập đoàn Hòa Phát.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác và trao giấy chứng nhận đầu tư: Ký kết hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Giang và Đại học Quốc gia Hà Nội; ký kết hợp tác tài trợ của Tập đoàn Hoà Phát với huyện Hoàng Su Phì; ký kết hợp tác tài trợ của Tập đoàn Bitexco với huyện Mèo Vạc. Đồng chí Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh cho Nhà máy vê viên tinh quặng sắt của Công ty An Thông; Nhà máy luyện Fromangan của Công ty Tây Giang; Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Miện 5A.


Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hội thảo khoa học- Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo T.Ư, các bộ ngành và các nhà khoa học. Với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao, những ý kiến đóng góp cho Hà Giang đều rất sâu sắc và có tính khả thi cao. Đó là những định hướng quý báu cho Hà Giang áp dụng để thực hiện công cuộc phát triển toàn diện trong những năm tiếp theo. Diễn đàn này cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Hà Giang nắm được nhiều thông tin hơn về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cũng như cơ chế, chính sách của tỉnh trong thu hút đầu tư, qua đó quyết định đầu tư vào Hà Giang. Hà Giang cũng cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, có hiệu quả hơn, sẵn sàng và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, các nhà khoa học trên con đường phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cảm ơn sự quan tâm, phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, hy vọng và tin tưởng rằng mối hợp tác ngày một phát triển cho Hà Giang sớm thoát khỏi là tỉnh nghèo, kém phát triển.

                                                                        Tin, ảnh: KHÁNH TOÀN


Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

 

...Tôi đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của lãnh đạo Hà Giang, của Đại học Quốc gia Hà Nội và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đánh dấu sự xích lại gần nhau của các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách với các cơ quan khoa học và giới doanh nghiệp để cùng bàn bạc, vạch ra những chính sách, giải pháp và phương án thực tiễn có tính đột phá và khả thi cao phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH, phát triển toàn diện và bền vững của Hà Giang, vì nhân dân các dân tộc ở Hà Giang.


Trong bối cảnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa được tổ chức thành công tốt đẹp tháng 1.2011 và Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Giang lần thứ 15 cũng đã được tổ chức cuối năm 2010, tôi đề nghị Hà Giang bắt tay ngay vào quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng như Nghị quyết tỉnh Đảng bộ. Tại Hội thảo và Diễn đàn này, tôi nhấn mạnh một số nội dung sau:


- Thứ nhất, cần tập trung nghiên cứu và đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, phát huy cao độ vai trò của kinh tế biên mậu. Hà Giang là tỉnh có đường biên giới Việt Trung dài nhất (277 km), với nhiều cửa khẩu có tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu tốt. Trên thế giới đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế cửa khẩu rất hiệu quả. Trung Quốc cũng đang tập trung đầu tư xây dựng các khu kinh tế biên mậu khá hiệu quả. Chúng ta cần nghiên cứu để rút ra những kinh nghiệm phù hợp và vận dụng vào thực tiễn ở Hà Giang. Đương nhiên, phát triển kinh tế cửa khẩu phải gắn chặt với bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và cũng chính là một giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.


- Thứ hai, cần tập trung nghiên cứu, tập trung đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, lâm thổ sản địa phương. Hà Giang là một trong những tỉnh rất giàu có về tài nguyên, khoáng sản, trong đó có nhiều khoáng sản quý, có giá trị kinh tế cao như sắt, chì – kẽm, mangan, antimon v.v... Bên canh đó, Hà Giang cũng rất giàu có về tài nguyên trên mặt đất với nhiều loại lâm, thổ sản, dược liệu quý hiếm. Điều tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh ở đây là phải phát triển các khu liên hợp công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm chế biến sâu và tinh có giá trị kinh tế cao chứ không phải là khai thác nhằm xuất khẩu nguyên liệu, khoáng sản thô như trước đây. Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo nên sự phát triển bền vững, mang lại công ăn việc làm và thu nhập, góp phần nhanh chóng cải thiện tình hình dân sinh của đồng bào địa phương. Đương nhiên, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến phải đi đôi với bảo vệ môi trường, cảnh quan và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ.


