Điểm tựa cho ngư dân nơi đảo xa

10:58, 29/02/2024

BHG - Yên tâm thực hiện nhiệm vụ, nhiệt huyết cống hiến, đó là cảm nhận của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và người dân trên đảo khi nhắc đến đội ngũ những y, bác sỹ ở Bệnh xá đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Họ là những kíp quân y của Viện Y học Hải quân luân phiên nhau cống hiến sức trẻ nơi đảo xa.

Những năm gần đây, cùng với các xã đảo của huyện Trường Sa, cơ sở hạ tầng y tế, chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh xá đảo Sinh Tồn được nâng lên rõ rệt. Công trình nhà Bệnh xá là món quà đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng tặng. Trang thiết bị thường xuyên được bổ sung, đổi mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bệnh xá được cấp những cơ số thuốc thiết yếu phục vụ công tác khám, điều trị; được kết nối hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa với các bệnh viện lớn trong đất liền để các chuyên gia có thể phối hợp kịp thời can thiệp những ca chẩn đoán khó.

Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: Chúng tôi đánh giá cao vai trò, sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ đã và đang công tác tại Bệnh xá của đảo trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội trên đảo, góp phần cho CBCS thêm vững tin canh giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời tích cực cùng CBCS đảo thực hiện hiệu quả “Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”.

Quân y Bệnh xá đảo Sinh Tồn khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Quân y Bệnh xá đảo Sinh Tồn khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bệnh xá đảo Sinh Tồn còn là địa chỉ tin cậy của người dân nơi đảo xa. Bởi khi đi biển dài ngày, ngư dân thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhiều ngư dân bị giảm áp mức độ nặng trong quá trình lặn sâu xuống biển để khai thác hải sản và được đưa vào bệnh xá cấp cứu. Được sự chăm sóc y tế đặc biệt, đầy trách nhiệm của các y, bác sỹ trên đảo, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Có trường hợp, Bệnh xá báo cáo lên cấp trên, điều máy bay trực thăng chuyển bệnh nhân về đất liền tiếp tục điều trị.

Được biết, chỉ riêng năm 2023, Bệnh xá đã khám, cấp thuốc cho hơn 890 lượt bệnh nhân, cấp cứu 10 ngư dân, trong đó nhiều trường hợp bị viêm ruột thừa, đau quặn thận, đột quỵ não, tai nạn lao động... Những bệnh nhân này nếu không được cấp cứu kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng.

Thượng úy, Bác sỹ Đinh Văn Trường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn cho biết: Ở đất liền trong bệnh viện có cả một đội ngũ bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ xét nghiệm, bác sỹ gây mê hồi sức, điều dưỡng... Thế nhưng ở đảo, mỗi người phải kiêm nhiệm, phải “độc lập tác chiến”… Song đó lại là cơ hội để chúng tôi rèn luyện tay nghề, khẳng định bản lĩnh người thày thuốc. Xa đất liền, cũng còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn xác định làm hết khả năng của mình vì sức khỏe của CBCS và nhân dân trên đảo.

Chỉ còn 3 tháng là chị Bùi Thị Ngọc đến ngày sinh, chị cho biết: Tôi vẫn đến Bệnh xá để kiểm tra sức khỏe thai nhi. Tôi và các hộ dân trên đảo rất an tâm và biết ơn các y, bác sỹ của Bệnh xá đã luôn tận tình chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bác sỹ Đinh Văn Trường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn tâm sự về công việc nơi đảo xa. 						Ảnh: PV
Bác sỹ Đinh Văn Trường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn tâm sự về công việc nơi đảo xa. Ảnh: PV

Trên đường đến thăm Bệnh xá, tôi gặp Thiếu tá Lê Cao Đồng, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn 146, đây là lần thứ 3 anh ra nhận nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn. Thiếu tá Lê Cao Đồng khoe, lần đầu ra nhận nhiệm vụ ở đảo năm 2021, sau 2 tháng công tác, tôi được đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu trong tình trạng đau thắt vùng bụng, chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp, quân y đảo chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa. Bằng trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, sau gần một giờ phẫu thuật, các thầy thuốc Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã giúp tôi vượt qua cơn nguy kịch. Sức khỏe bình phục, Đồng trở về đơn vị tiếp tục công tác. Cũng từ sự tận tình của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ bệnh xá, anh có thêm động lực và yên tâm hơn về sức khỏe của bản thân khi ở lại đảo làm việc và sau đó khi về đất liền, anh lại 2 lần xung phong ra công tác ở đảo.

