Vị Xuyên chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc

08:17, 17/01/2018

BHG - Tỉnh ta đang hứng chịu đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất từ đầu mùa Đông đến nay, vùng núi cao có nơi nhiệt độ giảm thấp xuống dưới 5 độ C. Huyện Vị Xuyên đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để xảy ra tình trạng thiệt hại đàn gia súc do đói, rét, dịch bệnh.

Huyện Vị Xuyên có tổng đàn gia súc trên 141.000 con. Để hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra; UBND huyện đã có công văn gửi các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống rét và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc cấp xã, thị trấn; phân công các thành viên xuống cơ sở phối hợp với Ban Cán sự thôn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. Tổ chức ký cam kết về công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc giữa UBND xã với các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Người dân thôn Mịch A, xã Thuận Hòa chăm sóc đàn gia súc.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi làm áo khoác giữ ấm cho trâu, bò từ bao tải dứa, quần áo cũ; tận dụng những vật liệu sẵn có của gia đình như lá cọ, thân cây ngô khô, vải bạt, bao tải... để che chắn chuồng trại, đảm bảo giữ ấm trong mùa Đông. Những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C không được chăn thả gia súc; ngoài thức ăn xanh, cần bổ sung thêm thức ăn tinh từ bột ngô, sắn, gạo… cho gia súc. Định kỳ phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Xã Thuận Hòa hiện có tổng đàn gia súc gần 3.000 con với trên 1.400 hộ chăn nuôi. Ngay từ đầu mùa Đông, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc; phân công các thành viên thường xuyên xuống thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc; gia cố, che chắn chuồng trại để đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi. Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, Vi Quốc Trung cho biết: “Bên cạnh việc hướng dẫn nhân dân che chắn, vệ sinh chuồng trại, chính quyền xã tích cực vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất ruộng kém hiệu quả, đất đồi tạp sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Tổng diện tích cỏ toàn xã hiện nay là 150 ha, đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc trong mùa Đông”.

Gia đình anh Hoàng Xuân Tiếp, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa có 3 con trâu. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, gia đình anh trồng trên 2.000 m2 cỏ và phơi khô rơm, rạ sau khi thu hoạch vụ Mùa để dự trữ. Những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, ngoài cho trâu ăn thức ăn xanh, gia đình anh còn nấu thêm bột ngô, sắn cho đàn trâu và che chắn lại chuồng trại. Anh Tiếp cho biết: “Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, thôn, những ngày rét đậm, rét hại gia đình tôi không chăn thả gia súc mà thay phiên nhau đi hái cỏ về cho trâu ăn, ngoài ra còn nấu cám gạo, ngô để bổ sung thức ăn tinh cho đàn trâu và đun nước ấm cho trâu uống nữa…”.

Lãnh đạo xã Tùng Bá và các phòng chức năng của huyện Vị Xuyên kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc tại cơ sở. 	Ảnh: AN DƯƠNG
Lãnh đạo xã Tùng Bá và các phòng chức năng của huyện Vị Xuyên kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc tại cơ sở. Ảnh: AN DƯƠNG

Đối với xã Linh Hồ, số lượng đàn gia súc trên 12.000 con, xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, tránh bị đói, rét, dịch bệnh. Chỉ đạo cán bộ thú y hướng dẫn nhân dân che chắn chuồng trại kín gió, khô ráo, dự trữ rơm khô, tích cực trồng mới và chăm sóc diện tích cỏ, tuyên truyền cho nhân dân không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Đối với các hộ có từ 2 con trâu, bò trở lên phải cam kết dự trữ thức ăn xanh và thức ăn tinh cho gia súc trong mùa Đông; làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ, vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng. Nhờ vậy, từ đầu mùa Đông đến nay, trên địa bàn xã chưa có tình trạng trâu, bò bị chết do đói, rét, dịch bệnh.

Xã Tùng Bá có 2.614 con trâu, bò, trong đó đàn trâu chiếm trên 80%. Ngay khi mới bước vào mùa Đông, xã đã chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh tới tất cả các hộ chăn nuôi. Đặc biệt, nhân dân chủ động trồng 200 ha cây ngô Đông dùng để làm thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét. Xã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên, các ban, ngành đoàn thể của xã đến 15/15 thôn, bản, 100% các hộ chăn nuôi trâu, bò để tuyên truyền, đôn đốc và hướng dẫn bà con bảo vệ đàn gia súc.

Để bảo vệ đàn gia súc của mình, gia đình Chị Vương Thị Chiều, thôn Nà Giáo đã dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô và che chắn chuồng trại cẩn thận. Vì vậy, qua những đợt rét đậm, rét hại vừa qua, đàn trâu của gia đình chị không bị đói, rét. Cũng như gia đình chị Chiều, hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc ở xã Tùng Bá đã biết rút kinh nghiệm  trong những mùa rét trước, đều dự trữ rơm khô và dành một phần diện tích của gia đình để trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn thường xuyên cho trâu, bò. Ngoài rơm rạ và thức ăn tươi, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách bổ sung thức ăn tinh cho trâu, bò. Đồng thời, dùng bạt, bao tải, lá cọ và các vật liệu có thể chắn gió để che chuồng trại chống rét cho đàn gia súc. Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 80% các hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố được che chắn đảm bảo giữ ấm cho gia súc…

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mùa Đông năm nay thời tiết diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ ở vùng núi giảm thấp hơn trong nhiều năm trở lại đây, vì vậy huyện Vị Xuyên đang tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn làm tốt việc che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

NG. PHƯƠNG - A.DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dự án cải tạo giống ngựa cao nguyên - hướng đi mới ở huyện Quản Bạ

BHG - Ngựa là một trong những con thế mạnh được huyện Quản Bạ tập trung phát triển. Trong vài năm qua, Trung tâm Khuyến nông huyện đã thử nghiệm cải tạo thành công tầm vóc giống ngựa vùng Cao nguyên đá; góp phần nâng cao giá trị, năng suất cho người nuôi ngựa. Đồng thời, mở ra hướng đi mới cho việc phát triển chăn nuôi của địa phương. 

17/01/2018
Thụ tinh nhân tạo - "đòn bẩy" phát triển chăn nuôi ở Mèo Vạc

BHG - Với mục tiêu hình thành các vùng chăn nuôi bò hàng hóa, nuôi lợn tập trung, thời gian qua, Mèo Vạc đã đẩy mạnh thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn gia súc. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và tạo thêm động lực thúc đẩy chăn nuôi phát triển. 

17/01/2018
Cánh đồng mẫu sản xuất ngô vụ Đông tại Yên Định

BHG - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vụ Đông thành vụ sản xuất đại trà để tăng hệ số sử dụng đất, hình thành tập quán sản xuất hàng hoá cho người dân, xã Yên Định (Bắc Mê) đã tổ chức triển khai mô hình "Cánh đồng mẫu" sản xuất ngô vụ Đông nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân.

17/01/2018
Hiệu quả từ các chương trình nông nghiệp trọng tâm ở thành phố Hà Giang

BHG - Năm 2017, nhiều chỉ tiêu phát triển KT – XH của thành phố Hà Giang vượt so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các xã ngoại thành giảm đáng kể; trên 90% người dân được khảo sát đều hài lòng về Chương trình xây dựng Nông thôn mới; những mô hình kinh tế "cũ" được thổi thêm làn gió mới từ các chương trình nông nghiệp trọng tâm.

16/01/2018