Ngỡ ngàng trước số lượng trống đồng cổ của miền di sản Cao nguyên đá Đồng Văn

16:32, 15/03/2013

HGĐT- Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hình ảnh chiếc trống đồng trở thành một biểu trưng cho tinh thần thống nhất và những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc. Âm thanh của những chiếc trống đồng đã đi suốt chiều dài dựng nước và giữ nước anh hùng.



Giám đốc Bảo tàng tỉnhÂu Văn Hợp đang kiểm tra những chiếc trống đồng cổ được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng tỉnh.

Từ thời kỳ Hùng Vương tiên tổ đến nay, có rất nhiều kiệt tác trống đồng được truyền lại với bao cảm xúc về nghệ thuật, tư duy của cha ông ta. Rất nhiều loại trống đồng được ra đời với nhiều kiểu dáng, cách thức trang trí, thể hiện khác nhau theo từng vùng miền xuôi, ngược. Có dịp đọc cuốn sách của tác giả Lò Giàng Páo mang tên “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang”, đồng thời được tay sờ, mắt thấy rất nhiều trống đồng đang được lưu giữ ở Hà Giang, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết được vùng Cao nguyên đá Đồng Văn lại là nơi đã và đang lưu giữ, là nơi phát tích của rất nhiều chiếc trống đồng cổ.


Trong cuốn sách “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang” của tác giả Lò Giàng Páo được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 1996 cho biết, Hà Giang là một trong những tỉnh phát hiện được nhiều trống đồng. Nhiều chiếc hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ở Nhà bảo tàng tỉnh Hà Giang và nhiều chiếc khác đang được lưu trữ trong dân. Trong số trống đồng cổ phát hiện từ 1945 đến nay, có đến hàng chục chiếc trống ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Cùng với rất nhiều trống đã được chỉ rõ, trong cuốn sách “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang” còn nêu thêm nhiều địa chỉ phát hiện lưu giữ trống đồng trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nhưng chưa được xác minh rõ. Địa bàn phát hiện được nhiều trống đồng cổ nhất mà tác giả Lò Giàng Páo nhắc đến là huyện Đồng Văn và Mèo Vạc với đa số trống đồng cổ được phát hiện tại đây.


Ngoài những trống đồng cổ đã được phát hiện, theo tác giả Lò Giàng Páo, có khả năng còn tìm thấy nhiều trồng đồng hơn nữa ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Những chiếc trống đồng cổ ở Hà Giang từ xa xưa và hiện nay được đồng bào các dân tôc như Lô Lô, Mông, Pu Péo, Bố Y, Nùng, Dao... lưu giữ, sử dụng như những báu vật linh thiêng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đồng bào các dân tộc đã cất giữ những báu vật của mình theo nhiều cách khác nhau để lưu truyền cho con cháu muôn đời. Qua nghiên cứu phân loại trống đã phát hiện ở Hà Giang, nhiều nhà nghiên cứu về trống đồng cổ đã chia ra làm 3 nhóm theo cách phân loại Hê-gơ gồm trống nhóm Hê-gơ I, trống nhóm trung gian Hê-gơ I – IV và trống nhóm IV. Nghiên cứu chức năng của các loại trống, một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, bước đầu ghi nhận 3 loại trống với 3 chức năng khác nhau theo quan điểm của các tộc người miền núi Hà Giang, đó là trống tế trời, trống củng thổ thần, trống tang ma.



              Một chiếc trống đồng cổ của miền Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trao đổi với đồng chí Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, được biết, hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản hơn 20 trống đồng cổ, trong đó có 12 chiếc khá đẹp và lành lặn được trưng bày để người dân thăm quan. Chiếm đa phần trong số trống đồng được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh đều có nguồn gốc từ Cao nguyên đá Đồng Văn. Các trống đồng cổ ở Bảo tàng tỉnh không chỉ để phục vụ trưng bày, nghiên cứu mà việc lưu giữ trong điều kiện ở đây cũng giúp cho việc bảo vệ những di sản này được tốt hơn. Cũng theo đồng chíu Văn Hợp, vùng Cao nguyên đá theo những thông tin của các nhà nghiên cứu và thực tế cho thấy trước đây có khá nhiều trống đồng được lưu giữ trong dân. Nhưng do nhiều yếu tố tác động như phong tục tập quán cất giữ, bị thất lạc, thậm chí là cả sự tác động của vấn đề sưu tầm cổ vật nên hiện nay trong dân gian rất ít còn lưu giữ trồng đồng. Hiện có thể xác định một số cặp trống cổ được cộng đồng dân tộc Lô Lô và một số hộ đồng bào lưu giữ đã được xác định cách đây khá lâu, nhưng trống đã rách, hư hỏng nhiều, không còn nguyên bản...


