Khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn xa

16:20, 24/01/2023

 - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, từ một cái tên xa lạ – OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trở nên gần gũi, quen thuộc đối với người sản xuất và tiêu dùng. Điều này cho thấy, OCOP đã trở thành hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, khẳng định vị thế, thương hiệu nông sản đặc trưng trên dải đất biên cương cực Bắc.

 Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP.

Tháng 3.2018, tỉnh ta bắt đầu triển khai chương trình OCOP nhằm tập trung phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội sinh, gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. Đến nay, tỉnh ta có 270 sản phẩm OCOP của 138 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ; vải, may mặc; dịch vụ du lịch và bán hàng. Các sản phẩm OCOP được tôn vinh đều là những sản phẩm tiêu biểu, đảm bảo chất lượng, làm đa dạng, phong phú sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tạo sức hấp dẫn riêng cho mảnh đất biên cương cực Bắc. Trong đó, 221 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 47 sản phẩm 4 sao và đặc biệt có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.

Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Hải Khang (Bắc Quang) được gắn tem QR code, giúp tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Hải Khang (Bắc Quang) được gắn tem QR code, giúp tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Để “chắp cánh”, đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh ta triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể từ khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết cổ thụ... đã khẳng định uy tín, thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường trong nước khi được bày bán tại các siêu thị lớn: VinMart, BigC, Hapro, Saigon co.op. Đặc biệt, năm 2021 tỉnh ta lần đầu tiên có 2 sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) là Trà xanh, Hồng trà (hộp 100gr) được Bộ Nông nghiệp và PTNT tôn vinh sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Không chỉ chinh phục khách hàng trong nước, các sản phẩm OCOP của HTX còn vươn xa đến thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Đức…

Các sản phẩm mật ong Bạc hà đạt tiêu chuẩn OCOP được người dân thành phố Hà Giang tin tưởng lựa chọn.
Các sản phẩm mật ong Bạc hà đạt tiêu chuẩn OCOP được người dân thành phố Hà Giang tin tưởng lựa chọn.

Cùng với kết quả trên, tỉnh ta còn huy động sự hợp tác của doanh nghiệp cung cấp nền tảng số như: Tập đoàn FPT, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Giang để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX mở gian hàng trực tuyến, đưa 100% sản phẩm OCOP lên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (dacsanhagiang.net), Sendo, Voso, Postmart, Shop VnExpress. Chị Nguyễn Ánh Vân, đại diện Công ty TNHH Trường Anh, xã Lũng Phìn (Đồng Văn) chia sẻ: Hiện, Công ty có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn lọ 300 ml và 500 ml. Việc xây dựng thành công thương hiệu OCOP cho sản phẩm mật ong Bạc hà giúp chúng tôi khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường. Với tổng đàn ong lên đến 2.000 tổ, trung bình mỗi năm, chúng tôi xuất bán ra thị trường hơn 3.000 lít mật, tạo doanh thu hàng tỷ đồng và giúp nhiều lao động địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, những năm gần đây, chúng tôi được hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên các Sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp khi có thêm kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới, hiện đại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bánh chưng gù truyền thống thôn Chang, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bánh chưng gù truyền thống thôn Chang, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm tạo ra từ chương trình OCOP có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với nét văn hóa truyền thống, điều kiện tự nhiên riêng có của Hà Giang. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm OCOP nơi miền cực Bắc chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển trên cơ sở phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới bền vững, đi vào chiều sâu.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

OCOP thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế nông thôn
BHG - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ tại huyện Bắc Quang đã trở thành giải pháp quan trọng để kinh tế nông thôn bứt phá theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị nông sản địa phương. Qua đó, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).
24/01/2023
Ấm no về trên những mảnh vườn “Xuân”
 -  Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã thổi “luồng sinh khí” mới vào đời sống người dân. Những mảnh đất cằn xưa kia nay đã đơm hoa, kết trái như những mảnh vườn Xuân tràn nhựa sống, mang lại ấm no cho đồng bào nơi mảnh đất biên cương.
23/01/2023
Đường lớn mở tới… tương lai
 - Được giao trọng trách chủ đầu tư nhiều dự án giao thông mang tính trọng điểm, dù khối lượng công việc lớn nhưng Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn; triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả để bảo đảm tiến độ dự án và nâng cao chất lượng các công trình giao thông.
21/01/2023
Đồng Văn “vươn mình” trên đá
 - Mùa Xuân đến đánh thức bao chồi non bừng lên sức sống mới, muôn hoa đua nở, lòng người rộn rã. Mùa Xuân ở rẻo cao, những bản nhỏ lại rộn ràng, trên khuôn mặt những chàng trai, cô gái phảng phất hương Xuân, tràn đầy sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Năm qua, với sự đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Đồng Văn đã có sự khởi sắc toàn diện; vững tin “vươn mình” trên đá. Huyện vùng biên những ngày đầu Xuân thêm rộn ràng khi ấm no đang về.
21/01/2023