- Thứ ba, cần tập trung nghiên cứu và đầu tư để phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ. Hà Giang là một tỉnh rất giàu có về tiềm năng du lịch và dịch vụ. Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn với những cái đặc hữu chỉ có trên bề mặt đá vôi, Hà Giang còn sở hữu nhiều danh thắng và đặc biệt là sở hữu một kho tàng văn hóa đồ sộ và vô cùng phong phú của 22 dân tộc anh em. Trong thời gian sớm nhất, du lịch và dịch vụ phải trở thành một đòn bẩy kinh tế, một hướng đi đột phá trên lộ trình phát triển của Hà Giang.


- Thứ tư, cần tập trung nghiên cứu và đầu tư để nhanh chóng cải thiện đáng kể mức sống và những điều kiện dân sinh của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Đây vừa là việc làm cấp bách nhất, vừa là việc có ý nghĩa cơ bản và lâu dài nhất. Mục tiêu phát triển cao nhất của chúng ta không gì khác hơn chính là nâng cao chất lượng và điều kiện sống của nhân dân. Trước mắt, cần ưu tiên cho các chương trình, dự án đầu tư nhằm cải thiện đời sống của nhân dân các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là ở 4 huyện thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, cụ thể nhất là vấn đề đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho nhân dân.


Có thể cần nghiên cứu nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp xây dựng các bể treo chứa nước phục vụ dân sinh và du lịch. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững bằng những dự án đầu tư tạo sinh kế phù hợp cho người dân ở từng khu vực cụ thể. Đi đôi với đó là phải chăm lo đến giáo dục và phát triển nguồn nhân lực toàn diện, bao gồm cả việc chăm lo đến sự nghiệp y tế và an ninh lương thực, đào tạo nghề và phòng chống các loại tệ nạn xã hội và tội phạm.


Kính thưa các quý vị!

Để thực hiện hóa được chiến lược phát triển bền vững với những hướng đi đột phá như trên, Hà Giang cần có những điều kiện thiết yếu.


Trước hết và quan trọng nhất là tâm huyết, sự chủ động, năng động và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Không ai có thể giải bài toàn phát triển của Hà Giang tốt hơn chính những chủ nhân của Hà Giang. Riêng đối với các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà, trong thời gian qua các đồng chí đã chủ động, năng động và sáng tạo thì trong thời gian tới các đồng chí càng cần phải tâm huyết hơn nữa, chủ động, sáng tạo hơn nữa. Các đồng chí phải thực sự trở thành hạt nhân đoàn kết của gần 74 vạn đồng bào trong tỉnh, chủ động đề xuất với T.Ư những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.


Về phía T.Ư, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc đối với Hà Giang luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và ưu tiên tập trung đầu tư các nguồn lực cho Hà Giang.


Kính thưa các quý vị!

Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua đã nhấn mạnh chủ trương phát triển nền kinh tế tri thức ở nước ta, tức là chủ trương đẩy nhanh sự phát triển bền vững của đất nước dựa trên cơ sở phát huy cao độ nguồn lực trí tuệ và nguồn lực con người. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc có hiệu quả cao của tất cả các cơ quan khoa học, các trường đại học và các viện nghiên cứu và của đội ngũ tri thức nói chung. Đại học Quốc gia Hà Nội là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất của cả nước phải có trách nhiệm đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương nói trên của Đảng và Nhà nước. Tôi đề nghị lãnh đạo và các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp thật tốt với lãnh đạo, nhân dân Hà Giang và các nhà đầu tư tổ chức các nghiên cứu, điều tra, cung cấp luận cứ khoa học và xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển bền vững tối ưu cho địa phương.