Trong số những trường hợp được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn, mọi người hay nhắc tới trường hợp của ngư dân Ngô Văn Hải (sinh 1977, quê tỉnh Bình Định). Tháng 11.2023, trong quá trình khai thác hải sản thuộc tàu BĐ 97975 TS, cách đảo Sinh Tồn khoảng 45 hải lý, do bất cẩn, tay trái anh Hải bị cuốn vào máy nghiền đá dẫn tới bị dập nát mu bàn tay, bị chảy nhiều máu. Anh được các ngư dân trên tàu cá đưa vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn cấp cứu. Kíp quân y đã chụp X quang, khám sơ bộ, chẩn đoán anh Hải bị dập nát bàn tay trái, gãy xương tụ cốt bàn tay, đứt gân duỗi ngón 2. Kíp triển khai phẫu thuật cấp cứu khâu nối gân, khâu vết thương và cố định ổ xương gãy cho bệnh nhân. Sau 3 ngày, vết thương ổn định không có tình trạng nhiễm trùng và chức năng bàn tay tốt. Anh Hải ra tàu về đất liền, tiếp tục điều trị phục hồi chức năng bàn tay.

Bên Âu tàu thuộc đảo Sinh Tồn, ngư dân Nguyễn Ai, thuộc tàu đánh cá BĐ 97282 TS, quê tỉnh Bình Định, kể: Mỗi lần ra khơi, tàu đều ghé đảo Sinh Tồn, được bộ đội đảo và bệnh xá giúp đỡ rất nhiệt tình. Có lần chân anh Nguyễn Tấn Thành, ngư dân cùng trên tàu chúng tôi bị sưng to, rất đau, cử động khó khăn do côn trùng đốt. Khi vào bệnh xá đảo, được quân y tận tình khám, xử lý vết thương và cho thuốc điều trị cũng đã khỏi.

Chia tay đảo Sinh Tồn, tôi nhớ mãi lời Bác sỹ Đinh Văn Trường: “Tôi rất vinh dự và tự hào vì được đóng góp một phần công sức của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt là được chăm sóc sức khỏe CBCS và nhân dân trên đảo, là những dấu ấn không thể quên trên quãng đời binh nghiệp”. Đó cũng chính là tâm sự của các Đại úy Quân y chuyên nghiệp: Phạm Quang Tình, Hoàng Văn Tùng và Trần Bá Huỳnh của Bệnh xá đảo Sinh Tồn.

Bài, ảnh: Đặng Phương Hoa


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Sinh nhật đồng đội” của những người lính biển

BHG - “Sinh nhật đồng đội” đang dần trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu của các cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong cuộc đời quân ngũ của mình. Nơi biên giới, đất liền hay giữa biển khơi, điều đặc biệt nhất ở các buổi sinh nhật của những người lính Hải quân được tổ chức sinh nhật là cùng nhau ước nguyện, cùng thổi nến, chung nhau một chiếc bánh sinh nhật. Hơn cả đó là được nghe tất cả các thủ trưởng, đồng chí, đồng đội của mình hát vang bài Chúc mừng sinh nhật.

30/10/2023
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

BHG -  Kỳ 1: Chuyện ở Trường Sa. Vượt 254 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, con tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa, đây là đảo lớn nhất của huyện đảo Trường Sa, nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông.

28/04/2023
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

BHG - Kỳ 2: Từ Trường Sa tới Trường Sa Đông. Tại Quân cảng Cam Ranh hôm ấy, trên chuyến tàu ra các đảo, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sỹ trẻ đi nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Vừa rời ghế nhà trường, gác lại ước mơ, hoài bão phía trước, họ tình nguyện lên đường nhập ngũ, xung phong làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, với tâm niệm tiếp bước cha ông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

28/04/2023
Thiêng liêng Mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
BHG - Được đến với các đảo, cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhìn thấy biển, đảo vững vàng nơi đầu sóng; được trò chuyện với những người lính can trường và bà con nhân dân sinh sống trên đảo đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là sự may mắn và niềm tự hào đối với mỗi người. Đặc biệt, khi đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có một nơi, bất kỳ ai cũng không thể bỏ qua – đó là Mốc chủ quyền. Hình ảnh chiến sỹ hải quân nghiêm trang đứng gác bên cạnh Mốc chủ quyền thực sự thiêng liêng, xúc động và tự hào. Đó là sự khẳng định đanh thép và vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam ta.
28/01/2024