Tháng Bảy, tri ân "khúc ruột" miền Trung

08:37, 12/07/2017

BHG - Những ngày tháng 7 lịch sử, khi khắp nơi trên dải đất chữ S thân thương đang có nhiều hoạt động thiết thực tri ân các Anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng; hòa trong nắng và gió trên trục Quốc 1A với biết bao dòng xe xuôi ngược, chúng tôi – những người làm báo nơi địa đầu Tổ quốc tìm về “khúc ruột” miền Trung, nơi “tỳ vai gánh hai đầu đất nước”, mảnh đất huyền thoại gắn với cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ cha anh - những con người đã không tiếc máu thịt, tuổi thanh xuân giành độc lập, tự do cho đất nước hôm nay.

Đoàn công tác Báo Hà Giang viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.     Ảnh: Hoàng Ngọc
Đoàn công tác Báo Hà Giang viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là Địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), nơi từng che chở, nuôi dưỡng hàng ngàn quân và dân Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt. Địa đạo nằm trong một quả đồi đất đỏ bazan sát bờ biển, cách bãi tắm Cửa Tùng khoảng 7 km về phía Bắc. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Vịnh Mốc là tiền đồn của miền Bắc và cũng là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong việc án giữ vùng biển Vĩnh Linh. Khi không quân và pháo binh Mỹ liên tục đánh phá ác liệt vào khu vực Vĩnh Linh, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho Miền Nam và đảo Cồn Cỏ Anh hùng, với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống dưới lòng đất. Họ đã kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo với mục đích bám trụ, bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu chi viện cho tiền tuyến.

Đặt chân lên công trình thế kỷ đặc biệt này, khom người đi theo sự hướng dẫn của thuyết minh viên, trong lòng chúng tôi ai nấy đều trào dâng một cảm xúc mãnh liệt. Trong địa đạo chật hẹp, thiếu ánh sáng, đến việc thở cũng cảm thấy khó khăn, vậy mà hàng nghìn người dân Vịnh Mốc, Vĩnh Linh đã sống và chiến đấu, tập kết, vận chuyển vũ khí, lương thực, cấp cứu thương binh ngay tại địa đạo chật hẹp này. Càng đi sâu vào lòng đất, hơi thở càng khó nhọc hơn, chúng tôi càng cảm nhận được sự kỳ vĩ, độc đáo của công trình này. Địa đạo gồm 3 tầng, có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10 m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15 m là nơi sống và sinh hoạt của dân làng; tầng 3 có độ sâu hơn 30 m là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ. Khoét dọc hai bên đường hầm là những căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Đây thực sự là một công trình trí tuệ và sự nỗ lực phi thường của quân và dân Vịnh Mốc. Ròng rã 18 tháng trời với 18.000 ngày công, trong mưa bom, bão đạn họ đã đào và vận chuyển 6.000 m3 đất đá để hoàn thành nên công trình kỳ vĩ và đặc biệt này. Trong gần 2.000 ngày đêm sống trong lòng địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc, Vĩnh Linh đã viết nên một huyền thoại về ý chí quả cảm và sức sống mãnh liệt, diệu kỳ của những con dân đất Việt.

Đoàn công tác Báo Hà Giang và du khách tham quan địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị). 				Ảnh: Hoàng Ngọc
Đoàn công tác Báo Hà Giang và du khách tham quan địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: Hoàng Ngọc

Thoát ra khỏi đường hầm từ cửa ra số 5, những ấn tượng về địa đạo dưới lòng đất còn đọng lại mãi trong tâm trí chúng tôi với đường hầm chật hẹp, thiếu không khí, ánh sáng nhưng nơi đây là minh chứng cho sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa, làng hầm huyền thoại vẫn ngày đêm truyền lại cảm hứng về niềm tin và ý chí mãnh liệt cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trên đường thiên lý Bắc – Nam, khắp dọc dài của đất nước có một địa điểm mà bất kỳ người con đất Việt nào cũng đều có ý nguyện ghé lại đó là Vũng Chùa, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ, thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang khoảng 6 km về hướng Đông Nam, nơi đây có địa thế cong hình cánh quạt, được bao bọc bởi ba đảo: Hòn La, Hòn Gió và đảo Yến nên khu vực biển Vũng Chùa khá kín gió. Vì vậy, dù hướng mặt ra biển Đông nhưng sóng ở đây không ào ạt xô bờ mà nhẹ nhàng như vỗ về bờ cát. Đoàn chúng tôi đặt chân đến Vũng Chùa khi trời đã quá trưa, nắng in trên đỉnh đầu khiến bóng tròn bẹt lại dưới chân, gió tây khô và nóng thổi rát mặt, bầu trời mênh mang xanh ngắt, nắng Hè tháng 7 tỏa rạng lên khu mộ vị tướng huyền thoại của dân tộc. Trước anh linh của Người, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm với tất cả tấm lòng thành kính. Đất nước thanh bình rồi, Bác yên nghỉ nhé! Đồi thông gió vẫn hát rì rào, sóng biển nhè nhẹ ru Người vào giấc ngủ, ngoài kia cây trái đã đơm hoa, trời lại xanh và biển vẫn hát...

Trải qua một chuyến đi dài và cái nắng nóng như thiêu đốt của miền Trung khói lửa, chúng tôi trở về nơi miền đá núi mang trong lòng niềm tin yêu và sự biết ơn vô hạn với thế hệ cha anh đã ngã xuống để đất nước hôm nay được “đơm hoa độc lập, kết trái tự do” và càng thêm yêu tha thiết, thêm tự hào về đất nước, con người Việt Nam. Xin hẹn tháng 7 năm sau nhé, “khúc ruột” miền Trung ơi!

Nguyễn Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công điện về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa lũ

BHG – Ngày 11.7, Báo Hà Giang Điện tử nhận được Công điện số 2679/CĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND tỉnh Điện: UBND – Ban chỉ huy PCTT và TKCC các huyện, thành phố; các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa lũ. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn nội dung Công điện.

11/07/2017
Đoàn Đại biểu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên

BHG - Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2017), sáng ngày 11.7, Đoàn Đại biểu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Đức Lâm – Chủ nhiệm Tổng cục, Anh hùng lao động đã đến viếng, đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. 

11/07/2017
"Kế hoạch hóa gia đình để nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh"

BHG - Ngày 11.7.1987, dân số thế giới chạm mốc 5 tỷ người; đến tháng 11.1989, tại Diễn đàn Dân số thế giới đã quyết định lấy ngày 11.7 hàng năm là "Ngày Dân số Thế giới" nhằm nhắc nhở các quốc gia về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ngày Dân số thế giới năm nay, với chủ đề "Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh" Quỹ Dân số Liên hợp quốc kêu gọi tiếp tục đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) với các mục tiêu xóa bỏ đói, nghèo cùng cực, sức khỏe tốt, cuộc sống hạnh phúc và bình đẳng giới.

11/07/2017
Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

BHG - Dù tỷ lệ thương tật lên đến 81%, khiến cơ thể mất đi một bên chân và chỉ còn một bên mắt; nhưng thương binh hạng ¼ Đỗ Văn Chính, tổ 11, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) đã trở thành tấm gương sáng, minh chứng cho phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ": Thương binh "tàn nhưng không phế".

11/07/2017