Thực tiễn phát triển của đất nước trong 25 năm đổi mới vừa qua đã ghi nhận vai trò và những đóng góp to lớn, thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp. Riêng đối với Hà Giang, trong những bước chuyển mình tích cực vừa qua của tỉnh có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp.


Sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo và Diễn đàn này chứng tỏ rằng các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài mong muốn được tiếp tục góp phần hơn nữa vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Tôi hoan nghênh tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển của đất nước nói chung và của Hà Giang nói riêng. Để đánh thức tiềm năng, khai thác lợi thế đem lại sự phát triển và phúc lợi to lớn cho đồng bào các dân tộc nơi biên thùy của đất nước.


Chúc các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

MỘT SỐ THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO KHOA HỌC VÀ DIỄN ĐÀN ĐẦU TƯ “VÌ HÀ GIANG PHÁT TRIỂN”


* Nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện
môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư

Tại Hội thảo khoa học- Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”, sau khi phân tích những tiềm năng, lợi thế cũng như những bất cập trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: Bài toán cho sự phát triển của tỉnh Hà Giang đó là vừa phải huy động vốn để phát triển kinh tế, vừa để giải quyết các vấn đề xã hội. Hai khía cạnh này không thể tách rời nhau. Để thu hút được nguồn vốn đầu tư cho phát triển, Hà Giang cần cải thiện thực sự chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại địa phương, đồng thời tập trung nỗ lực vào cải cách thủ tục hành chính ở chính quyền các cấp. Đây là giải pháp quan trọng nhất và coi là xương sống trong việc thu hút các dự án, nguồn vốn trong, ngoài tỉnh. Nếu không thực hiện được giải pháp trên thì mọi nỗ lực khác sẽ có rất ít hiệu quả, thậm chí là không có hiệu quả trong việc thu hút đầu tư. Cùng với đó, tỉnh cũng cần thiết lập một bộ tiêu chí cho đối tác dự định kêu gọi đầu tư, đưa ra một số lộ trình cụ thể cho việc thu hút và sử dụng vốn, những ưu đãi về thuế, cơ chế, chính sách. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tại Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thuỷ. Kết nối Khu kinh tế Thanh Thuỷ với các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đầu tư hạ tầng để kết nối với các tỉnh thành, trung tâm kinh tế tại đồng bằng sông Hồng. Xác định Khu kinh tế Thanh Thủy như là điểm nhấn quan trong trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng Hà Giang cần phát triển du lịch bài bản hơn, từ khâu quảng bá hình ảnh cho đến việc tổ chức. Việc phát triển du lịch không chỉ thu hút lượng vốn tập trung của T.Ư, của các doanh nghiệp mà còn từ du khách vào tỉnh. Với tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần có quy hoạch ngành nông nghiệp chi tiết, bài bản và đưa ra được những ưu đãi cụ thể, rõ ràng nhằm giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu chính sách đầu tư tại lĩnh vực này.

                                                                                   KHÁNH TOÀN

 

* Ưu tiên xây dựng dự án đầu tư “phát triển sản xuất bò thịt thương phẩm bằng giống bò vùng cao”

(TS: ĐẶNG PHÚ, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp)

