Trên hải trình mang Xuân tới Trường Sa: Kỳ cuối: Nơi ấy… Trường Sa

10:19, 12/03/2024

BHG - Trong buổi gặp mặt đoàn công tác trước hải trình mang Xuân tới Trường Sa, Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 chia sẻ: Dù đến Trường Sa rất nhiều lần nhưng tôi vẫn cảm nhận lần nào cũng như lần đầu, vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, xúc động, lưu luyến và có rất nhiều kỷ niệm, ấn tượng không thể nào quên về đời sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa.

Duyệt đội hình các lực lượng trên đảo Trường Sa.
Duyệt đội hình các lực lượng trên đảo Trường Sa.

Trong số 45 phóng viên báo chí đi trên tàu 561 tác nghiệp tại các đảo Trường Sa trong hải trình lần này, phần lớn là những người lần đầu được đi Trường Sa, nhưng cũng có nhiều người đã từng đi lần thứ 2, thứ 3 thậm chí nhiều hơn nữa. Nhưng sau 18 ngày vượt những con sóng dữ, cùng cảm nhận những khó khăn, vất vả, tình cảm của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo cũng như sự thiêng liêng khi được đặt chân lên thềm lục địa của Tổ quốc. Nhiều câu chuyện cảm động của các chiến sỹ khiến chúng tôi không thể nào quên.

 Đảo Trường Sa nhìn từ boong tàu.
Đảo Trường Sa nhìn từ boong tàu.

Trên đảo Đá Đông B, tôi được chứng kiến một cuộc đối thoại ngắn nhưng đầy xúc động khi nhà báo Phí Hoàng Lê, Báo điện tử VOV xin chụp ảnh Thiếu tá Lê Gia Dũng đang đứng gác trên nóc đảo: “Anh có thể cho em chụp một tấm hình anh đang đứng gác được không? Có thể, nhưng thôi đừng. Nếu em chụp hình anh và đăng lên báo, lỡ vợ con anh thấy lại nhớ chồng, nhớ cha hơn”. Sau một chút lặng người, nhà báo Phí Hoàng Lê đã cởi chiếc khăn rằn đang quàng trên cổ: “Vậy em xin được tặng anh chiếc khăn này”. Thiếu tá Dũng vẫn nghiêm trang trả lời: “Bây giờ anh đang thực hiện nhiệm vụ, không thể buông súng xuống. Nhờ em gửi vào kho, hết ca trực anh sẽ nhận”.

Phóng viên Mai Thi, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang xúc động tặng chiến sỹ đảo Đá Tây B chiếc khăn rằn.
Phóng viên Mai Thi, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang xúc động tặng chiến sỹ đảo Đá Tây B chiếc khăn rằn.

Không phải là Trường Sa, sẽ chẳng có những cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng tràn đầy cảm xúc của phóng viên và người lính trên đảo Đá Đông B khiến rất nhiều thành viên trong đoàn công tác chúng tôi không kìm được nước mắt và cảm phục trước sự hy sinh, cống hiến của những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Cũng chẳng có những câu chuyện như của phóng viên Nguyễn Ngọc Mai Thi, Đài phát thanh - Truyền hình Hậu Giang khi đang tác nghiệp tại Trường Sa, Mai Thi nhận tin ông nội của mình đột ngột qua đời. Cô khóc nghẹn: “Bây giờ biết làm sao? Con không thể về bên nội lúc này, nội ơi”.

Phút chia tay bịn rịn của các chiến sỹ trên đảo Đá Tây A khi được trở về đất liền.
Phút chia tay bịn rịn của các chiến sỹ trên đảo Đá Tây A khi được trở về đất liền.

Chuyến hải trình dịp cuối năm này của Vùng 4 Hải quân chỉ kéo dài 18 ngày, nhưng những người lính công tác trên các tàu hay ngoài đảo, mỗi chuyến đi của họ có thể hàng tháng, hàng năm. Khi đã lên tàu thực hiện nhiệm vụ thì mọi chuyện đều phải bỏ lại phía sau. Vì vậy, trường hợp cha mẹ, vợ, con của những người lính đang công tác tại các đảo lúc ốm đau bệnh tật, thậm chí qua đời mà người cha, người chồng, người con vẫn biền biệt nơi đầu sóng, ngọn gió là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng bản thân những người lính và gia đình họ đã nén lại đau thương; được đồng chí, đồng đội sẻ chia, động viên để tiếp tục chắc tay súng, vững ý chí giữ bình yên biển, đảo. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa chia sẻ.

Khi được đến với Trường Sa tôi mới hiểu hết những chia sẻ của Đại tá Nguyễn Hữu Minh. Dù có dùng bao nhiêu ngôn từ, hình ảnh đi chăng nữa cũng khó có thể diễn tả hết những cảm xúc khi đến với nơi đầu sóng, ngọn gió. Bởi nơi đó là Trường Sa - là vùng lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam; là nơi không phải ai muốn tới cũng có thể tới, nhưng khi đã đến với biển, đảo sẽ chẳng thể nào quên.

Tôi nhớ như in lời chiến sỹ Ngô Triều Tiến Quốc – cụm chiến đấu 2 đảo Trường Sa – một trong những chiến sỹ được ra quân trở về địa phương dịp Tết Nguyên đán 2024 này. Trước giờ phút chia tay đồng đội, Tiến Quốc chia sẻ: Em và một số đồng chí hoàn thành xong nghĩa vụ tại đảo được vào bờ đợt này đang xen lẫn rất nhiều cảm xúc, vừa vui vì được về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhưng cũng bâng khuâng khi phải xa Trường Sa – ngôi nhà thứ 2 của chúng em, nơi chúng em đã cống hiến bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cho Tổ quốc. Vì vậy, giờ đây em cảm thấy rất lưu luyến khi phải xa đảo, xa đồng đội. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù sau này ở đâu chăng nữa em sẽ luôn hướng về biển đảo, về nơi đây... Trường Sa.

 Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Sinh nhật đồng đội” của những người lính biển

BHG - “Sinh nhật đồng đội” đang dần trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu của các cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong cuộc đời quân ngũ của mình. Nơi biên giới, đất liền hay giữa biển khơi, điều đặc biệt nhất ở các buổi sinh nhật của những người lính Hải quân được tổ chức sinh nhật là cùng nhau ước nguyện, cùng thổi nến, chung nhau một chiếc bánh sinh nhật. Hơn cả đó là được nghe tất cả các thủ trưởng, đồng chí, đồng đội của mình hát vang bài Chúc mừng sinh nhật.

30/10/2023
Điểm tựa cho ngư dân nơi đảo xa
BHG - Yên tâm thực hiện nhiệm vụ, nhiệt huyết cống hiến, đó là cảm nhận của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và người dân trên đảo khi nhắc đến đội ngũ những y, bác sỹ ở Bệnh xá đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Họ là những kíp quân y của Viện Y học Hải quân luân phiên nhau cống hiến sức trẻ nơi đảo xa.
29/02/2024
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

BHG -  Kỳ 1: Chuyện ở Trường Sa. Vượt 254 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, con tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa, đây là đảo lớn nhất của huyện đảo Trường Sa, nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông.

28/04/2023
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

BHG - Kỳ 2: Từ Trường Sa tới Trường Sa Đông. Tại Quân cảng Cam Ranh hôm ấy, trên chuyến tàu ra các đảo, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sỹ trẻ đi nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Vừa rời ghế nhà trường, gác lại ước mơ, hoài bão phía trước, họ tình nguyện lên đường nhập ngũ, xung phong làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, với tâm niệm tiếp bước cha ông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

28/04/2023