Hoàng Su Phì chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa rét

08:01, 02/12/2015

BHG- Để bảo vệ đàn gia súc khi mùa Đông đến, tránh thiệt hại về kinh tế cho người dân, huyện Hoàng Su Phì đã và đang chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện triển khai giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Vấn đề này thực sự cấp thiết, nhất là khi tình hình thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Anh Sùng Văn Khún (người bên phải), thôn Thính Nà, xã Đản Ván thường xuyên bổ sung thức ăn cho đàn bò mỗi khi thời tiết giá rét.
Anh Sùng Văn Khún (người bên phải), thôn Thính Nà, xã Đản Ván thường xuyên bổ sung thức ăn cho đàn bò mỗi khi thời tiết giá rét.

Những ngày này, người dân xã Sán Sả Hồ đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc. Người dân đều hiểu rõ, việc duy trì và phát triển đàn gia súc không chỉ là nhiệm vụ, mà đó còn là một trong những sinh kế bền vững để thoát nghèo. Đồng chí Phan Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Việc đầu tiên để bảo vệ an toàn cho gần 1.000 con trâu, bò và trên 790 con dê hiện có trong mùa Đông này là giải quyết bài toán về thức ăn. Vì vậy, ngay đầu vụ Đông, xã đã phân công cán bộ phụ trách các thôn đôn đốc người dân dự trữ cỏ khô, rơm rạ và thực hiện che chắn chuồng trại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết giá rét gây ra. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã chủ động tận dụng các sản phẩm trong nông nghiệp như: Cây lạc, cây đậu tương và các loại cỏ trồng để làm thức ăn cho gia súc; trong những ngày rét đậm, rét hại, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên xuống từng thôn để hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc.

Tại xã Đản Ván công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc cũng được bà con thực nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương. Hầu hết các hộ dân trong xã đều chủ động nguồn thức ăn dự trữ trong mùa Đông cho gia súc. Là một trong những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, anh Sùng Văn Khún, thôn Thính Nà cho biết: Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình anh lại thu gom, tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày mùa Đông giá rét. Theo anh Khún, con trâu, con bò là tài sản lớn của cả gia đình, do đó ngoài đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc thì việc che kín và đảm bảo chuồng trại khô ráo, sạch sẽ trong mùa rét là rất cần thiết. Cùng với đó, gia đình anh còn chú trọng thực hiện tốt công tác tiêm phòng nên nhiều năm qua, đàn bò 5 con của gia đình không bị dịch bệnh và phát triển tốt.

Theo thống kê, hiện nay tổng đàn trâu, bò toàn huyện có gần 27.000 con, trong đó đàn trâu hơn 21.541 con, đàn bò gần 540 con. Do đó, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc được coi là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống đói, rét cho gia súc ngay từ đầu vụ Đông – xuân; kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên với phương châm phòng, chống đói, rét tại hộ gia đình là chính. Các ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh, đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn rà soát đàn gia súc trên địa bàn để tiêm vắc-xin phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai tiêm phòng vắc-xin lở mồm, long móng được 52.000 liều; tụ huyết trùng được 51.675 con trâu, bò...

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời điểm này, nhiệt độ thường xuống thấp nhất là vào sáng sớm và ban đêm, nên người dân cần sửa sang lại chuồng trại để giữ ấm cho vật nuôi, trong đó có trâu, bò; ngoài rơm rạ và thức ăn tươi, bà con cần chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô, cây chuối... và cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng; thường xuyên giữ khô nền chuồng, lót ấm và tạo nguồn nhiệt sưởi cho vật nuôi khi thời tiết giá rét; trong những ngày rét đậm, không chăn thả gia súc và cho gia súc nghỉ làm việc khi thời tiết dưới 12 độ C... Đồng thời, các ngành chuyên môn cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống rét cho gia súc của người dân.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và chuyển giao KHCN giống lâm nghiệp, dược liệu

BHG- Sáng ngày 27.11, tại Trung tâm khoa học kỹ thuật (KHKT) giống cây trồng Đạo Đức, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống Lâm nghiệp và dược liệu giai đoạn 2015- 2020. Dự buổi lễ có lãnh đạo đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

27/11/2015
Hội nghị Bàn, thống nhất phát triển Mật ong Bạc Hà

BHG- Chiều 25.11, tại huyện Yên Minh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Bàn, thống nhất phát triển Mật ong Bạc Hà. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì. 

26/11/2015
Quang Bình cơ bản hoàn thành diện tích trồng rừng năm 2015

BHG- Theo kế hoạch năm 2015, huyện Quang Bình sẽ triển khai trồng mới rừng lâm nghiệp xã hội trên 7.000 ha. Trên cơ sở diện tích đăng ký thực hiện trồng rừng và quỹ đất hiện có tại các xã, thị trấn, trong 10 tháng qua nhân dân các xã, thị trấn trong toàn huyện đã đăng ký và trồng được trên 6.420 ha/7.000 ha (đạt 91,64% kế hoạch), trong đó nhân dân các xã, thị trấn trồng được trên 6.275 ha, 2 doanh nghiệp là Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham và Công ty Thủy điện Sông Bạc trồng được 30,8 ha. 

25/11/2015
Người bạn tin cậy của nông dân

BHG- Kết quả đó khẳng định sự quyết tâm rất lớn trong công cuộc XĐGN của cả hệ thống chính trị; trong đó có sự đóng góp rất lớn của Agribank Quản Bạ, đơn vị đóng chân trên địa bàn đã phối hợp cùng huyện trong việc cho dân vay vốn để phát triển kinh tế.

25/11/2015