Vĩnh Hảo hứa hẹn một mùa no ấm

08:24, 30/07/2012

HGĐT- Những vườn cam trĩu cành, những trái bưởi Diễn xanh mọng trên cây. Phải chăng đây chính là dấu hiệu một mùa quả bội thu? Có thể mạnh dạn gọi là mùa no ấm cũng phải bởi năm nay người dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm.



Ông Phạm Quang Lân đang kiểm tra tình hình phát triển của cây cam sành trong nhà.

Đổi mới từ trong tư duy nên giờ đây, khi về xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) ngoài những cây truyền thống như: Chè, cam sành thì nay có thêm các loại cây đặc sản ngoại vùng, có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Diễn, hồng, xoài... với tổng diện tích các loại cây ăn quả quả của xã trên 300ha và đa phần số cây trồng đều đang trong độ tuổi cho thu hoạch mà theo như ôngẤu Đình Hiệu, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, tâm sự: “Nếu năm nay không có diễn biến bất thường, người dân Vĩnh Hảo sẽ thắng to...”.

 

Rời Quốc lộ 2, theo con đường đã trải nhựa phẳng phiu đưa chúng tôi về với Vĩnh Hảo. Những đồi chè xanh mát mắt là cảnh tượng đầu tiên ùa vào mắt chúng tôi và hòa trong đó là tiếng cười nói râm ran của những thôn nữ đang hái chè đã phá vỡ khoảng không gian rất tĩnh lặng của cánh đồng lúa, ngô sau mùa thu hoạch. Càng đi chúng tôi càng nhận thấy tinh thần chịu khó lao động, sản xuất của bà con theo đúng phương châm không để cho đất nghỉ. Ngay khi vừa thu hoạch xong, từng tốp thợ cày đã và đang miệt mài trên đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Ngô, lúa đầy nhà, vườn cây đầy trái, những nương chè tốt tươi, đây chính là một kết quả, thành công xứng đáng dành cho những con người chịu khó, biết biến tiềm năng của vùng thành cơ hội phát triển.

 

Theo lời giới thiệu sau buổi làm việc với lãnh đạo xã, chúng tôi về thôn Vĩnh Chính để tận mắt chứng kiến những lời ca tụng, đồn thổi về “Vua cam” và “Vua bưởi Diễn” trong vùng. Ông Phạm Quang Lân, một người con vùng quê Vĩnh Hảo đã thật sự nắm bắt được cơ hội trong những tiềm năng sẵn có của vùng. Thật khác xa với những gì tôi hình dung, tưởng tượng về “Vị vua” này. Một “dinh thự” chỉ là ngôi nhà mái bằng nhỏ bé, khiêm tốn và một ông chủ dáng người tầm thước, với nước da rám nắng, khắc khổ đặc trưng của một người nông dân. Nhưng trong ông lại toát lên một nghị lực, sức bền mà khó ai có thể sánh bằng. Thật đáng khâm phục, một ngôi nhà nhỏ, một ông chủ nhỏ nhưng lại có một thành quả quá lớn. Xung quanh nhà ông Lân rợp một màu xanh của các loại cây ăn quả. Nhìn những trái bưởi Diễn xanh non, căng mọng, trĩu cành đua mình bên những khóm chanh Mĩ, nhãn và vải... làm cho bất cứ ai đến đây rồi cũng không muốn về vì bị sự níu kéo của không gian tràn đầy sức sống đó. Ngồi bên mái hiên, thưởng thức từng ngụm trà xanh thơm nồng và ngay bản thân tôi cũng phải kìm nén để thưởng thức thật chậm, thật từ từ để có thể cảm nhận được hết những cái ngon, nét đặc trưng của từng tép bưởi Diễn, quê ở mãi miền đất Thủ đô xa xôi, nay đã “bén duyên” với đất vùng cao. Ông Lân tâm sự: “Đọc các loại tài liệu, báo chí; qua các kênh tivi của T.Ư và địa phương nói về nông nghiệp, các loại cây trồng, vật nuôi nhiều rồi nên mình nghĩ với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi như vậy cớ gì mà không mạnh dạn đi tìm hiểu, đưa một số loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao về trồng thử. Nghĩ là làm nên mình về tận vùng bưởi Diễn để nghiên cứu, học hỏi cách trồng rồi về triển khai thôi...”. Qua cuộc nói chuyện bên bàn nước đã giúp chúng tôi hiểu kỹ hơn về ông, người được mệnh danh là “Vua cam” cũng không sai. Ông như một kho tri thức sống về cây trồng, cách trồng và chăm sóc, ông Lân chia sẻ: “Để có một vườn trồng khỏe mạnh, cho hiệu quả cao thì phải nhớ lời dạy của cha, ông: “Công trồng công bỏ, công làm cỏ công ăn”. Việc chăm sóc là quan trọng nhất cho nên khâu tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng vụ sau. Năng suất thực vật nói chung và cây ăn quả nói riêng được hình thành từ bộ lá để tiến hành quang hợp chuyển năng lượng mặt trời thành các vật chất hữu cơ. Những cây mang trái tận cùng cành như: Nhãn, xoài... cần phải cắt ngắn cuống sau chùm quả mới thu hoạch, đồng thời tiến hành sửa tán và với những cây ra quả ở nách lá đối với cây có múi như: Cam, bưởi, quýt... cần cắt hết cành nhỏ, cành bị che khuất, sâu bệnh, đồng thời cắt những cành vươn quá ra ngoài tán để kích thích ra chồi mới. Ngoài ra, việc tỉa cành tạo tán còn tùy thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm tỉa lại, có 1 năm tỉa đau để định hình lại tán làm sao cho tán phù hợp với sự phát triển bộ rễ, nếu cây trồng cách nhau 8m thì chiều cao cây tối đa cũng không quá 8m...”. Quả đúng vậy, những gì ông nói là kinh nghiệm đúc rút từ thực tế, sau bao nhiêu thành công và thất bại nên giờ đây vườn cây của ông Lân luôn phát triển ổn định, có tính chuyên nghiệp rất cao. Từ trang trại cam sành rộng 7ha, cho tới những nương chè, vườn cây ăn quả: Bưởi Diễn, chanh Mĩ, nhãn, vải đều có quy hoạch rất tốt. Chính bởi thế, vụ thu hoạch hoa quả năm 2011, gia đình ông đã thu về tiền tỉ. Còn năm nay, khi mà Tết Trung thu 2012 gần kề, gia đình ông Phạm Quang Lân sẽ có một nguồn thu lớn nữa từ cây bưởi Diễn đã được các lái thương trong vùng vào đặt mua ngay từ bây giờ...