Đàn bò 4 huyện vùng cao phía Bắc chiếm tỷ trọng trên 74% tổng đàn bò toàn tỉnh. Ưu thế của giống bò bản địa của đồng bào dân tộc Mông đó là thích nghi với điều kiện sinh thái khô lạnh của vùng cao và hợp với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng theo tập quán của cư dân địa phương. Do đó phát triển đàn bò vùng cao là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Để có cơ sở cho việc đầu tư, phát triển chăn nuôi bò thịt theo quy mô sản xuất hàng hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thịt bò vùng cao, Hà Giang cần ưu tiên xây dựng Dự án đầu tư: “Phát triển sản xuất bò thịt thương phẩm bằng giống bò bản địa Hà Giang”. Trong Dự án quan tâm đến các Hợp phần đó là: Chọn giống bò bản địa đủ tiêu chuẩn để phục tráng, cải thiện chất lượng đàn bò, đáp ứng yêu cầu sản xuất giống cung cấp cho chăn nuôi; tiếp tục phát triển trông cỏ, trong đó quan tâm đến khâu chế biến, bảo quan thức ăn chăn nuôi; tổ chức xúc tiến thương mại, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ thương hiệu thịt bò vùng cao, gắn sản xuất với lưu thông- tiêu thụ sản phẩm; nguồn vốn thực hiện Dự án huy động đồng bộ trên cơ sở có sự hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước và có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và nhân dân...

                                                                     TUYÊN BÌNH (Lược ghi)

 

* Phát triển du lịch bền vững cần được xem là  ưu tiên số 1 cho Cao nguyên Đá Đồng Văn

(PGS, TS: ĐẶNG VĂN BÀO, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội)

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng có cảnh quan đặc sắc của đất nước với rất nhiều di sản thực sự độc đáo, có ý nghĩa vượt ra ngoài biên giới khiến lượng khách đến thăm ngày một nhiều. Đây cũng là vùng đất khó khăn để phát triển kinh tế vì thiếu nước và đất sản xuất. Do đó việc phát triển du lịch bền vững cần được xem là hướng ưu tiên số 1 cho sự phát triển của Cao nguyên đá Đồng Văn. Với đặc thù của vùng đất này, cần các loại hình du lịch đó là: du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch khoa học; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá- lịch sử. Để phát triển được tỉnh cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp và phát triển các di sản thiên nhiên văn hoá; có cơ chế chính sách thích hợp để ổn định và nâng cao đời sống người dân để họ yên tâm và góp phần bảo vệ những di sản mà thiên nhiên ưu ái dành cho mảnh đất này. Cùng với đó cần xây dựng một số dự án phát triển du lịch: Dự án quy hoạch phát triển du lịch; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; dự án điều tra, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch; dự án đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các điểm di sản; dự án phát triển hệ thống Làng Văn hoá các dân tộc, làng nghề; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; dự an tuyên truyền, quảng bá...

                                                                   TOÀN TRANG (Lược ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang làm tốt công tác chuẩn bị bầu cử
HGĐT- Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 – 2016, Ủy ban bầu cử huyện Bắc Quang đã khẩn trương bắt tay vào triển khai công tác bầu cử tại địa phương mình.
22/04/2011
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thăm và làm việc với ngành Y tế Hà Giang
HGĐT- Ngày 21.4, Thứ trưởng Cao Minh Quang, làm Trưởng đoàn, đã lên thăm và làm việc với Sở Y tế Hà Giang. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo một số Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Y tế. Đón tiếp và làm việc với Đoàn có Ban giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh và các phòng ban trực thuộc Sở Y tế.
22/04/2011
Từ Hội thảo “Vì Hà Giang phát triển”: Sẽ kế thừa và cụ thể hóa hiệu quả các ý kiến đóng góp cho sự phát triển bền vững
HGĐT- Tại Hội thảo “Vì Hà Giang phát triển” được tổ chức ngày 21.4 tại Hà Nội, Hà Giang đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các vị lãnh đạo Trung ương, các nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước. Đó thực sự là những đóng góp tâm huyết, mong muốn cho Hà Giang - một tỉnh miền núi, biên giới, còn rất nhiều khó khăn - vươn lên, phát triển một cách bền vững.
22/04/2011
Huyện Mèo Vạc, Yên Minh: Tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH khóa 13 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016
HGĐT- Sáng ngày 21.4, huyện Mèo Vạc đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử Quốc hội khoá 13 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cho 300 đại biểu là tổ trưởng, thư ký của 130 tổ bầu cử, các thành viên tổ giúp việc của huyện.
22/04/2011