Vị Xuyên tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Sành

07:54, 15/01/2018

BHG - Bước vào niên vụ cam Sành 2017 – 2018, huyện Vị Xuyên đang đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam Sành của địa phương.

Hiện tại, huyện Vị Xuyên có tổng diện tích 619,8 ha cam; trong đó, diện tích trồng mới 67,1 ha. Hết năm 2017, diện tích cam được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 90,1 ha. Năm 2016, sản phẩm cam Sành của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Trong đó, Huyện Vị Xuyên có 7 xã nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý cam Sành, gồm: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, Ngọc Linh, Đạo Đức, thị trấn Việt Lâm và thị trấn Vị Xuyên.

Các đại biểu tham quan tại Hội thi sản phẩm cam Sành huyện Vị Xuyên được tổ chức vào tháng 12 vừa qua.
Các đại biểu tham quan tại Hội thi sản phẩm cam Sành huyện Vị Xuyên được tổ chức vào tháng 12 vừa qua.

Xác định cây cam là cây trồng chủ đạo trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, UBND huyện Vị Xuyên đã xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng vườn cam giai đoạn 2016 – 2020. Theo đánh giá, sản lượng cam năm 2017 đạt gần 700 tấn, cao hơn năm 2016 gần 100 tấn. Theo đó, huyện đã tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung và thành lập các HTX sản xuất cam; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các vùng cam trong huyện. Với diện tích trồng mới, huyện hỗ trợ 100% cây giống; đối với hộ trồng cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP đều được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, đốn tỉa, tạo tán, cải tạo vườn già cỗi... Hàng năm, huyện tổ chức tập huấn cho tất cả các hộ trồng cam về quy trình kỹ thuật, chăm sóc, thu hái sản phẩm, nhất là khâu bảo vệ thực vật tại các xã vùng cam. Quy hoạch vùng trồng cam tập trung tại các xã: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần, thị trấn Việt Lâm; phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 250 ha. Đưa tổng diện tích cam VietGAP toàn huyện lên 600 ha vào năm 2020.

Các gian hàng bày bán sản phẩm cam Sành được UBND huyện Vị Xuyên hỗ trợ kinh phí xây dựng tại km 31, xã Việt Lâm; giúp các hộ trồng cam tiêu thụ sản phẩm.
Các gian hàng bày bán sản phẩm cam Sành được UBND huyện Vị Xuyên hỗ trợ kinh phí xây dựng tại km 31, xã Việt Lâm; giúp các hộ trồng cam tiêu thụ sản phẩm.

Niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, sau khi tỉnh triển khai cung cấp bao bì, tem, nhãn cho sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn VietGAP đã đưa giá bán cam Sành tăng từ 20 - 25%, đạt mức trung bình từ 13 - 15 nghìn đồng/kg. Từ đầu niên vụ cam 2017 – 2018 (giai đoạn cam chín từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch của năm sau), huyện Vị Xuyên tiến hành triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Sành đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như: Tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành huyện Vị Xuyên lần thứ nhất, năm 2017 vào cuối tháng 12 vừa qua; xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cam Sành đảm bảo chất lượng với 30 ki - ốt tại địa chỉ km 31, thôn Việt Thành, xã Việt Lâm; quản lý tốt công tác cấp tem, nhãn, bao bì cũng như kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người trồng cam.

Ông Lý Nam Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, cho biết: “Niên vụ cam 2017 – 2018, UBND huyện tập trung vào công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Sành Vị Xuyên đến đông đảo người tiêu dùng; đẩy mạnh hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. UBND huyện hỗ trợ xây dựng 30 gian hàng tại km 31, xã Việt Lâm để các hộ sản xuất cam VietGAP có địa điểm bán sản phẩm cam mà không phải đem bán lẻ ở các chợ như trước đây và người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh có địa chỉ tin cậy để mua sản phẩm cam Sành Vị Xuyên đảm bảo chất lượng. UBND huyện cũng tăng cường quản lý việc cấp tem, mác; yêu cầu các hộ sản xuất phải ký cam kết đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng…”.

Bài, ảnh:  NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân Xín Mần có thêm thu nhập từ cây sắn

BHG - Thực hiện chương trình hợp tác với huyện Mã Quan (Trung Quốc) về việc thu mua sản phẩm nông nghiệp, huyện Xín Mần đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT trồng thí điểm cây sắn tại 4 xã Nà Chì, Nấm Dẩn, Bản Díu và Cốc Rế. Theo đó, những diện tích đất canh tác ngô 1 vụ kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng sắn cao sản.

15/01/2018
Vườn cây ăn quả tiền tỷ ở Yên Minh

BHG - Vườn cây ăn quả của gia đình ông Vàng Mìn Pao, thôn khai hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh có diện tích gần 7ha. Trong vườn đang có khoảng 1.300 cây ổi, lê Đài Loan 2 năm tuổi, trên 300 cây hồng Không hạt Lục Yên 10 năm tuổi, trên 2 nghìn cây mít Thái, trong đó có 50 cây đã cho thu hoạch. Ngoài ra, trong vườn nhà ông còn nhiều loại cây ăn quả khác được trồng xen như đu đủ, xoài… 

15/01/2018
Một thoáng Đông Hà

BHG - Năm 2015, Đông Hà vinh dự trở thành xã đầu tiên của huyện Quản Bạ đạt chuẩn Nông thôn mới; hầu hết các tiêu chí cơ bản đều đạt theo quy định chung. Tại trụ sở làm việc, lãnh đạo xã Đông Hà cung cấp cho tôi nhiều vấn đề đáng lưu tâm cùng những "con số biết nói", trong đó có cả niềm vui và những điều băn khoăn, trăn trở.

15/01/2018
Hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX, doanh nghiệp

BHG - Ngày 12.1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX, doanh nghiệp thành viên của Liên minh HTX 7 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và đại diện, lãnh đạo Liên minh HTX 7 tỉnh nêu trên.

12/01/2018