Gìn giữ nét đẹp trang phục dân tộc Nùng

09:25, 08/04/2020

BHG - Chiếm 38,4% dân số toàn huyện, sinh sống ở 11/24 xã, thị trấn, người Nùng có lịch sử sinh sống lâu đời và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các dân tộc huyện Hoàng Su Phì. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, các thế hệ người Nùng luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa, trong đó đặc trưng phải kể đến trang phục.

Thiếu nữ Nùng trong trang phục truyền thống.
Thiếu nữ Nùng trong trang phục truyền thống.

Ngày nay, phụ nữ Nùng từ trung niên đến cao tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống, còn giới trẻ thường chỉ mặc vào những dịp Tết hoặc lễ hội. Theo chia sẻ của bà Thèn Thị Chích, thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang; trang phục của người Nùng đơn giản, không cầu kỳ, cũng không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc khác mà chỉ duy nhất một sắc chàm xanh đen với những đường nét đơn giản, được làm từ vải thô nhuộm chàm, ít thêu thùa, trang trí. Trước đây, phụ nữ Nùng thường tự trồng bông, dệt và nhuộm vải để cắt may trang phục, ngày nay, với sự đa dạng của các loại hàng hóa, phụ nữ Nùng mua vải ở chợ về nhuộm chàm để may trang phục. Trang phục nam giới thường đơn giản, gồm áo ngắn tứ thân, tay bó, có 3 túi, cổ đứng, vạt áo và cổ có thêu hoa văn hình răng cưa. Kiểu dáng quần được may theo kiểu quần ta, ống đứng. Đường kính ống rộng khoảng 40 - 45 cm, bụng rộng. Khi mặc cạp quần gấp thành nhiều nếp, dùng dây vải làm thắt lưng.

Trang phục của nữ giới được may cầu kỳ, gồm áo tứ thân và váy. Áo được may theo kiểu tay bó, thân ngắn, 4 thân, may thành hai lớp. Trên thân áo có đính 15 - 20 cúc áo được làm bằng bạc, khuy áo bằng vải. Cổ áo đứng, may vuông có thêu hoa văn bằng kim tuyến, chỉ màu và trang chí những hạt bạc nhỏ khâu vào thành hình quả núi, mép cổ có khoá bạc hình mặt trời. Váy được may theo kiểu dưới xoè rộng, trên bụng thu nhỏ, may thành hai lớp. Sau khi may xong, váy được tạo nếp gấp song song hình rẻ quạt chạy suốt từ trên xuống dưới bằng cách dùng hòn đá được mài nhẵn và nung nóng sau đó chà sát vào lớp vải để tạo nếp như cách dùng bàn là. Cạp váy được trang trí bằng vải màu xanh hoặc đỏ, có dây rút, khi mặc thì phần nối giữa mép váy được cuộn lại, sau đó buộc lên phía cạp thành hình chiếc cối đá, đây cũng là nét đặc sắc nhất trong trang phục của nữ giới dân tộc Nùng của Hoàng Su Phì.

Ngoài ra, trang phục nam và nữ còn có khăn đội đầu. Khăn của nam làm bằng vải nhuộm đen, rộng 20 cm, dài 2 m có trang trí hoa văn ở 2 đầu. Khăn quấn đầu của nữ cũng được làm bằng vải nhuộm màu đen, nhưng có 2 khăn, gồm: Khăn trong dài 1,7 m may bằng 2 lượt vải có màu khác nhau, mặt trong có màu xanh đen, mặt ngoài có màu chàm đen, trên khăn có trang trí hoa văn và được khâu từ những hạt bạc nhỏ tạo thành hình quả núi; khăn ngoài dài 1,7 m nhuộm chàm đen, thêu hoa văn hình xương cá, 2 đầu khăn được rút sợi ngang và được se lại thành nhiều sợi nhỏ, quấn tròn ở hai đầu...

Nói về điểm nhấn trong trang phục của người Nùng, các cụ cao niên ở xã Pố Lồ kể lại: Ngày xưa, người Nùng rất giàu mạnh, cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Một hôm, vua người Hán sai quân đến xâm lược, để bảo vệ đất đai, đàn ông trai tráng đã tập hợp để chống lại. Quân giặc tàn ác đã bắt phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng, lấy kim bằng bạc cắm vào đầu, lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ, lấy vòng sắt đeo vào cổ tay sau đó bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ nhằm làm cho các trai tráng nản lòng về quy hàng.

Nhiều ngày trôi qua, sức nặng của chiếc cối đá và những vòng xích sắt đã khiến tấm lưng của người phụ nữ còng xuống nhưng họ vẫn một lòng thủy chung và ngoan cường, trở thành hậu phương vững chắc, góp công đánh thắng giặc ngoại xâm. Để con cháu đời sau biết đến truyền thống trung hậu, đảm đang; phụ nữ người Nùng đã mặc chiếc váy có phần cạp to phía sau cuộn lại thành hình chiếc cối đá và dùng những chiếc “hô căng”, “sằn shồi” (kiềng, vòng cổ) để đeo vào cổ, dùng “ẳn khỏn” (lắc tay) đeo vào cổ tay. Từ đó, trang phục và những đồ trang sức luôn được phụ nữ người Nùng đeo trên người đến tận ngày nay như một lời nhắc nhở thế hệ sau cần trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc mình.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

31/03/2020
Hùng An nỗ lực xây dựng xã đạt Đô thị loại V

BHG - Ngay sau khi hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Hùng An (Bắc Quang) tiếp tục phấn đấu xây dựng xã trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2020. Nhiều thuận lợi cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn mà Đảng bộ, nhân dân xã Hùng An đang quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra ngay từ những ngày đầu năm…

 

30/03/2020
Trập trùng Cao Sán

BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), đầu tháng Ba vừa rồi, tôi mới thực hiện được dự định đặt chân đến Cao Sán, thôn khó khăn nhất của xã. Đường lên Cao Sán mùa này thật thơ mộng với bóng cây cổ thụ ven đường cùng những rặng tre mướt mắt và những loài hoa rừng đang khoe sắc, tỏa hương. Con đường đất dốc ngoằn ngoèo chỉ rộng chừng một sải tay như thử thách tay lái của chúng tôi... 

30/03/2020
Quản Bạ, nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

BHG - Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn khiêm tốn; vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quản Bạ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm tăng cường công tác xã hội hóa (XHH) và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường, lớp học, cải tạo môi trường cảnh quan… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

 

30/03/2020