Chuyện đi tour của những chàng trai ở bản!

16:09, 11/10/2019

BHG - Những năm qua, Hà Giang trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất cả nước. Nắm bắt nhu cầu đi du lịch của khách, đặc biệt là khách nước ngoài, ở không ít làng bản còn khó khăn, nhiều chàng trai người Tày, Dao sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, các trường chuyên nghiệp chưa có việc làm đã mạnh dạn rời bản theo nghề đi… tour (đưa khách đi du lịch) với hành trang là chiếc xe máy và niềm đam mê!.

Chuyện đi tour ở bản người Tày

Bản Thẳm, xã Kim Thạch (Vị Xuyên) có 67 hộ với gần 300 khẩu người Tày, bản vẫn còn hộ nghèo và cận nghèo. Nơi đây từng có không ít thanh niên sau khi học xong THPT, thậm chí có bằng đại học vẫn chưa có việc làm. Thế nhưng vài năm qua, có gần 20 thanh niên, trong đó có em có tiếng là nghịch ngợm bỗng sắm xe máy xịn, chủ yếu là xe hiệu Exiter, giá đến 50 triệu đồng/chiếc để đi tour. Mới đầu thấy thanh niên đeo ba lô, phi xe ra thành phố Hà Giang mấy ngày lại về, có người lo lắng bảo đám thanh niên lại đua đòi rồi. Thế nhưng một ngày, người Bản Thẳm tận mắt thấy những thanh niên ấy dẫn mấy cô gái nước ngoài, da trắng như trứng gà bóc về bản chơi, hỏi ra mới biết, họ được khách Tây thuê dẫn đi tour.

Nguyễn Văn Nghiệp (người đội mũ bảo hiểm), chàng trai người Tày ở Bản Thẳm cùng các bạn đưa khách đi tour tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú
Nguyễn Văn Nghiệp (người đội mũ bảo hiểm), chàng trai người Tày ở Bản Thẳm cùng các bạn đưa khách đi tour tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Ảnh: CTV

Nguyễn Văn Nghiệp, chàng trai người Tày sinh năm 1991 tại Bản Thẳm. Tốt nghiệp trung cấp điện dân dụng, loay hoay không tìm được việc làm, nhưng tình cờ, có người quen ở thành phố Hà Giang nhờ chở khách Tây đi tour vùng cao. Đi một lần, hai lần, dần dần việc dẫn khách đi tour trở thành nghề của Nghiệp lúc nào không hay. Giờ Nghiệp là người có thâm niên đi tour nhất ở Bản Thẳm. Nghiệp cho biết: “Mình và anh em ở Bản Thẳm đi tour cho khách do các công ty lữu hành, homestay trong tỉnh giới thiệu. Người đi trước rủ người đi sau, đến nay không chỉ ở Bản Thẳm mà ở nhiều làng, bản cũng có người đi tour đấy”.

Phóng viên trao đổi với bạn Nguyễn Văn Nghiệp, người đi tour ở Bản Thẳm
 

Ở Bản Thẳm, Nguyễn Đình Khuyến, chàng trai Tày chất phác sinh năm 1986, dù có bằng đại học Lâm nghiệp trong tay nhưng không tìm được việc làm. Khuyến cho biết: “Hơn 2 năm trước, qua bạn bè giới thiệu, tôi bắt đầu đi tour, ban đầu đi trong tỉnh, dần dần đi ngoài tỉnh. Giờ đang là mùa du lịch, không có thời gian nghỉ, hết tour này lại đi tour khác. Mỗi tour đi từ 2 – 3 ngày, có tour đi cả tuần. Đi tour là nghề vất vả, nhưng bù lại được biết đây biết đó”. Khuyến cũng cho biết, nếu đi đều, trừ chi phí cũng kiếm trên 10 triệu đồng/tháng. Khách đi tour chủ yếu là từ Pháp, Mỹ, Hà Lan, Ốt trây lia, Ít xa len… Để đi tour, người đi cần phải học chút tiếng Anh giao tiếp, hiểu chút thói quen ứng xử của khách phương Tây. Tiếng Anh không cần giỏi, có thể học dần hoặc dùng điện thoại dịch để trao đổi với khách.

Đi tour – cơ hội giải quyết việc làm và phát triển du lịch ở Hà Giang

Du lịch Hà Giang phát triển, nghề đi tour hình thành giúp nhiều thanh niên ở các làng, bản có việc làm. Vì thế thời gian qua, từ thành phố Hà Giang đến các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc…, không ít chàng trai Tày, Dao ở các làng, bản nắm bắt cơ hội đi tour. Qua tìm hiểu được biết, giá đi tour bằng xe máy trong tỉnh từ 400.000 – 600.000đ/ngày, tùy tour; khách đi phải đổ xăng, bao ăn cho người đi tour, nếu ấn tượng khách còn thưởng thêm cho người đi tour.

Lý Hồng Thiệp (đứng giữa), chàng trai người Dao ở thôn Nà Thác, xã Phương Độ, T.p Hà Giang cùng bạn dẫn khách Thụy Điển đi tour Cao nguyên đá
Lý Hồng Thiệp (đứng giữa), chàng trai người Dao ở thôn Nà Thác, xã Phương Độ, T.p Hà Giang cùng bạn dẫn khách Thụy Điển đi tour Cao nguyên đá

Hoàng Su Phì là điểm du lịch hấp dẫn với ruộng bậc thang đẹp nức tiếng, vì thế hoạt động đi tour khá sôi động. Anh Triệu Vằn Khuôn, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND xã Thông Nguyên, cho biết: “Toàn xã hiện có trên 30 thanh niên người Dao đi tour. Từ khi xã có Khu du lịch sinh thái Pan hou và một số homestay, thanh niên đã biết chở khách nước ngoài đi tour, đến nay nhiều người coi đi tour là nghề rồi đấy. Không đòi hỏi bằng cấp, nhiều người học hết cấp 2 là có thể đi tour cho khách Tây. Đến mùa nước đổ, mùa lúa chín khách đông, người đi tour bận không có ngày nghỉ”.