Nói về vai trò của trống đồng trong đời sống đồng bào, Giám đốc Bảo tàng  Âu Văn Hợp cho biết, hiện ở Hà Giang chỉ có người Lô Lô và người Bố Y còn sử dụng trống đồng trong một số nghi thức truyền thống. Còn với tác giả Lò Giàng Páo, ông cũng có quan điểm rất hay khi cho rằng, những chiếc trống đồng Hà Giang vẫn còn cuộc sống đương đại với các tộc người ở Hà Giang. Chúng chưa phải là những hiện vật đã chấm dứt cuộc sống của mình để bước vào cuộc sống mới trong các viện bảo tàng như các hiện vật khảo cổ khác... Quả thực, trong tiềm thức, trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc đang hoặc đã từng lưu giữ những chiếc trống đồng cổ, họ vẫn coi những di sản ấy là báu vật của cha ông. Từ đó, việc lưu giữ những báu vật ấy trong cộng đồng, dòng họ vẫn được nhiều nơi thực hiện.


Giữa cuộc sống đương đại, nhiều năm qua, trong không ít sáng tác thơ, văn, nhạc của nhiều văn nghệ sỹ về vùng Cao nguyên đá, âm hưởng của trống đồng đã trở thành một chất liệu sáng tác. Với chủ trương khôi phục lại những chiếc trống đồng, Ngành VHTT&DL đã từng tổ chức đúc lại trống đồng Lô Lô với một số cặp trống đồng được đúc mới, góp phần giúp đồng bào Lô Lô ở huyện Đồng Văn khôi phục lại bản sắc truyền thống. Đặc biệt, trong khi chúng ta đang tìm cách khơi dậy những tiềm năng của Cao nguyên đá Đồng Văn để bảo vệ cho chính vùng đất đặc biệt này thì vai trò của di sản trống đồng cổ càng trở nên quan trọng hơn. Từ đó, đòi hỏi các cấp, các ngành cần đầu tư, nghiên cứu, phát huy di sản trống đồng của cha ông để lại cũng như những nghi thức sinh hoạt liên quan đến trống đồng nhằm phục vụ cho sự phát triển của hiện tại, tương lai trên miền di sản Cao nguyên đá...


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn Khúc đón nhận Bằng Cây Di sản Việt Nam
HGĐT- Chưa bao giờ xã Văn Khúc quê tôi vào dịp đón xuân mới khắp thôn xómlòng người lại phấn khởi, nhộn nhịp tưng bừng như Xuân Quý Tỵ năm nay.
27/02/2013
Trò chặt mía trong hội xuân miền núi
Dùng dao cắt cây mía làm hai phần dài bằng nhau là thắng, trò chơi lạ lẫm thu hút hàng trăm người dân tộc thử sức khắp hội xuân miền núi tỉnh Hà Giang.
25/02/2013
Lễ hội Lồng Tồng xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên
HGĐT- Ngày 24.2 (tức ngày rằm tháng giêng 2013), tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên đã tổ chức lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là ngày hội xuống đồng và lễ dâng hương lên chùa Sùng Khánh. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống của nhân dân thôn Làng Nùng kể từ khi có ngôi chùa Sùng Khánh đến nay.
25/02/2013
Kết thúc Lễ hội chọi trâu xã Trung Thành năm 2013
HGĐT- Như tin đã đưa, sau 2 ngày từ 13 đến 14 tháng giêng năm 2013, trải qua 31 trận đấu đầy kịch tính, hấp dẫn, đặc biệt đã có cặp đấu kéo dài hơn một giờ đồng hồ mới phân thua thắng bại, đã mang lại nhiều cảm xúc cho đông đảo du khách thập phương. Vòng chung kết Lễ hội chọi trâu tại xã Trung Thành huyện Vị Xuyên đã thành công tốt đẹp và bế mạc vào trưa ngày 14 tháng Giêng.
25/02/2013