Cần có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lô

09:31, 18/06/2016

BHG - Từ cuối năm 2015 đến nay, Báo Hà Giang đã nhiều lần phản ánh tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi trên hệ thống sông, suối chạy qua địa bàn tỉnh và những bất cập trong quản lý tài nguyên của chính quyền cơ sở. Qua theo dõi, có nơi chính quyền cơ sở đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, có biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn, nhưng vẫn còn một số nơi “cát tặc” đang lộng hành!

Mấy ngày gần đây, mực nước xuống thấp, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô đoạn chạy qua huyện Vị Xuyên lại diễn biến phức tạp. Riêng địa bàn xã Đạo Đức, có 9 điểm khai thác trái phép, trong đó có nhiều điểm mới nổi với hàng chục thuyền công suất lớn, quần thảo, cày sới suốt ngày đêm trên sông Lô. Chủ tịch UBND xã Đạo Đức, Lê Đình Trung thừa nhận, xã có nắm được nhưng hoàn toàn bất lực trước nạn “cát tặc”, chính quyền có kiểm tra, có xử phạt, còn những cơ sở vi phạm nộp phạt xong, vẫn ngang nhiên khai thác như chưa có chuyện gì xảy ra. Tình trạng khó quản này còn xảy ra tại nhiều địa phương thuộc huyện Vị Xuyên như xã Thanh Thủy, thị trấn Vị Xuyên, Việt Lâm...

Bãi cát do gia đình bà Trần Thị Trường tổ 13 thị trấn Vị Xuyên nắm giữ dù không phép nhưng vẫn tồn tại cả chục năm.
Bãi cát do gia đình bà Trần Thị Trường tổ 13 thị trấn Vị Xuyên nắm giữ dù không phép nhưng vẫn tồn tại cả chục năm.

“Cát tặc lộng hành, khó dẹp, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cơ sở. Tỉnh đã công khai quy hoạch, thông báo cụ thể đến từng địa bàn, nhưng nhiều nơi quản lý không nghiêm” - ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN-MT đã thẳng thắn nêu quan điểm về vấn nạn “cát tặc”.

Theo quy hoạch các điểm khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 16 điểm nằm trong quy hoạch, tập trung nhiều nhất khu vực xã Thanh Thủy, Đạo Đức, Ngọc Linh và thị trấn Vị Xuyên. Trong những điểm quy hoạch, chỉ số ít đã được cấp phép thăm dò, thế nhưng, do nhu cầu cát, sỏi phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, thủy điện lớn, cũng xuất phát từ nguồn lợi không hề nhỏ thu được từ việc tận dụng cát, sỏi trên sông, nhiều tổ chức, cá nhân nhảy vào xí phần, độc chiếm, băm nhỏ lòng sông. Các điểm khai thác hầu hết nằm ven Quốc lộ 2, hoạt động công khai, ngày đêm dùng thuyền di chuyển trên sông, hút cát bơm lên bãi tập kết, ngày nước sông Lô xuống thấp, họ còn huy động máy xúc công suất lớn, ô tô tải xuống tận lòng sông múc cát. Chính quyền cơ sở có kiểm tra, lập biên bản xử phạt, nhưng hiệu lực, hiệu quả không cao, không đủ sức răn đe... dẫn đến nhờn luật.

Công ty TNHH Hùng Hiển tổ 13 thị trấn Vị Xuyên khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên đóng thuyền công suất lớn hút tài nguyên dưới lòng sông.
Công ty TNHH Hùng Hiển tổ 13 thị trấn Vị Xuyên khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên đóng thuyền công suất lớn hút tài nguyên dưới lòng sông.

