Yên Minh, đào tạo nghề gắn chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm

06:47, 17/09/2016

BHG- Trong những năm gần đây, tỉnh ta có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động địa phương như Quyết định 352, Nghị quyết 47 và 209... Để những chính sách này khi đến với người dân đạt được hiệu quả cao nhất và nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm ổn định, huyện Yên Minh đã và đang thực hiện đào tạo nghề gắn với những chính sách hỗ trợ đang triển khai.

Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Phan Thị Minh cho biết: Những chính sách tỉnh và huyện chúng tôi đã, đang triển khai hầu hết tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ lãi suất vay vốn mua giống trâu, bò, ong phát triển chăn nuôi hàng hóa (Nghị quyết 209 HĐND tỉnh). Hay hỗ trợ 100% giống gia súc, gia cầm để các hộ nghèo, cận nghèo (Quyết định 352 của UBND tỉnh và một số chính sách của huyện Yên Minh) phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo... Chính vì vậy, hàng năm khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi định hướng các xã, thị trấn vận động nhân dân đăng ký các nghề phù hợp với điều kiện và nhu cầu phát triển kinh tế của các gia đình, nhất là những gia đình được hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Bởi khi các hộ được đào tạo, hiểu về những kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng một cách khoa học thì sẽ phát triển có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.

Hiện nay, theo báo cáo của huyện Yên Minh, toàn huyện có khoảng 50.000 người trong độ tuổi lao động. Số lao động cần giải quyết việc làm (giai đoạn 2016 – 2020) khoảng trên 10.000 người, trung bình mỗi năm trên 2.000 người. Và để những lao động này có việc làm và thu nhập ổn định. Đây thực sự là con số không nhỏ đối với Yên Minh.

Thực hiện mục tiêu trên, trong 6 tháng đầu năm 2016, huyện Yên Minh đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề cho 350 lượt người. Trong đó, có tới 315 người đăng ký và được đào tạo các nghề như thú y, nuôi trâu, bò, lợn, ong... Những người này cũng hầu hết nằm trong danh sách đăng ký vay vốn phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2016, sẽ có khoảng 500 người được đào tạo nghề gắn với những chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ngoài những lớp đào tạo về nghề nông nghiệp, thời gian qua, huyện Yên Minh cũng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như sửa chữa điện tử, sửa chữa ô tô, xe máy... Đồng thời tích cực liên hệ với những công ty tuyển dụng lao động làm việc trong những nhà máy và tổ chức một số buổi tư vấn xúc tiến việc làm cho lao động địa phương. Đây là cơ hội để người lao động địa phương tìm kiếm những việc làm thích hợp sau đào tạo, cũng như những công ty tuyển dụng thêm các công nhân có tay nghề cho nhà máy của mình. Chị Lương Thị Thu Hương, Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Minh chia sẻ: “Với những hội nghị tư vấn xúc tiến việc làm gần đây huyện tổ chức, sẽ giúp cho các nam, nữ trong độ tuổi đoàn thanh niên đã qua đào tạo nghề có thể định hướng và tìm được các công việc phù hợp. Giúp giảm tình trạng đi sang biên giới làm thuê”. Được biết, trong một hội nghị tư vấn việc làm vào tháng 7 vừa qua, đã có trên 100 lao động đăng ký đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động và học nghề có cam kết tạo việc làm tại các công ty trong nước.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh đã có những quan tâm nhất định và định hướng, mục tiêu rõ ràng trong công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định ở huyện vùng cao này chưa cao. Số lao động được giới thiệu đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động chưa nhiều, cả giai đoạn 2010 – 2015 toàn huyện chỉ có gần 670 người (trong đó, xuất khẩu lao động có thời hạn 103 người). Trong khi, hàng năm có hàng nghìn lượt người sang Trung Quốc bất hợp pháp làm thuê tự do. Điều này được cho là do trình độ nhận thức của người dân còn thấp, bởi phần lớn lao động địa phương là người dân tộc thiểu số. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Chính vì vậy, huyện Yên Minh đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn ký cam kết hoàn thành chỉ tiêu đưa lao động địa phương đi làm việc ngoài tỉnh và đảm bảo tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền. Đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tuyên truyền đến các hội viên về định hướng nghề nghiệp gắn với những nhu cầu phát triển kinh tế của gia đình và những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện đang triển khai. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghề sau đào tạo.

Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trạm Y tế xã Phố Cáo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

BHG- Xã Phố Cáo là một xã biên giới của huyện Đồng Văn, có 18 thôn bản; sự phân bố dân cư không đồng đều, đường liên thôn bản đi lại rất khó khăn, cũng như trình độ trí, nhận thức của người dân về công tác khám chữa bệnh (KCB) chưa cao... đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác KCB phục vụ nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác KCB của trạm luôn được đánh giá cao, các y, bác sĩ không ngừng nâng cao y đức và chuyên môn phục vụ hiệu quả cho người dân trong xã.

17/09/2016
Vai trò xung kích của tuổi trẻ xã biên giới Pà Vầy Sủ

BHG - Những năm qua, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện; tuổi trẻ xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các Hội, đoàn thể trển địa bàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi đem lại hiệu quả nhất định; góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh, phát triển KT-XH và giữ vững AN – QP vùng biên cương. 

15/09/2016
Tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo: nếu sai phải công khai xin lỗi dân!

BHG - Thành phố (TP) Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và cũng là nơi tập trung nhiều chương trình, dự án của tỉnh, TP phục vụ cho sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương. 

15/09/2016
Công tác việc làm và xuất khẩu lao độngtrên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc

BHG- Tạo việc làm cho lao động dư thừa bằng cách đưa người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trong nước và xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều khởi sắc. Người lao động tại các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa đã tự giác đăng ký đi lao động, tạo công việc cho bản thân và cũng đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. 

14/09/2016