Thắng cố ở chợ phiên Đồng Văn

17:57, 20/02/2012

HGĐT- Cứ vào chủ nhật hàng tuần, là ngày chợ phiên của huyện Đồng Văn. Ngày chợ, cả trung tâm huyện đông vui nhộn nhịp hẳn lên, người dân trong vùng kéo nhau đến chợ, dòng người từ các ngả đường tuôn về chợ như dòng nước tràn về thung lũng. Người đi chợ thường là bán hoặc mua một cái gì đó, nhưng ở chợ Đồng Văn lại có cả những người không bán, không mua gì cũng đổ về chợ. Họ đi chợ như là một thú vui trong cuộc sống và đây cũng là một nét độc đáo mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.


 

 Niềm vui người ăn thắng cố.


Chợ Đồng Văn nói riêng và các chợ vùng cao nói chung đều mang một sắc thái riêng cho từng vùng miền, sắc thái này là nét văn hóa của các dân tộc mang đến chợ và tạo nên một văn hóa chợ đặc sắc. Trong hầu hết các phiên chợ nơi đây, được mọi người tập trung và lưu lại lâu nhất luôn là các gian hàng ăn uống. Bên chảo thắng cố nghi ngút khói, tiếng cười, nói râm ran, tiếng cốc chén chạm vào nhau lách cách, những ly rượu được rót ra “uống tràn cung mây”... Thắng cố ở chợ phiên Đồng Văn không nhiều, có phiên một chảo, phiên hai hoặc ba chảo. Dù nhiều hay ít thì chưa đến cuối chợ thắng cố đã hết, có hôm chưa qua mười giờ đã hết thắng cố. Không ít người đi chợ có vẻ buồn, tiếc vì chưa được ăn món ăn mà mình ưa thích. Thắng cố vốn là món khoái khẩu của người Mông, cách nấu cũng rất đơn giản, họ cho tất cả các bộ phận của con vật như trâu, bò, dê... sau khi đã được rửa sạch cho vào trong một cái chảo rồi cho nước vào đun sôi lên sùng sục, ai thích ăn cái gì thì lấy ra bát và sì sụp húp. Thắng cố thường được nấu vào những ngày lạnh giá, người ăn thắng cố ngồi xung quanh cái chảo trên bếp lửa, hơi ấm của lửa tỏa ra xua đi cái lạnh giá của mùa đông. Khi ăn thắng cố, ngoài những nét cơ bản về ăn uống, ta còn phải hiểu được cả về những nét văn hóa nữa thì khi ăn mới cảm nhận đầy đủ được từ hương đến vị đến những giá trị của cuốc sống và những khoảnh khắc quý báu nhỏ nhoi của đời người.


Thắng cố ở chợ phiên Đồng Văn lúc nào cũng đông khách, người đi chợ ăn thắng cố hình như không chỉ để thỏa cơn thèm mà còn mang một ý nghĩa khác. Nhiều người ngồi bên bát thắng cố mà cái ăn cũng chỉ là đưa đẩy mà họ ngồi tâm sự với nhau là chính, những câu chuyện của họ từ cũ đến mới, từ chuyện trong nhà, dòng họ, những kỷ niệm được sẻ chia, những kinh nghiệm làm ăn trong cuộc sống được dịp nhân rộng... người đi chợ ngồi bên bát thắng cố mà cái ăn không mấy mặn mà thì cái uống lại được họ đưa đẩy nhiều hơn. Những bát rượu được rót ra sóng sánh, thơm mùi ngô vụ mới, dậy mùi men ủ với lá rừng. Người đi chợ chẳng thấy ai uống rượu một mình, họ gặp bạn cũ, mừng tủi chia nhau chén rượu, họ gặp người thân lâu ngày do cách núi chưa thấy mặt cũng chia nhau chén rượu, chén rượu làm cho tình người vùng cao gần nhau hơn. Có lẽ vì vậy mà chén rượu và thắng cố được tôn vinh là nét văn hóa riêng của vùng cao, và cũng chỉ nơi đây mới có. Nếu bạn đã lên Cao nguyên đá Đồng Văn mà chưa được nhấp một ngụm rượu ngô men lá, chưa được ăn miếng thắng cố nóng bỏng môi thì coi như bạn chưa một lần đến với Đồng Văn. Thắng cố không chỉ là món ăn đặc sản của Đồng Văn mà nơi khác không có, mà bạn còn chưa thấm được nét văn hóa đặc sắc có sức sống hàng triệu năm được lưu truyền từ rất xa xưa đến bây giờ...


Chợ phiên Đồng Văn họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, thắng cố được bày bán trong chợ từ nửa buổi sáng đến khi hết hàng mới về. Nếu bạn là người chưa một lần được ăn thắng cố Đồng Văn thì rất đáng để bạn đến đó nếm thử. Còn nếu bạn đã được ăn rồi thì tin chắc rằng hương vị của món ăn, tình người, tình chợ sẽ thôi thúc bạn không dễ gì mà lãng quên cho được. Bạn hãy nếm lại món thắng cố đó mà xem, bạn sẽ có nhiều cảm nhận mới khác hẳn với lần đâu tiên bạn thưởng thức. Biết đâu một ngày nào đó thắng cố sẽ trở thành món khoái khẩu của bạn cũng nên!


NGUYÊN BÌNH (TAND huyện Đồng Văn)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ hội Chọi trâu huyện Quang Bình lần thứ 2
HGĐT- Trong 2 ngày 28 và 29.1.2012 (tức mồng 6 và 7 Tết Nguyên đán), huyện Quang Bình đã tổ chức Lễ hội Chọi trâu lần thứ 2 năm 2012.
30/01/2012
Xã Hồ Thầu tổ chức văn nghệ, thể thao đầu Xuân
HGĐT- Mặc dù trời rét buốt của ngày một Tết Nhâm Thìn, các đội nghệ thuật của bốn thôn: Quang Vinh, Hô Sán, Tân Minh và Trung Thành vẫn đến đông đủ và đúng 9h sáng buổi diễn văn nghệ thể thao của xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì đã khai mạc.
30/01/2012
Nô nức ngày khai hội ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
Ngày mùng 6 Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, hàng vạn du khách trong và ngoài nước cùng các tăng ni phật tử đã nô nức tham gia lễ hội tại chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.
29/01/2012
Sở VHTT&DL triển khai nhiệm vụ 2012
HGĐT- Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa triển lãm tỉnh, Sở VHTT&DL tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2011 và triển khai nhiệm vụ 2012.
20/02/2012