Qua kiểm tra thực tế, ngành chức năng của tỉnh cho biết, trên địa bàn Vị Xuyên có hàng chục điểm khai thác cát, sỏi trái phép. Các điểm này cạnh tranh gay gắt về giá cả, địa bàn, khiến tình hình nhiều lúc trở lên phức tạp. Trong số các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, vừa qua Công ty Cổ phần khoáng sản Ngọc Linh đã hoàn thiện đánh giá trữ lượng, được cấp phép khai thác cát, sỏi tại thôn Ngọc Hà, xã Ngọc Linh với diện tích 5,8ha, thời gian khai thác 21 năm, công suất khai thác 10 nghìn m3/năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Ngọc Linh, doanh nghiệp đã phải mất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước như nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đầu tư... với chi phí hàng trăm triệu đồng. Tới đây, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trên 3,3 tỷ đồng thực hiện các bước xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị, máy móc đảm bảo yêu cầu mới tiến hành sản xuất. Tuy nhiên, trước tình trạng “cát tặc” đang lộng hành như hiện nay, doanh nghiệp cũng rất phân vân, không biết có thực hiện được hay không. Bởi lẽ, nằm sát vị trí doanh nghiệp được cấp phép, 2 cơ sở khai thác lậu hoạt động suốt ngày đêm, cát hút từ sông lên chỉ bán 50 nghìn đồng/m3. Còn phía doanh nghiệp, phải bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư, sau này còn đóng các loại thuế, phí theo quy định... như vậy chi phí sẽ đội lên, giá bán cát, sỏi cao hơn, rất khó cạnh tranh với cát lậu. Cũng theo ông Tiến, “cát tặc” không phải ai xa lạ, chính những người dân đang sinh sống ngay trên địa bàn xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên.

Trong một báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, Sở TN-MT khẳng định, các huyện, thành phố chưa có biện pháp xử lý mạnh và cương quyết, mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, yêu cầu dừng khai thác. Bên cạnh đó, công tác quản lý bị buông lỏng, việc phát hiện, xử phạt còn hạn chế, hầu như chưa áp dụng các mức xử phạt theo quy định, chưa mang tính răn đe. Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép theo chức năng, nhiệm vụ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm...Cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh nói chung, huyện Vị Xuyên nói riêng cần có biện pháp xử lý hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép, lấy lại sự “bình yên” cho dòng Lô giang.

Bài, ảnh:  Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Chữ thập đỏ UBKT Tỉnh ủy lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG- Chiều 16.6, tại Hội trường UBKT Tỉnh ủy, Hội Chữ thập đỏ UBKT Tỉnh ủy tổ chức Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đồng chí Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội còn có lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh. 

17/06/2016
Lũng Loét, người dân sống thấp thỏm bên khu vực khai thác đá

BHG - Kể từ khi HTX Lâm Thành tiến hành khai thác khoáng sản tại mỏ đá Lũng Loét đã khiến cho các hộ dân thuộc thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) phải sống trong cảnh khổ sở và bất an. Bụi mù mịt khắp tuyến đường, phủ trắng lên nhà và đồng ruộng, đá bay tung tóe khắp nơi, bắn vào nhà dân và sạt lở xuống ruộng vườn. Cuộc sống bình yên dưới chân núi Cọp của hơn 50 hộ đồng bào Dao và Kinh nơi đây đã bị đảo lộn hoàn toàn... 

17/06/2016
Cần một chiến dịch làm sạch môi trường

BHG - Rác thải, chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở y tế, túi ni lông, vỏ bao, vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật ở nông thôn, các đồ gia dụng cũ thải ra từ quần áo, chăn màn, đệm cũ và chất thải từ chăn nuôi không được thu gom xử lý đảm bảo quy chuẩn đang làm cho ô nhiễm môi trường gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, rất cần một chiến dịch làm sạch sự ô nhiễm đó để cuộc sống bền vững.

15/06/2016
Chấm dứt đợt nắng nóng, đề phòng thời tiết xấu

BHG- Hôm nay (15.6), rãnh áp thấp có trục ở khoảng 24-26 độ vĩ Bắc bị nén bởi một bộ phận không khí lạnh phía Bắc, đồng thời vùng hội tụ gió trên cao cũng sẽ được hình thành trên khu vực Bắc Bộ, tạo nên hình thế thời tiết xấu gây mưa dông diện rộng.

15/06/2016