Hà Giang

Gánh hàng rong Hà Nội thế kỷ 20 qua ống kính người Pháp

10:26, 27/09/2022

Cô hàng xén chợ Đồng Xuân, gánh phở dạo hồ Hoàn Kiếm, ở Hà Nội giữa thế kỷ 20, sinh động qua ống kính người Pháp.

 

Một phụ nữ bán cam trên phố Hàng Buồm vào dịp Tết Ất Mùi (1955). Tác phẩm là một trong hơn 20 bức ảnh được triển lãm tại sự kiện “Gánh hàng rong” - buổi trưng bày nghệ thuật do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tổ chức từ ngày 23/9 đến 5/11 ở Idecaf, quận 1, TP HCM. Triển lãm nhằm gợi lại những ký ức xưa cũ về các gánh hàng rong một thời trên đường phố Hà Nội giai đoạn 1930-1950, nguồn ảnh từ các nhiếp ảnh gia Pháp trong những chuyến công du ở Việt Nam lúc đấy. Từ năm 2008, Hà Nội cấm hàng rong trên nhiều tuyến phố, vỉa hè để giữ không gian công cộng, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông.

 

Một phụ nữ bán cá ở một chợ tại Hà Nội thập niên 1950. Theo Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp) - học giả từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những gánh hàng rong ngày trước chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội (ngày nay đã sáp nhập vào thủ đô) mà trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 100 000 người dân nội ô. Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại, với tiếng rao đặc trưng như: “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi.../ Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán nào...”.

 

Một gánh tiết canh lòng lợn được bày bán trên đường phố. Hình ảnh các bà, các chị ngồi xổm trên đất, bán hàng giữa các sọt mây song, in đậm trong ký ức những người yêu văn hóa, ẩm thực Hà Nội một thời.

 

Các cô bán siro lựu ở gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội năm 1951.

 

Những gánh hoa bên hồ Hoàn Kiếm. Người bán chủ yếu là các thiếu nữ đến từ làng hoa Ngọc Hà, Hữu Tiệp. Các cô hay chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân ngồi thành một dãy. Một thời gian, nhu cầu mua hoa của người Pháp khiến các kiot phục vụ không đủ, hoa bày bán tràn ra đường rồi thành chợ ven hồ Gươm.

 

Các thực khách đang thưởng thức bên gánh phở dạo ở hồ Hoàn Kiếm. Theo đơn vị tổ chức triển lãm, trước đây, phở thường được bán trên gánh hàng rong. Người bán sẽ gánh chúng ra vỉa hè để bán; một bên quang gánh đựng bát, thìa, đũa, bánh phở, bên kia thì đựng nồi nước nóng hổi. Người bán sẽ treo thêm tảng thịt bò luộc chín khoảng 2 kg bằng lạt ở phía trên.

 

Khung cảnh họp chợ trước đình làng Bát Tràng.

 

Một góc gian hàng bày bán bánh chưng, ấm chén, đồ thủy tinh các loại.

 

Một gánh phở dạo trên vỉa hè. Người gánh hàng rong cân bằng bằng hai đầu đòn gánh, một bên là bếp lò và nồi nấu, một bên là bán đũa, dao nĩa và các đồ gia vị. Nước dùng luôn sôi sùng sục để phục vụ thực khách thưởng thức món phở tái.

 

Người bán trà, chiếu và sọt tre ở Hà Nội.

 

Một góc trước cổng chợ Đồng Xuân vào năm 1951. Chợ Đồng Xuân ra đời năm 1889, là nơi buôn bán sầm uất của người dân thủ đô suốt hơn 100 năm qua. Sau khi hoàn thành, chợ chỉ họp hai ngày một phiên, về sau do nhu cầu phát triển thương mại, chợ họp hàng ngày từ sáng đến tối. Thời kỳ này, các mặt hàng được các tiểu thương buôn bán đa dạng, từ hàng nông sản, thực phẩm, rau quả, đến hàng vải vóc, máy móc của Pháp, Trung Hoa, Ấn Độ...

 

Không khí đông vui, nhộn nhịp của chợ Đồng Xuân vào dịp giáp Tết năm 1955. Fanny Gouzou, 35 tuổi, du khách Pháp dự triển lãm - cho biết xúc động vì loạt ảnh gợi lên vẻ đẹp mộc mạc của những phụ nữ bán hàng rong ở Hà Nội giữa thế kỷ 20 dù phải tảo tần mưu sinh để nuôi gia đình. Cô nói sẽ tìm các postcard in những bức hình xưa của Việt Nam làm quà cho bạn bè.

Theo VnExpress.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng nếp sống văn minh trên vùng cực Bắc - Kỳ cuối: Cả hệ thống chính trị vào cuộc
BHG - Trước khi có Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27, thì tác hại, hệ lụy mà các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh khá lớn, nó không chỉ gây lãng phí, tốn kém tiền bạc của nhân dân mà còn mang đến một bầu không khí ảm đạm tại mỗi làng quê, thôn, xóm; mỗi dòng họ, đến với từng gia đình; nó như một vòng luẩn quẩn không lối thoát từ năm này qua năm khác với những hủ tục như cúng bái, tế bái, cỗ bàn, rượu, thịt và… say!
27/09/2022
Nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc tại Ngày hội “Văn hoá du lịch dân tộc Dao”
BHG - Ngày hội “Văn hoá du lịch dân tộc Dao” thành phố Hà Giang lần thứ Nhất, năm 2022, sẽ diễn ra vào ngày 2.10, tại thôn Khuổi My, xã Phương Độ, Tp. Hà Giang. Ngày hội với nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn thành phố.
26/09/2022
Nỗ lực tập luyện Chương trình đồng diễn chào mừng Khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX
BHG - Hướng tới Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX, năm 2022 sẽ  diễn ra sáng ngày 29.9 tại Quảng trường 26.3, trong những ngày này,  Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Hội Người cao tuổi thành phố Hà Giang tổ chức tập luyện chương trình đồng diễn thể thao nghệ thuật để phục vụ lễ khai mạc Đại hội.
26/09/2022
Xây dựng nếp sống văn minh trên vùng cực Bắc - Kỳ I: Hủ tục dẫn đến đói, nghèo
BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có nền văn hóa vùng, miền phong phú, đa dạng; là nơi cư trú của 19 dân tộc anh em. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, KT-XH, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn bám rễ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo.
26/09/2022