“Xanh hóa Trường Sa” tạo tấm khiên thiên nhiên bảo vệ đảo

14:33, 26/02/2024

BHG - Cách đất liền trên 250 hải lý, quần đảo Trường Sa – trạm gác tiền tiêu của Tổ quốc thường được gọi với cái tên “nơi đầu sóng, ngọn gió”. Đây luôn là điểm đầu tiên của đất nước phải hứng chịu các cơn bão biển, những con sóng lớn, nhất là vào mùa mưa bão. Giữa biển trời mênh mông sóng nước, trước sự giận dữ của mẹ thiên nhiên, chẳng có gì chống chọi tốt hơn những hàng cây Phong ba, Phi lao, Mù u, cây Tra, Bàng vuông… sừng sững bao quanh và trùm lên một màu xanh ngát khắp đảo. Chúng được quân và dân ở Trường Sa ví như tấm khiên thiên nhiên vững chắc bảo vệ đảo.

Trường Sa là đảo đầu tiên trên hải trình của chúng tôi trong chuyến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ (CBCS) và nhân dân dịp Tết cổ truyền dân tộc 2024. Nhìn từ boong tàu, ấn tượng đầu tiên là cả hòn đảo bừng lên một màu xanh hy vọng với những bóng cây Bàng vuông, Phong ba, Cây tra, Phi lao.... Được biết, hiện nay khoảng 70% diện tích của đảo đã được phủ cây xanh. Vì thế đi đến đâu cũng thấy một màu xanh căng tràn sức sống.

Cán bộ, chiến sỹ và người dân đảo Đá Tây A trồng cây “Xanh hóa Trường Sa”.
Cán bộ, chiến sỹ và người dân đảo Đá Tây A trồng cây “Xanh hóa Trường Sa”.

Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa chia sẻ: Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình bền bỉ, lâu dài của mỗi CBCS và người dân trên đảo. Bởi để cây bén rễ, sống được đã khó, chăm sóc để cây lớn lên là cả vô vàn công sức mồ hôi. Với tầm quan trọng của việc trồng, phát triển cây xanh trên quần đảo Trường Sa, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã triển khai chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.

Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” có tác dụng, ý nghĩa rất lớn, đó là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ, che chắn đảo trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, tạo “nang phổi” cung cấp ô xy, bảo vệ sức khỏe cho CBCS, trong quá trình phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để phát triển màu xanh trên quần đảo.

“Có màu xanh là có tất cả, có niềm tin, hi vọng, tạo không gian sức sống mãnh liệt ở nơi đầu sóng ngọn gió. Vì vậy, cả nước đang tập trung cho “Xanh hóa Trường Sa”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác cùng nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã có những tài trợ, hỗ trợ quý giá về cây giống, đất, phân bón, kỹ thuật để trồng, phát triển cây xanh trên các đảo”. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa thông tin.

Chiến sỹ đảo Đá Tây A chăm sóc giàn bầu.
Chiến sỹ đảo Đá Tây A chăm sóc giàn bầu.

Tiếp nối hải trình đến với đảo Đá Tây A. Ở nơi đây chúng tôi mới cảm nhận rõ sự đổi thay từ “Xanh hóa Trường Sa”. Theo lời kể của Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (nguyên Chính trị viên đảo Đá Tây). Từ năm 2018 trở về trước, đảo hầu như không một bóng cây, chỉ có màu trắng của cát và san hô. Sau 5 năm, quanh đảo giờ đây đã được bảo vệ bằng những rặng Phi lao cao vút; những cây Bàng vuông và nhiều loại cây khác mang ra từ đất liền cũng phủ bóng xanh ngát những con đường trên đảo, tạo bóng mát cho trẻ em nô đùa, vui chơi.

