Xây dựng Nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu

07:41, 05/09/2022

BHG - Xây dựng Nông thôn mới (NTM) được tỉnh ta xác định là chương trình phát triển tổng hợp, toàn diện, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Để NTM thực sự mới, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục xây dựng NTM bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, môi trường sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc.

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay, trong phạm vi 175 xã/11 huyện, thành phố. Bước vào xây dựng NTM, mặc dù trong điều kiện KT-XH của tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, bình quân chung toàn tỉnh mới đạt 3,5 tiêu chí/xã. Song, với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng thuận của nhân dân, chương trình MTQG xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện, tỉnh ta có 1 đơn vị là thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 47/175 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 26,85%), trong đó xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đạt chuẩn NTM nâng cao. Các xã còn lại, bình quân đạt 13,9 tiêu chí/xã; có 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí NTM, 115 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí và chỉ có 2 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Đặc biệt, toàn tỉnh có 69 thôn được công nhận thôn NTM.

Sản xuất ván bóc giúp người dân xã Kim Ngọc (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.
Sản xuất ván bóc giúp người dân xã Kim Ngọc (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Cùng với kết quả trên, thực hiện chủ trương: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, tỉnh ta đã phát huy được sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, từ nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, người dân làm gần 268 km đường bê tông các loại; thực hiện láng và bó nền nhà 581 hộ; xây dựng 353 bể nước, 648 công trình nhà tắm, 631 nhà tiêu hợp vệ sinh, cứng hóa, di dời 342 chuồng trại ra xa nhà, thực hiện nếp sống văn minh. Không những vậy, với tinh thần: “Việc làng, đất vàng cũng hiến”, người dân tự nguyện hiến trên 91 nghìn m2 đất, đóng góp gần 146.000 ngày công và quyên góp, hỗ trợ hơn 23,6 tỷ đồng xây dựng NTM.

Mặc dù kết quả xây dựng NTM đạt được khá toàn diện, song vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Một số tiêu chí khi công nhận NTM chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, giải quyết việc làm... Hơn nữa, sau đạt chuẩn NTM, “bầu ngân sách” đầu tư cho các xã này trở nên hạn chế, dẫn đến xu hướng tụt giảm tiêu chí. Cá biệt, xã Mậu Duệ (Yên Minh) không thể duy trì tiêu chí NTM, buộc phải thu hồi Bằng công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát, bảo vệ, duy tu, nâng cao chất lượng các công trình đầu tư xây dựng chưa thường xuyên và sâu sát dẫn đến tình trạng công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ. Còn một bộ phận người dân thiếu chủ động, chậm đổi mới, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

Từ thực tế trên, để đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; ngày 25.7.2022, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 28 về lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngoài những giải pháp căn cơ, như: Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng NTM; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; tỉnh ta còn xác định rõ giải pháp thực hiện 11 nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Quyết định số 263, ngày 22.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các nhóm: Nhiệm vụ đột phá, cốt lõi, nền tảng, then chốt và nhóm nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Đặc biệt, để chương trình xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế, tỉnh ta thực hiện chủ trương không ấn định thời gian hoàn thành số xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch từng năm mà tổ chức triển khai thực hiện theo từng nhóm tiêu chí đối với từng xã để tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn NTM vào năm cuối của giai đoạn, đảm bảo hết giai đoạn hoàn thành được mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn huyện NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiện vụ NTM lên 3 đơn vị. Cấp xã có thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong toàn tỉnh lên 82 xã và cấp thôn có từ 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn NTM (tương đương khoảng 800 thôn); 100% thôn biên giới (124 thôn/34 xã/trên địa bàn 7 huyện biên giới) có điện và đường giao thông đạt tiêu chí NTM.

Hiện nay, tỉnh ta đang tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết khảo sát, đánh giá năng lực điều hành về kinh tế của các cơ quan và chính quyền nhà nước tại địa phương
BHG - Chiều 30.8, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác điều tra, khảo sát, đánh giá năng lực điều hành về kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố năm 2021. Dự hội nghị có đại diện một số sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
31/08/2022
Bàn giải pháp phát triển bền vững cam Sành Hà Giang
BHG - Chiều 31.8, UBND huyện Bắc Quang tổ chức Hội thảo giải pháp về khoa học, kỹ thuật (KHKT) để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững cam Sành Hà Giang. Dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp miền núi phía Bắc, Viện Di truyền nông nghiệp; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; đại diện các hợp tác xã (HTX) trồng cam tiêu biểu trên địa bàn huyện Bắc Quang.
31/08/2022
Khí thế thi đua ở Mậu Duệ
BHG - Thiết thực lập thành tích chào mừng 60 năm Ngày Thành lập Đảng bộ huyện Yên Minh (25.12.1962 - 25.12.2022), xã Mậu Duệ tổ chức phát động, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, hoàn thành sớm và vượt mức nhiều chỉ tiêu đề ra trong năm.
29/08/2022
Triệu phú trên đất cằn Ngòi Han
BHG - Với sự nỗ lực không mệt mỏi cùng cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, chị Lý Thị Tiến, sinh năm 1971, dân tộc Dao ở thôn Ngòi Han, xã Tân Trịnh (Quang Bình), được mệnh danh là “Triệu phú ở Ngòi Han” - một trong những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
27/08/2022