Để “sao” OCOP sáng hơn

15:13, 03/01/2024

BHG - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều góc khuất cần “bù sáng” để “sao” OCOP sáng hơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 157 sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 3 sản phẩm 4 sao và 152 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp 25 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu dùng chung. Trong đó, 8 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) gồm: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, thịt bò Vàng, cam Sành, gạo tẻ Già Dui, Hồng không hạt, cá Bỗng, Thảo quả. Các sản phẩm này đã được xây dựng bộ công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý, khai thác và xúc tiến thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Từ đó, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới (NTM).

Các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Thực tế cho thấy, sao OCOP không chỉ là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường mà còn là tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, năm 2023, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thay đổi, có tiêu chí bắt buộc, khắt khe hơn ở từng cấp độ sao với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, định hướng sản phẩm đến thị trường nước ngoài. Bởi vậy, chủ thể sản xuất khó đáp ứng được các điều kiện của sản phẩm 4, 5 sao do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Trong tổng số 73 sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP năm 2023 chỉ có duy nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao do cấp tỉnh công nhận, 72 sản phẩm còn lại đạt 3 sao do cấp huyện công nhận và không có sản phẩm đánh giá lại được nâng hạng sao.

Ngoài ra, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ bao gồm logo, tên nhãn hiệu hàng hóa dùng chung còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý từ khâu lập hồ sơ đăng ký, như: Chưa quy định rõ về tỉ lệ, kích thước, tỉ lệ logo kèm theo chữ, hình ảnh dùng chung trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa làm cho người tiêu dùng khó nhận diện thương hiệu. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương còn tình trạng sử dụng nhiều nhãn hiệu thông thường mang tên riêng và địa danh khác nhau cho cùng một sản phẩm đặc trưng. Trong đó, có sản phẩm được cấp quyền sử dụng logo CDĐL nhưng logo này được sử dụng đồng thời với nhãn hiệu thông thường làm cho người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm được bảo hộ CDĐL; có sản phẩm sử dụng nhãn hiệu thông thường, mặc dù cũng là sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh nhưng không thuộc phạm vi bảo hộ CDĐL hoặc thuộc phạm vi nhưng không đủ điều kiện để cấp quyền sử dụng CDĐL. Thực tế này khiến công tác quản lý và phát triển thương hiệu dùng chung thiếu thống nhất.

Đại diện Công ty TNHH Thành Sơn giới thiệu sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP cho cán bộ Trung tâm Khuyến công xúc tiến Công thương Hà Giang.
Đại diện Công ty TNHH Thành Sơn giới thiệu sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP cho cán bộ Trung tâm Khuyến công xúc tiến Công thương Hà Giang.

Hiện nay, toàn tỉnh có 117.881 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (TMĐT); 100% sản phẩm OCOP đăng tải trên sàn TMĐT. Tuy nhiên, hoạt động quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm này còn hạn chế. Số lượng sản phẩm được đăng tải và tài khoản mở trên các sàn TMĐT nhiều nhưng phát sinh giao dịch và giá trị giao dịch còn khiêm tốn, mới chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu, quảng bá. Bên cạnh đó, nguồn vốn của đại đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp là vốn tự có nên việc mở rộng sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn...

Xác định OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Do đó, tỉnh ta đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng hạng sao OCOP như: Tập trung phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Vận động chủ thể sản phẩm OCOP nâng cấp thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại để tập trung nâng cao chất lượng, thứ hạng sao cho những sản phẩm mới và sản phẩm đã được cấp giấy nhận đạt sao OCOP trước đó. Đồng thời, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp xã trong triển khai chương trình OCOP. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện, định hướng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường quản lý, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP. Còn Nhân dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương để cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với quyết tâm chính trị trên, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó, có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 20% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình OCOP; 10% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Bài, ảnh: Thu Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh chú trọng phát triển sản phẩm OCOP
BHG - Thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, huyện Yên Minh tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP, đưa nông sản địa phương vươn xa.
29/11/2022
Huyện Đồng Văn có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên
BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh. Đến nay, qua rà soát phát triển mới, huyện Đồng Văn đã có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
28/06/2022
Khai mạc Không gian giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với công bố kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2022
BHG - Nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ VIII, tối 25.11, tại Quảng trường 26.3, Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Lễ khai mạc Không gian giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của tỉnh gắn với công bố kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang năm 2022.
26/11/2022
Vị Xuyên đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
BHG - Thời gian qua, huyện Vị Xuyên triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.
26/08/2022