Thượng tá Dương Chí Nguyện bồi hồi nhớ lại: Khi tôi còn công tác ở đảo Đá Tây (những năm 2018 – 2019), hồi đó vào mùa khô nước rất hiếm, CBCS phải rất dè sẻn khi sử dụng nước trong sinh hoạt. Để có nước tưới cho cây, chúng tôi phải tiết kiệm nước đã qua sử dụng, sau 2-3 ngày mới tưới cho cây 1 lần. Đến mùa mưa, cây được tưới đầy đủ, nhìn cây lớn lên từng ngày, xanh tốt, mạnh khỏe, ai cũng vui mừng, hạnh phúc như được chứng kiến một mầm sống chào đời trên đảo.

Ngoài trồng cây chắn sóng, che gió, làm bóng mát, phong trào tăng gia sản xuất, trồng các loại cây ăn quả, rau xanh, hoa, cây cảnh; phân loại rác thải nhựa, vệ sinh khuôn viên đảo xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp... cũng được chú trọng để Trường Sa thực sự “xanh hóa”. Chỉ cần có không gian trống, CBCS nơi đảo xa đều tận dụng triệt để trồng cây, làm vườn rau xanh, nhất là ở các đảo nhỏ, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều, ngập nước.

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, quanh năm suốt tháng chịu ảnh hưởng của gió biển, hơi muối mặn để những mầm xanh sống được, đâm chồi, nảy lộc đã khó nhưng nhìn những hàng Phi lao cao vút, những cây Bàng vuông, cây Tra chở che doanh trại; những vườn rau vẫn xanh mướt, mơn mởn; từng giàn bầu, bí nặng trĩu quả chẳng kém ở trên đất liền mới thấy được sự kỳ công, vất vả chăm sóc của CBCS nơi đây. Từ sự bền bỉ, kiên trì của người lính đảo, giờ đây ở bất kỳ đâu trong quần đảo Trường Sa đều có bóng cây xanh. Những hàng cây tiếp tục mọc lên sẽ càng làm dày thêm tấm khiên bảo vệ, che chở cho CBCS và nhân dân trên đảo.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Sinh nhật đồng đội” của những người lính biển

BHG - “Sinh nhật đồng đội” đang dần trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu của các cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong cuộc đời quân ngũ của mình. Nơi biên giới, đất liền hay giữa biển khơi, điều đặc biệt nhất ở các buổi sinh nhật của những người lính Hải quân được tổ chức sinh nhật là cùng nhau ước nguyện, cùng thổi nến, chung nhau một chiếc bánh sinh nhật. Hơn cả đó là được nghe tất cả các thủ trưởng, đồng chí, đồng đội của mình hát vang bài Chúc mừng sinh nhật.

30/10/2023
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

BHG -  Kỳ 1: Chuyện ở Trường Sa. Vượt 254 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, con tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa, đây là đảo lớn nhất của huyện đảo Trường Sa, nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông.

28/04/2023
Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

BHG - Kỳ 2: Từ Trường Sa tới Trường Sa Đông. Tại Quân cảng Cam Ranh hôm ấy, trên chuyến tàu ra các đảo, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sỹ trẻ đi nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Vừa rời ghế nhà trường, gác lại ước mơ, hoài bão phía trước, họ tình nguyện lên đường nhập ngũ, xung phong làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, với tâm niệm tiếp bước cha ông, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

28/04/2023
Thiêng liêng Mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
BHG - Được đến với các đảo, cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhìn thấy biển, đảo vững vàng nơi đầu sóng; được trò chuyện với những người lính can trường và bà con nhân dân sinh sống trên đảo đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là sự may mắn và niềm tự hào đối với mỗi người. Đặc biệt, khi đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có một nơi, bất kỳ ai cũng không thể bỏ qua – đó là Mốc chủ quyền. Hình ảnh chiến sỹ hải quân nghiêm trang đứng gác bên cạnh Mốc chủ quyền thực sự thiêng liêng, xúc động và tự hào. Đó là sự khẳng định đanh thép và vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam ta.
28/01/2024