"Giằng co" việc xây tường biên giới: Chính phủ Mỹ vẫn ngừng hoạt động

09:19, 10/01/2019

Tổng thống Trump dọa tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, trong khi phe Dân chủ cáo buộc ông đang biến Mỹ thành con tin về việc xây tường biên giới.

Bế tắc trong đàm phán nhằm đưa Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại vẫn tiếp diễn sau cuộc gặp thứ 3 diễn ra hôm qua (9/1) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các nghị sĩ đảng Dân chủ liên quan đến khoản chi cho xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” tại khu vực biên giới Mỹ - Mexico trong khi phe Dân chủ cáo buộc ông Trump đang biến nước Mỹ thành con tin cùng với kế hoạch xây dựng bức tường biên giới. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tham dự cuộc gặp tại Nhà Trắng với giới lãnh đạo nghị sĩ của đảng Dân chủ liên quan đến thỏa thuận về khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Tuy nhiên, ông đã sớm bỏ ra ngoài và hai bên đã chấm dứt cuộc gặp mà không đạt được bất kỳ nhất trí nào dù tình trạng chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần đã bước sang ngày thứ 19. Trên trang Twitter cá nhân sau đó, Tổng thống Mỹ khẳng định cuộc gặp tại Nhà Trắng này là “hoàn toàn lãng phí thời gian”.

Trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Mỹ từng nhấn mạnh, ông có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng bức tường biên giới phía Nam nếu không đạt được thỏa thuận với Quốc hội Mỹ về việc cấp ngân sách 5,7 tỷ USD cho kế hoạch này. Sở dĩ ông không tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bài phát biểu trên truyền hình một ngày trước đó vì ông cho rằng vẫn còn khả năng đạt thỏa thuận với Quốc hội. Tổng thống Mỹ nói:

“Tôi hoàn toàn có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu tôi muốn. Tuy nhiên, chúng tôi phải nghĩ về người dân Mỹ và làm những điều đúng đắn ở biên giới và những khu vực khác. Đây không phải là cuộc chiến mà tôi mong muốn. Tôi không muốn có cuộc chiến này song chúng tôi phải làm những điều đúng đắn ở biên giới.

Về phía phe Dân chủ, trả lời báo giới bên ngoài Nhà Trắng, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã nói rằng Tổng thống Donald Trump đã “đập bàn” và ra khỏi phòng khiến cuộc gặp kết thúc.

Trong khi, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thì nói rằng, “không có gì để thương lượng”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Donald Trump đang biến nước Mỹ thành con tin cùng với kế hoạch xây dựng bức tường biên giới:

“Thực tế là Tổng thống hoàn toàn có thể kết thúc việc Chính phủ phải đóng cửa và mở lại Chính phủ trong ngày và ông ấy nên làm vậy. Tuy nhiên, thay vào đó, ông ấy lại đang biến người dân Mỹ làm con tin với khoản chi trả cho bức tường biên giới không hiệu quả và đắt đỏ, đồng thời khiến nhiều người lao động Mỹ không được trả lương.”

Trong một diễn biến có liên quan, ngay sau khi đàm phán không mang lại kết quả, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói rằng, đảng Dân chủ dự kiến hoàn thành kế hoạch thông qua 4 dự luật chi tiêu riêng lẻ để chuyển đến Thượng viện trong 3 ngày tới nhằm giúp chính phủ sớm hoạt động trở lại. Về phía Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định Tổng thống Donald Trump, chỉ nói “tạm biệt” sau khi bà Pelosi từ chối yêu cầu của ông về vấn đề bức tường biên giới. Theo Phó Tổng thống Mike Pence, phía đảng Dân chủ “không sẵn sàng thương lượng”. Ông cũng cho biết khả năng tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” vẫn nằm trong tính toán của Tổng thống, nhưng Tổng thống vẫn muốn “Quốc hội nên làm việc của họ”.

Bất chấp những động thái được xem là trấn an dư luận từ Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, một thực tế có thể thấy là tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ vẫn tiếp diễn trong những ngày tới. Bởi lẽ, mấu chốt vẫn nằm ở khoản ngân sách 5,7 tỷ USD cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới chưa được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận, khoảng 800.000 công nhân viên chức Chính phủ sẽ không nhận được khoản lương đầu tiên trong tuần này. Trong khi nhiều người đang trong quá trình nghỉ phép vẫn không được hưởng lương kể từ ngày 22/12 vừa qua. Nếu tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ còn tiếp diễn đến hết cuối tuần, đây sẽ là lần đóng cửa Chính phủ lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo: VOV.VN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân thế giới chuẩn bị chào đón năm mới

Người dân trên khắp thế giới đang có những hoạt động chuẩn bị cho thời khắc giao thừa đón năm mới 2019. Tục đốt hình nộm ở Colombia, hòa nhạc ở Áo hay thả bóng bay ở Brazil là các hoạt động chào đón năm mới của người dân khắp thế giới.

31/12/2018
Ông Kim Jong Un viết thư gửi thông điệp năm mới cho Hàn Quốc

Theo thông báo từ Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, ông Kim bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể thực hiện chuyến thăm đã lên lịch tới Seoul (Hàn Quốc) vào cuối tháng 12 này. Đây vốn dĩ là lời hứa khi hai lãnh đạo gặp nhau ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9 qua.

30/12/2018
Vụ 152 du khách Việt "mất tích" ở Đài Loan: Ngoài 2 DN liên quan, còn một cá nhân khác cần xác minh

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp liên ngành Du lịch - Công an kéo dài tối qua (27/12). Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, tính tới chiều qua, đã có 11 trong tổng số 152 du khách Việt Nam được cho là mất tích tại Đài Loan (Trung Quốc) bị cơ quan chức năng Đài Loan tạm giữ để phục vụ công tác điều tra...

28/12/2018
Đài Loan cử đội đặc nhiệm tìm kiếm 152 du khách Việt Nam "mất tích"

Đội đặc nhiệm của Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA) tại thành phố Cao Hùng đã xác định hành trình của 152 du khách Việt "mất tích" và đang tiến hành tìm kiếm. Đây là thông tin từ hãng Thông tấn Đài Loan (CAN). Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ông Nguyễn Anh Dũng, cho biết, hiện văn phòng đang liên hệ với các cơ quan chức năng của Đài Loan để làm rõ sự việc...

27/12/2018