 

Hiện nay, ngoài ông Phạm Quang Lân là một trong những người đi đầu về phát triển vườn cây ăn quả, ở xã Vĩnh Phúc còn 6 trang trại cam sành cùng một số loại cây trồng khác với diện tích từ 5 - 10ha/một trang trại đã và đang tạo nên một thương hiệu lớn về nguồn cung cấp hoa quả các loại cho thị trường.

 

Có thể khẳng định, thời điểm hiện nay, cây Cam sành Bắc Quang đã dần lấy lại được thương hiệu, giá thành cũng dần đi vào mức ổn định, thu nhập bình quân của bà con xã Vĩnh Hảo nói riêng và bà con trên địa bàn huyện Bắc Quang nói chung ngày càng được nâng cao hơn. Phần lớn các hộ gia đình người dân Vĩnh Hảo đều trồng xen cây chè vào diện tích đất trồng cam, bưởi góp phần làm tăng thêm thu nhập và tiết kiệm được diện tích đất trồng. Từ nguồn vốn thu nhập được từ cây ăn quả, nhiều hộ gia đình trong xã đã đầu tư mua một số máy móc hiện đại trong việc chăm sóc cây trồng như: Máy phát cỏ, đốn chè, máy phun thuốc... Vào thời điểm này, các loại cây ăn quả có múi của Vĩnh Hảo đang chờ tới ngày thu hoạch và cũng đang hứa hẹn một mùa trái chín bội thu.


PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị khách hàng mua - bán khoáng sản
HGĐT- Ngày 24.7, tại huyện Vị Xuyên, Hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị khách hàng mua - bán khoáng sản. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, các ngân hàng thương mại…
25/07/2012
BIDV Hà Giang khẳng định vị thế trên thương trường
HGĐT- Những tháng vừa qua là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng, trong đó có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hà Giang.
24/07/2012
Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp giao thông, xây dựng
HGĐT- Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của công nhân trong các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực giao thông, xây dựng lại diễn ra nặng nề như hiện nay.
20/07/2012
Yên Minh dần hoàn thiện hệ thống đường giao thông về thôn bản
HGĐT- 10 năm qua, huyện Yên Minh có nhiều cố gắng triển khai, thực hiện tốt chương trình làm đường giao thông về trung tâm các thôn, bản. Kết quả đạt được từ chương trình này rất lớn, hệ thống đường giao thông về các thôn dần hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.
19/07/2012