Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách

18:20, 16/12/2011

HGĐT- Năm 2011 được đánh giá có rất nhiều yếu tố bất lợi, tác động trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh, nhưng cũng là năm gặt hái thành công nhất trong hoạt động thu ngân sách địa phương.


Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt gần 7.196 tỷ đồng, trong đó điều tiết về ngân sách T.Ư 508,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương được hưởng gần 6.687 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách tại địa bàn giao cả năm 800 tỷ đồng, kết quả thu đạt 1.224,8 tỷ đồng. Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6.685,4 tỷ đồng, bằng 103% dự toán giao đầu năm và T.Ư bổ sung chủ yếu từ nguồn tăng thu và ghi chi quản lý qua ngân sách. Trong đó, các khoản chi lớn gồm: Chi đầu tư phát triển 2.042,6 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.115,7 tỷ đồng.


Theo nhận xét của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Mặc dù phải hứng chịu những tác động của thiên tai, lạm phát, nhưng với nỗ lực của các cấp, các ngành và thực hiện các giải pháp thu ngân sách có hiệu quả nên dự kiến thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 68% so với dự toán T.Ư giao, tăng 53% so với dự toán địa phương, tăng 16% so với quyết toán năm 2010. Trong đó, thu nội địa vượt 13% dự toán, thu thuế XNK vượt 91% dự toán, các khoản thu quản lý qua ngân sách vượt 242%. Tính theo địa bàn, thì 11 huyện, thành phố đều vượt thu từ 9% trở lên so với dự toán giao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành chi ngân sách địa phương được thực hiện đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các chế độ, chính sách hiện hành, đảm bảo đáp ứng hoạt động của bộ máy cấp uỷ, chính quyền các cấp cũng như nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP, TTATXH. Các chế độ, chính sách đối với học sinh, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ trực tiếp người nghèo, hỗ trợ dầu hoả thắp sáng, hỗ trợ gia súc bị chết rét... được tỉnh phân bổ, cấp kinh phí tương đối kịp thời. Tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu Quốc gia và mục tiêu khác tăng khá cao so với năm 2010, nên ước số chi chuyển nguồn sang năm 2012 trên 181 tỷ đồng, bằng 27,3% số chi chuyển nguồn từ năm 2010 sang 2011. Tỉnh ta đã ban hành một số phương án, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát. Tổng chi ngân sách địa phương tăng 3% so với dự toán, chủ yếu do tăng thu và chi quản lý qua ngân sách, còn các nhiệm vụ chi khác đều không vượt quá dự toán được giao.


Về cơ bản, việc sử dụng dự phòng ngân sách cấp tỉnh có nhiều tiến bộ, các khoản chi đều theo đúng quy định hiện hành, được sử dụng có hiệu quả, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí dự phòng phân bổ cho các huyện, thành phố và các đơn vị khối tỉnh để chi bổ sung biên chế tăng thêm chưa thực sự phù hợp, do biên chế hành chính, sự nghiệp cấp huyện và các đơn vị khối tỉnh được HĐND tỉnh quyết định từ tháng 12 năm 2010. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2011 còn bộc lộ một số vấn đề: Số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt mức cao, chủ yếu do tăng thu từ thuế XNK, tiền sử dụng đất, đây là những khoản thu không mang tính bền vững. Số thu nội địa từ các nguồn thu có tính ổn định, lâu dài, chỉ tăng thêm khoảng 10% so với dự toán được giao. Sự chuyển biến tích cực về công tác quản lý, điều hành ngân sách chỉ diễn ra ở cấp tỉnh, còn cấp huyện, xã chưa thay đổi nhiều, còn bộ lộ những bất cập trong sử dụng nguồn dự phòng ngân sách để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Tiến độ thực hiện nguồn kinh phí của các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ trâu, bò chết rét, chế độ học sinh tại một số địa phương chậm; việc phân bổ, sử dụng ngân sách tại một số huyện chưa tuân thủ đúng các quy định hiện hành và không đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về thời gian.


Năm 2012, nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn đặt ra là 1.180 tỷ đồng gồm: Thu thuế XNK 450 tỷ đồng, thu nội địa 630 tỷ đồng, thu biện pháp tài chính 100 tỷ đồng. Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương 5.979,6 tỷ đồng, gồm chi đầu tư phát triển 1.193 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.554,5 tỷ đồng, ghi chi quản lý qua ngân sách Nhà nước 100 tỷ đồng.


Để tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đồng thời triển khai các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm như: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các biện pháp quản lý thu, quyết toán thuế, phối hợp chặt chẽ để thu nợ đọng, quản lý các nguồn thu hiện có, khai thác các nguồn thu phát sinh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Thực hiện việc khai thác quỹ đất để tăng nguồn thu ngân sách phải bám sát quy hoạch sử dụng đất của từng địa bàn; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để tổ chức, cá nhân hiểu biết chính sách thuế và chính sách tài chính của Nhà nước, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Cải cách thủ tục hành chính, triển khai và vận hành tốt dự án hiện đại hoá quy trình thu, nộp ngân sách Nhà nước giữa ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, Tài chính với hệ thống ngân hàng, tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tích cực giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính và kiến nghị với cấp thẩm quyền về cơ chế, chính sách thông qua đối thoại với doanh nghiệp của cơ quan Thuế, Hải quan.


Đối với công tác điều hành, quản lý chi ngân sách, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các ngành, các cấp cần chủ động hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu lực, hiểu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiêm túc triển khai Chỉ thị của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ, tập trung bố trí để trả nợ gốc tiền vay, thu hồi tạm ứng, ưu tiên vốn thanh toán cho các công trình hoàn thành quyết toán và bồi thường GPMB...


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh nghiệm hoạt động của Nhóm tín dụng tiết kiệm thôn Yên Lập 2
HGĐT- Hoạt động của các Nhóm Tín dụng Tiết kiệm (TDTK) ở huyện Quang Bình được đánh giá là một trong những hoạt động thành công mà Dự án DPPR huyện triển khai.
30/11/2011
Hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo ở Cán Tỷ
HGĐT- “Chăn nuôi gia súc hàng hóa ở Cán Tỷ chưa thật sự rõ nét, nhưng những năm qua, nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách để đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo và bước đầu đã mang lạihiệu quả, giúp họ thoát nghèo. Đó cũng là chiến lượcphát triển kinh tế của xã trong giai đoạn hiện nay”.
30/11/2011
Chăn nuôi dê - hướng xóa đói, giảm nghèo ở Quảng Nguyên
HGĐT- Quảng Nguyên là một xã nghèo của huyện Xín Mần, cách trung tâm huyện 57 km, giao thông đi lại rất khó khăn, toàn xã có 6 dân tộc, trong đó dân tộc Dao chiếm 75%, sống định cư rải rác trên các triền núi cao, trình độ dân trí còn thấp không đồng đều, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Trong chăn nuôi gia súc và gia cầm là vật nuôi
30/11/2011
6 năm đồng hành cùng người nghèo Xín Mần
HGĐT- Tính đến thời điểm hiện nay, Dự án DPPR huyện Xín Mần đã đi được những chặng đường dài, đồng hành cùng đồng bào nghèo huyện Xín Mần trong quá trình hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo với nhiều giải pháp và cách làm hiệu quả.
30/11/2011