Nặm Nịch bình yên ở dải biên cương

09:38, 14/10/2019

BHG - Thôn Nặm Nịch cách trung tâm xã Thanh Đức (Vị Xuyên) 12 km, mảnh đất yên bình nằm ẩn mình dưới đỉnh 1509 là chốn mưu sinh của 53 nóc nhà đồng bào dân tộc Dao áo dài, những người nông dân chân chất kiên gan bám đất biên giới từng ngày.

Đường vào thôn Nặm Lịch.
Đường vào thôn Nặm Nịch.

Đường vào Nặm Nịch hoàn toàn đất đỏ, vượt qua chiếc cầu treo rải ván đung đưa dẫn vào thôn là hơn 11 km đường dốc đất. Thôn Nặm Nịch 100% người dân tộc Dao, sinh sống lâu đời trên mảnh đất này. Thôn Nặm Nịch nằm biệt lập với trung tâm xã đường đi lại vất vả nhưng lại có nhiều hộ có kinh tế khá của xã Thanh Đức, thảo quả và chè là 2 cây chủ lục đã từng bước giúp bà con Nặm Nịch có đời sống no ấm và những ngôi nhà mới khang trang.

Trò chuyện với Trưởng thôn Trần Văn Liền, được anh kể lại rằng cha ông đã sinh sống trên mảnh đất này từ lâu lắm. Những năm 1984 cả làng phải đi sơ tán đến tận xã Đường Hồng (Bắc Mê), mãi tới năm 1991 mới rồng rắn nhau trở về bản, lúc ấy chỉ có 12 hộ, những mảnh nương lại được phát cỏ, thửa ruộng bậc thang lại được khởi nước ươm những vụ mùa bội thu thóc đầy bồ. Hơn 20 năm, giờ bản đã có 53 nóc nhà, những thửa ruộng cũng rộng hơn, bám chân núi dưới đỉnh 1509 lịch sử.

Trưởng thôn Trần Văn Liền hướng về đỉnh 1509.
Trưởng thôn Trần Văn Liền hướng về đỉnh 1509.

Người dân nơi đây cần cù, chăm chỉ, từng ngày cuộc sống bà con đang khá lên, những ngôi nhà tạm đang được thay dần bằng những nhà sàn bê tông kiên cố. Để làm được nhà bê tông ở mảnh đất giáp biên này chẳng hề đơn giản, một xe gạch, xe cát có giá gần gấp đôi so với ở trung tâm xã. Như lời trưởng thôn Trần Văn Liền nói: Đường vào bản khó lắm, mùa mưa kéo dài nữa thì cả bản không có muối ăn đấy. Nhưng để có đời sống ổn định trên mảnh đất quê hương, bà con mỗi năm làm ăn được đều tích góp làm nhà ở kiên cố khang trang. Anh Bồn Văn Gều vui vẻ nói: Một năm làm nhà 3 năm làm vách, năm ngoái anh vừa làm xong tầng 1 của ngôi nhà sàn bê tông, làm dần ở dần thôi, hết năm nay có tiền thảo quả, chè thì mình lại làm tiếp tầng trên lúc đó yên tâm hơn rồi. Muốn đời sống khá hơn, anh Gều phát triển chăn nuôi trâu, năm 2017 anh quyết định vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để chăn nuôi trâu sinh sản. Giờ đàn trâu của gia đình đã phát triển lên 7 con hi vọng sẽ khá hơn nữa trong những năm tiếp theo. Thôn còn 22 hộ nghèo, những hộ còn khó khăn được bà con bỏ ngày công về giúp lúc dựng nhà dần dần cũng có chỗ ở chắc chắn yên tâm làm ăn.

Nặm Nịch là thôn biên giới có an ninh tốt, cuộc sống thanh bình, bà con đoàn kết nên ít có những tranh chấp xảy ra. Va chạm nhỏ xảy ra đều được tổ an ninh thôn đứng ra giải quyết êm thấm khi được phát hiện. Gần biên giới như thế mà không có chuyện người dân bỏ làng sang nước bạn làm thuê. Tổ an ninh thôn Nậm Nịch làm việc tốt đấy anh phóng viên ạ, lâu lâu lại có đoàn công an huyện lên chụp ảnh về làm gương kiểu mẫu mà. Anh Liền nói trong khi nhấp chén chè xanh nước mùa Thu. Bà con người Dao Nậm Nịch sống quây quần bên dưới đồi chè cha ông để lại, để bà con cùng giữ đất. Năm 2012, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313 đã vận động thôn di dãn dân và lập thêm xóm mới ở phía chân núi giáp đường biên. Mỗi hộ di dãn được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, và canh tác trên những nương ngô, thửa ruộng bậc thang của gia đình. Xóm mới có 12 nhà được dựng lên, họ kiên cường bám đất chăm chỉ làm ăn tích cóp từng ngày.

Mùa này Nặm Nịch rực trong sắc vàng của lúa chín, những thửa ruộng bậc thang đang tỏa ra màu của ấm no. Với người Dao áo dài không gì yên tâm bằng những bao thóc chất đầy trong nhà, chỉ thế họ mới yên cái bụng đi làm thuê, làm chè để có tiền giúp cho đời sống khá hơn và giữ đất lành cha ông để lại.

Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bồng bềnh mùa vàng trên dải Tây Côn Lĩnh

BHG - Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên dải Tây Côn Lĩnh thuộc địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên là thời điểm các thửa ruộng bậc thang chín vàng. Những thửa ruộng bậc thang như một kiệt tác của sức lao động của đồng bào các dân tộc, tạo điểm nhấn đặc biệt để hút khách du lịch. Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách chỉ mất chừng 30 - 40 phút đi xe máy hoặc ô tô là đã có thể đặt chân đến các thôn vùng cao các xã Phương Thiện...

30/09/2019
Cô giáo Nhữ Thị Yến miệt mài "gieo chữ" nơi biên giới

BHG - Yêu nghề, mến trò; gần 10 năm đứng trên bục giảng nơi vùng cao biên giới, cô Nhữ Thị Yến, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn (Nàn Xỉn - Xín Mần) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... 

 

30/09/2019
Dấu ấn "Trên những bậc thang vàng"

BHG - Tuần văn hóa du lịch "Qua những miền di sản Ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì lần thứ V với chủ đề: "Trên những bậc thang vàng" đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Qua 5 mùa tổ chức, với những hoạt động phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã và đang trở thành điểm nhấn...

27/09/2019
Ghi từ Hội thi

BHG - Sau hai ngày tranh tài sôi nổi, Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2019 đã khép lại. Hội thi đã tạo dấu ấn tốt đẹp, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, theo dõi; tạo sân chơi bổ ích để đội ngũ báo cáo viên các cấp trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng tuyên truyền miệng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 

13/10/2019