Nông dân Quản Bạ phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách

09:53, 30/04/2023

BHG - Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quản Bạ, nhiều hội viên nông dân trong huyện đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, đã có hàng trăm hội viên được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng này, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Mô hình nuôi trâu của gia đình ông Lệnh Trung Thuyết, tổ 4, thị trấn Tam Sơn.
Mô hình nuôi trâu của gia đình ông Lệnh Trung Thuyết, tổ 4, thị trấn Tam Sơn.

Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Cao nguyên đá Đồng Văn với địa hình chia cắt, sông suối dày đặc, núi đá xen lẫn vực sâu. Huyện có 13 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn, 5 xã giáp biên với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Là nơi cư trú của 19 dân tộc gồm: Mông, Dao, Tày, Nùng… và theo kết quả rà soát giai đoạn 2022 – 2025 đến nay vẫn còn 7.583 hộ nghèo/12.444 hộ dân toàn huyện.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội cùng các Tổ tiết kiệm thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn phải sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.

Đến tham quan mô hình chăn nuôi trâu của gia đình ông Lệnh Trung Thuyết, tổ 4, thị trấn Tam Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển kinh tế của gia đình ông. Từ hộ có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, giờ đây gia đình ông đã là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Ông Thuyết chia sẻ: “Năm 2019, gia đình tôi được Hội Nông dân thị trấn Tam Sơn tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH huyện là 50 triệu đồng. Vợ chồng tôi mạnh dạn mua 2 con trâu sinh sản, hiện nay tổng đàn trâu nhà tôi đã nhân lên 8 con. Từ khi nuôi trâu đến nay tôi đã bán được 1 con. Hy vọng sắp tới trâu được giá tôi sẽ cho xuất chuồng và tiếp tục chăn nuôi trâu sinh sản. Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH mà gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quản Bạ đưa tín dụng đến người dân.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quản Bạ đưa tín dụng đến người dân.

Còn đối với gia đình anh Sùng Mí Chơ, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ. Những năm trước gia đình anh là hộ nghèo, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước đây anh đã vay NHCSXH huyện 60 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách dành cho hộ nghèo để phát triển kinh tế. Sau đó anh tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ để làm nhà ở. Anh Chơ chia sẻ: “Từ khi được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, tôi đã làm được ngôi nhà khang trang, đầu tư xây trang trại và mua bò. Từ giờ tôi có thể yên tâm phát triển kinh tế. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình đã ổn định và đầy đủ hơn”.

Anh Cấn Xuân Thành, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quản Bạ cho biết: “Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ, NHCSXH huyện đã truyền tải nguồn vốn kịp thời đến với bà con nhân dân. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các xã triển khai khẩn trương, rà soát, danh sách những hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách có nhu cầu để đăng kí. Trong công tác tuyên truyền bình xét cho vay, cơ sở sẽ thành lập tổ vay vốn và có sự giám sát của đoàn thể, trưởng thôn để tổ chức bình xét cho vay, đảm bảo đúng đối tượng và nhu cầu thực tế. Trong những năm qua, thực hiện công tác ủy thác phối hợp của Hội Nông dân với NHCSXH đã thực hiện rất tốt. Hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, kiểm tra tới các xã theo báo cáo văn bản và các hộ tự kiểm tra gửi về NHCSXH, kết hợp cùng xuống cơ sở theo định kỳ về công tác sử dụng vốn vay. Đến nay, nợ xấu của Hội Nông dân chỉ còn ở mức 0,02%. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, rà soát để hội viên vay vốn đảm bảo, kịp thời.”

Công tác nhận ủy thác cho vay của Hội Nông dân huyện luôn thực hiện tốt việc phối hợp, triển khai chương trình cho vay của NHCSXH huyện. Nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, chất lượng tín dụng ổn định. Hiện nay, Hội Nông dân huyện Quản Bạ đang quản lý nguồn vốn vay với tổng dư nợ 95 tỷ 779 triệu đồng; có trên 1.887 hộ/ 49 tổ hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn. Thực hiện cho vay với các chương trình ưu đãi như: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, vốn giải quyết việc làm, làm nhà ở…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quản Bạ Lương Thị Bích Thủy cho biết: “Ðể nguồn vốn ưu đãi đúng đối tượng, Hội Nông dân huyện luôn quán triệt đến Hội Nông dân các xã, thị trấn, phối hợp chặt chẽ với Tổ vay vốn tiết kiệm và NHCSXH, thực hiện quy trình cho vay đảm bảo công khai, dân chủ. Đồng thời, vào ngày giao dịch tại các xã, thị trấn sẽ tổ chức giải ngân và hỗ trợ hội viên trả lãi, gửi tiết kiệm. Ngoài ra, Hội thường xuyên phối hợp với NHCSXH huyện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên. Qua đó cho thấy, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đều thực hiện hiệu quả, các hội viên đều trả lãi, gốc đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn”.

Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác với NHCSXH, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hội viên nông dân, đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân của địa phương. Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác NHCSXH, Hội Nông dân huyện Quản Bạ đã cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân. Nông dân đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương .

Bài, ảnh: Nguyễn Dịu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Bắc Mê không ngừng mở rộng đối tượng vay vốn
BHG - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện đang là ngân hàng chủ lực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Cho vay theo Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP; cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”; cho vay xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… Theo đó, Agribank Bắc Mê đã triển khai các giải pháp nhằm tăng độ phủ nguồn vốn vay và giúp huyện Bắc Mê tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội.
30/04/2023
Agribank Thanh Thủy hỗ trợ người dân làm giàu
BHG - Agribank Thanh Thủy phụ trách địa bàn 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến. Sau ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô và thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Agribank Thanh Thủy đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
29/04/2023
Đồng hành cùng huyện “cửa ngõ” Cao nguyên đá phát triển du lịch
BHG - Quản Bạ là huyện cửa ngõ Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang gần 50 km về phía Bắc, mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch, nhận được sự đồng hành và tiếp vốn của Agribank Quản Bạ, nhiều hộ dân trên địa bàn có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, làm homestay, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng.
29/04/2023
Điểm sáng trong huy động xã hội hóa làm đường bê tông nông thôn ở Mèo Vạc
BHG - Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng với sự đồng thuận, đóng góp ngày công lao động của người dân giúp xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) làm được nhiều tuyến đường bê tông nội thôn. Đây cũng là địa phương tiêu biểu trong huy động xã hội hóa làm đường bê tông nông thôn trên địa bàn huyện.
28/04/2023