Anh Nguyễn Việt Tuân, Trưởng Phòng Văn hóa - thông tin huyện Hoàng Su Phì, cho biết: “Để tạo việc làm cho thanh niên, từ năm 2017 được Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, huyện triển khai Dự án tạo sinh kế cho người dân thông qua phát triển du lịch. Dự án hỗ trợ tập huấn kỹ năng đi tour cho 49 thanh niên người Dao, Tày ở các xã Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Nam Sơn. 10 thanh niên khó khăn còn được hỗ trợ vay vốn mua xe máy đi tour. Đến nay, đội đi tour được mở rộng ra nhiều xã trong huyện, chuyên nghiệp không kém gì ở Sapa, Lào Cai”.

 

Trên đường lên Cao nguyên đá, chúng tôi gặp đôi bạn nữ đến từ Thụy Điển là Sophia và Jennny được Lý Hồng Thiệp, chàng trai người Dao ở thôn Nà Thác, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang dẫn đi tour. Sophia cho biết, rất hài lòng vì Thiệp lịch sự, nhẹ nhàng và chu đáo. Dù không nói được nhiều tiếng Anh, nhưng chỉ cần nhìn ký hiệu là mọi người có thể hiểu được ý Thiệp.

Nói về nghề mới ở xã mình, anh Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Thạch, cho biết: “Hiện nay ở khu vực nông thôn, không ít thanh niên còn loay hoay tìm việc làm, một số có nguy cơ dẫn đến chơi bời, tệ nạn. Vì thế, đi tour phục vụ du lịch là cơ hội rất tốt. Hà Giang là điểm du lịch nổi tiếng, nghề đi tour càng có cơ hội phát triển hơn”.

Phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững” “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm” là 2 trong số 5 “Chương trình trọng tâm” của Nghị quyết Đại hội XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Đảng bộ tỉnh và chắc chắn sẽ tiếp tục là mục tiêu quan trọng của tỉnh thời gian tới. Nghề đi tour dù còn mới mẻ, nhưng rất phù hợp với các bạn trẻ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cũng như giải quyết việc làm ở Hà Giang. Để giúp các bạn trẻ tiếp cận với nghề đi tour, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng, các địa phương thông qua tập huấn kỹ năng đi tour, dạy tiếng Anh giao tiếp, ưu đãi vốn vay mua phương tiện nhằm khuyến khích thanh niên tham gia. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên các dân tộc ít người ngay tại mảnh đất quê hương.

                                                                             Phóng sự: Huy Toán

Một số yêu cầu với nghề đi tour

Theo những người có kinh nghiệm đi tour, nghề này cần có những kỹ năng cơ bản, như: Có sức khỏe tốt và đam mê đi tour; thông thạo địa hình, phong tục, tập quán địa phương; phải đầu tư xe máy khỏe và bắt mắt cùng một số trang bị đảm bảo an toàn cho khách. Đặc biệt người đi tour phải có tính trung thực, vui vẻ, nhanh ý, hiểu khách; có những kỹ năng bảo vệ khách; cần có tiếng Anh giao tiếp cơ bản…

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bồng bềnh mùa vàng trên dải Tây Côn Lĩnh

BHG - Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, trên dải Tây Côn Lĩnh thuộc địa bàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên là thời điểm các thửa ruộng bậc thang chín vàng. Những thửa ruộng bậc thang như một kiệt tác của sức lao động của đồng bào các dân tộc, tạo điểm nhấn đặc biệt để hút khách du lịch. Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách chỉ mất chừng 30 - 40 phút đi xe máy hoặc ô tô là đã có thể đặt chân đến các thôn vùng cao các xã Phương Thiện...

30/09/2019
Cô giáo Nhữ Thị Yến miệt mài "gieo chữ" nơi biên giới

BHG - Yêu nghề, mến trò; gần 10 năm đứng trên bục giảng nơi vùng cao biên giới, cô Nhữ Thị Yến, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nàn Xỉn (Nàn Xỉn - Xín Mần) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... 

 

30/09/2019
Gieo mùa hoa trên Cao nguyên đá

BHG - Chuẩn bị Lễ hội Hoa Tam giác mạch, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã nằm dọc tuyến Quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176, đường liên xã... khẩn trương làm đất, gieo trồng hoa Tam giác mạch. Theo kế hoạch, năm nay huyện Mèo Vạc trồng 50 ha hoa Tam giác mạch ở 8 xã, thị trấn gồm: Pả Vi, Pải Lủng, Khâu Vai, Tả Lủng, Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn, thị trấn Mèo Vạc và được chia thành 2 đợt: Đợt 1 trồng từ ngày 20 – 22.9, dự kiến hoa nở rộ từ ngày 10 – 20.11

27/09/2019
Lễ hội Nàng Hai trong đời sống đồng bào Tày Ngạn

BHG - Đến xã Vô Điếm (Bắc Quang) những ngày này, chúng tôi được hòa mình với nhịp sống bận rộn, khẩn trương nhưng rất háo hức, vui tươi của bà con - họ đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Nàng Hai (Lễ hội Cầu Trăng). Trên địa bàn huyện Bắc Quang, người Tày Ngạn sinh sống tập trung ở thôn Lâm, xã Vô Điếm với 151 hộ, 556 khẩu; có trên 100 khẩu sống rải rác tại các thôn khác trong xã. Người Ngạn khi di cư đến Việt Nam...

27/09/2019