Thực trạng phát triển cây cam

21:33, 07/05/2023

BHG - Dù có những thời điểm thăng trầm nhưng cam Hà Giang luôn là một trong những thương hiệu được đánh giá cao và là vùng sản xuất lớn của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng cam “được mùa, mất giá”, “mất mùa, được giá” thường xuyên xảy ra; cây thoái hóa, mắc nhiều loại sâu, bệnh hại và suy giảm trên 2.700 ha diện tích trong 2 năm qua đang rất đáng báo động.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Bắc Quang và các chuyên gia kiểm tra tình trạng cây cam bị sâu, bệnh tại xã Tiên Kiều.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Bắc Quang và các chuyên gia kiểm tra tình trạng cây cam bị sâu, bệnh tại xã Tiên Kiều.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, cây cam được tỉnh xác định là 1 trong 5 sản phẩm cây, con hàng hóa chủ lực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó có cây cam như: Nghị quyết số 209, 86, 29 của HĐND tỉnh. Đặc biệt, ngày 1.12.2020, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025.

Từ sự quan tâm của tỉnh, năm 2020 tổng diện tích cam toàn tỉnh đạt 8.570 ha, diện tích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đạt 4.268 ha với. Tổng diện tích cho sản phẩm 6.997 ha, năng suất bình quân trên 130 tạ/ha, sản lượng trên 91.000 tấn, giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân; bình quân 1 ha cam cho các hộ thu nhập từ 20-25 triệu đồng trở lên (đã trừ chi phí), với các diện tích được hỗ trợ vay vốn đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình VietGAP cho thu 40-50 triệu đồng/ha trở lên (tùy từng mùa vụ). Năm 2016, sản phẩm “Cam Sành Hà Giang” được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý cho vùng cam thuộc 38 xã ở 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Thương hiệu cam Hà Giang ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường, hàng năm có hàng nghìn tấn cam được tiêu thụ trong các Siêu thị Vinmart, các chợ đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Trên địa bàn tỉnh hình thành 4 cơ sở chế biến cam, với nhiều sản phẩm như: Nước ép cam, tinh dầu cam, nước cam cô đặc…

Tuy nhiên, đến nay diện tích cam toàn tỉnh đã giảm trên 2.700 ha, xuống còn 5.824 ha (cam Sành 3.785,6 ha; cam Vàng 2.038 ha), diện tích cho sản phẩm 5.063,2 ha; năng suất bình quân 130 tạ/ha; sản lượng trên 65.800 tấn. Nhiều chủ vườn phải bỏ cam chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Nguyên nhân ban đầu được các chuyên gia xác định do cây cam bị bệnh vàng lá, thối rễ và chết.

Các chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, hiện tượng cây cam bị vàng lá, thối rễ và chết do 3 nguyên nhân chính, như: Đa phần các hộ trồng cam trên địa bàn tỉnh tự chiết cành làm giống hoặc mua cây giống bằng cành chiết (tỷ lệ cam sử dụng giống chiết cành hiện chiếm 70% tổng diện tích cam toàn tỉnh); với cây giống được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt, phần lớn không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo tiêu chuẩn… nên sức chống chịu với các loại sâu, bệnh hại yếu, vì thế sau 3 đến 5 năm, cây bắt đầu có hiện tượng vàng lá, thối rễ.

Ngoài ra, quy trình kỹ thuật canh tác của người dân ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng của cây cam. Phần lớn diện tích đất trồng cam trên địa bàn tỉnh không được cải tạo trước khi trồng mới; một số diện tích không nằm trong vùng quy hoạch trồng cam; cây không được tưới nước đủ ẩm trong mùa khô; không sử dụng phân chuồng hoai mục để cải tạo đất hoặc có sử dụng nhưng không đúng kỹ thuật, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… đây là những tác nhân khiến sâu, bệnh hại có cơ hội phát triển làm cây cam suy thoái.

Cùng với đó, vùng trồng cam trên địa bàn tỉnh có 18 loài sâu và 10 loại bệnh gây hại. Đặc biệt là bệnh Tristezra, Greening và bệnh vàng lá thối rễ là 3 bệnh nguy hiểm nhất gây nên tình trạng suy thoái vùng cam, làm suy giảm năng suất từ 20% - 26%.

Dù chịu ảnh hưởng của sâu, bệnh hại, tỉnh ta vẫn xác định xuyên suốt quan điểm tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cam Hà Giang, đặc biệt là cam Sành – cây ăn quả đặc trưng thương hiệu của tỉnh, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Sành gắn với phát triển ngành Nông nghiệp hàng hóa đặc trưng nâng cao đời sống, thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Nghị quyết số 04 của BTV Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2025: Duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh 5.000 ha; tập trung thực hiện cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 2.000 ha. Nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu trên đã được xác định và xây dựng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến ban hành cơ chế, chính sách; hỗ trợ khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ; hướng dẫn khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; bảo quản, chế biến và quảng bá tiêu thụ sản phẩm…

Nhưng để phát triển bền vững cây cam, khắc phục tình trạng cây cam bị sâu bệnh hại, giảm diện tích và suy thoái, theo Tiến sĩ Cao Văn Chí, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Tình trạng cây cam bị vàng lá thối rễ không chỉ xảy ra ở Hà Giang mà đã diễn ra tại các vùng trồng cam tập trung như Cao Phong (Hòa Bình), Hàm Yên (Tuyên Quang). Từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã xác định, hệ quả trên là tất yếu. Vì vậy, muốn khắc phục cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn và người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, quy trình xử lý sâu bệnh hại; đặc biệt là sự chủ động của những chủ vườn. Nhưng, trước mắt tỉnh cần rà soát, đánh giá toàn diện về sự phát triển cây cam để điều chỉnh, bổ sung những định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn.

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Bắc Mê không ngừng mở rộng đối tượng vay vốn
BHG - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện đang là ngân hàng chủ lực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Cho vay theo Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP; cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”; cho vay xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Theo đó, Agribank Bắc Mê đã triển khai các giải pháp nhằm tăng độ phủ nguồn vốn vay và giúp huyện Bắc Mê tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội.
30/04/2023
Nông dân Quản Bạ phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách
BHG - Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quản Bạ, nhiều hội viên nông dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, đã có hàng trăm hội viên được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng này, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
30/04/2023
Agribank Thanh Thủy hỗ trợ người dân làm giàu
BHG - Agribank Thanh Thủy phụ trách địa bàn 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến. Sau ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô và thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Agribank Thanh Thủy đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
29/04/2023
Đồng hành cùng huyện “cửa ngõ” Cao nguyên đá phát triển du lịch
BHG - Quản Bạ là huyện cửa ngõ Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang gần 50 km về phía Bắc, mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch, nhận được sự đồng hành và tiếp vốn của Agribank Quản Bạ, nhiều hộ dân trên địa bàn có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, làm homestay, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng.
29/04/2023