Thị trấn Phố Bảng nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

11:46, 21/09/2022

BHG - Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn) đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Diện tích Dâu tây của gia đình anh Vừ Mí Nhìa (ngoài cùng bên phải) đã cho thu hoạch.
Diện tích Dâu tây của gia đình anh Vừ Mí Nhìa (ngoài cùng bên phải) đã cho thu hoạch.

Thị trấn Phố Bảng cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 20 km, được ví như Đà Lạt thu nhỏ khi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm. Là thị trấn biên giới, có cửa khẩu Phố Bảng diễn ra các hoạt động giao thương, người dân nơi đây chủ yếu kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu. Tại một số thôn, nhờ có khí hậu thuận lợi, người dân trồng một số cây ăn quả như lê, mận và trồng hoa hồng... mang lại thu nhập cao. Những năm trở lại đây, dưới sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, một số hộ dân đã mạnh dạn thử nghiệm các loại rau màu, cây ăn quả ngắn ngày, bước đầu mang lại hiệu quả. Trong đó, cây Dâu tây được xác định là phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.

Từ cuối năm 2021, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại một số thôn phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây Dâu tây, thị trấn Phố Bảng đã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng Dâu tây. Gia đình anh Giàng Mí Lình, thôn Phiến Ngài, là hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng. Gia đình anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô sang trồng khoảng 4.000 cây Dâu tây, đến nay đã cho thu hoạch. Anh Lình chia sẻ: Dâu tây là loại quả cho thu hoạch theo đợt, với giá bán từ 150-200 nghìn đồng/kg, mỗi đợt gia đình tôi thu được khoảng 6-7 triệu đồng. Thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng ngô. Tuy nhiên, chăm sóc Dâu tây sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn.

Gia đình anh Vừ Mí Nhìa, thôn Xóm Mới, cũng là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhờ trồng Dâu tây. Hiện, gia đình anh trồng 6.000 cây và đã cho thu hoạch được khoảng 3 tháng. Mùa thu hoạch chính của Dâu tây từ tháng 4 đến tháng 9 Âm lịch. Theo anh Nhìa, mỗi tuần gia đình anh bán được khoảng 1,5 – 2 triệu đồng. Nhờ có khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào, chất lượng quả Dâu tây của gia đình anh  được đánh giá cao cả về mẫu mã và chất lượng. Gia đình anh còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, ứng dụng khoa học vào quá trình sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần. Được biết, huyện đã có chủ trương hỗ trợ 60% tiền cây giống , vì vậy anh Nhìa dự định sẽ mở rộng diện tích, nhân lên khoảng 24 nghìn cây trong thời gian tới.

Đồng chí Liễu Thị Dìn, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Bảng cho biết: Trước đây, người dân thị trấn chủ yếu trồng và mở rộng các diện tích trồng cây ăn quả lâu năm đặc trưng của vùng như đào, lê, mận. Có một số vùng chuyên canh hoa hồng, rau màu. Tuy nhiên, sau khi khảo sát và tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu, nhận thấy nơi đây thích hợp trồng cây Dâu tây, thị trấn đã khuyến khích người dân trồng và cho thấy hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các loại cây rau màu khác. Đặc biệt, quả Dâu tây có thị trường tiêu thụ rộng, sẽ mang lại thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất trồng, cấp ủy, chính quyền thị trấn đặc biệt chú trọng hướng dẫn nhân dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, gắn với việc thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp để có sự hỗ trợ, khuyến khích các hộ thực hiện. Việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, cụ thể là cây Dâu tây đã góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thị trấn.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Con đường no ấm cho đồng bào vùng cao
BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm 87,7% dân số. Nhận thấy điều đó, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác đào tạo, hướng nghiệp và giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động địa phương. Truyền dạy cho thế hệ trẻ những kỹ năng, kiến thức thiết thực, để gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống. Đồng thời, liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo việc làm, thu nhập ổn định cho ĐBDTTS vùng sâu, vùng cao, biên giới, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững (GNBV), tạo đà phát triển KT – XH của tỉnh nhà…
21/09/2022
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân huyện Mèo Vạc và Quản Bạ
BHG - Ngày 20.9, tại cửa hàng Nông sản vùng miền – Sản phẩm OCOP tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuần lễ giới thiệu "Nông sản an toàn và sản phẩm OCOP huyện Mèo Vạc và Quản Bạ" .
20/09/2022
HTX Chè Minh Quang sản xuất và chế biến chè Shan tuyết cổ thụ chất lượng cao
BHG - Hợp tác xã (HTX) Chè Minh Quang – xã Xuân Minh là một trong những HTX của huyện Quang Bình nói riêng và của tỉnh nói chung có uy tín trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các sản phẩm về trà, với số vốn điều lệ đạt trên 3,5 tỷ đồng. Được thành lập năm 2018 với 7 thành viên tham gia trên cơ sở nắm bắt định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thông qua chủ chương nâng cao chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP.
20/09/2022
Nhộn nhịp chợ mới Xuân Giang
BHG - Với sự quyết tâm của các cấp và chính quyền địa phương cùng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực của huyện Quang Bình, chợ Xuân Giang đã được doanh nghiệp đầu tư trên 6 tỷ đồng để nâng cấp, tu sửa lại khang trang, sạch, đẹp, nhằm giúp cho người dân, các tiểu thương kinh doanh hoạt động mua, bán ổn định bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.
19/09/2022