6 năm đồng hành cùng người nghèo Xín Mần

16:56, 30/11/2011

HGĐT- Tính đến thời điểm hiện nay, Dự án DPPR huyện Xín Mần đã đi được những chặng đường dài, đồng hành cùng đồng bào nghèo huyện Xín Mần trong quá trình hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo với nhiều giải pháp và cách làm hiệu quả.


Trở lại xã Khuôn Lùng, dừng chân tại thôn Trung Thành, thôn đầu tiên trong năm 2005 được Dự án DPPR xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cho công tác xoá đói, giảm nghèo để ngắm những đồi Luồng Thanh Hoá, đồi chè giâm cành trong các vườn hộ; thăm, xem các mô hình nuôi cá thả ao, cá thả ruộng được nhân rộng tại các hộ qua các năm. Hỏi thăm các chị em trong tổ tín dụng tiết kiệm hoạt động hỗ trợ nhau làm kinh tế, tính toán chi tiêu, tiết kiệm tiền bạc hợp lý trong gia đình; cải tiến cách tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, chế biến bữa ăn, xây dựng nếp sống, cách sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, thôn bản ngày càng văn minh, cái nghèo dần dần đi qua, cuộc sống mới hiện hữu trên từng nhà. Tác dụng và hiệu quả trong công tác hỗ trợ giảm nghèo của Dự án DPPR trong thời gian qua đã đem lại những lợi ích to lớn cho đồng bào trong xã, trong thôn. Cái được lớn nhất mà Dự án mang lại cho đồng bào là làm thay đổi lớn tư duy làm ăn phát triển kinh tế cho mọi người dân thông qua sự phân cấpmạnh cho cơ sở tự quyết định từ khâu xây dựng kế hoạch, tới việc tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá , nghiệm thu quản lý và bảo dưỡng các công trình, trang thiết bị và sản phẩm thu được. Thực tế cho thấy: Vườn Luồng trồng năm xưa tại các hộ mà Dự án DPPR hỗ trợ đầu tư nay đã thành rừng Luồng cho thu nhập cao qua các năm từ bán cây Luồng, măng Luồng và nay được nhiều gia đình trong xã tự tìm đến nhân giống, đầu tư, tự trồng thành rừng Luồng. Phong trào trồng chè “Đại điền” theo phương pháp giâm cành tại thôn Trung Thành từ những héc ta đầu tiên trồng năm 2005 đến nay đã có hàng chục ha trong thôn đang mang lại hướng đi làm giàu cho mọi gia đình ở thôn Trung Thành, Nà Ràng và được nhân rộng lên mãi. Ngày nay, người dân không còn làm chè thủ công nữa mà chuyển dần sang sao chè bằng máy, chất lượng chế biến sau thu hái cũng nâng cao đáp ứng thị trường tiêu thụ. Các chị em phụ nữ thường xuyên hội họp, thảo luận cách làm ăn, tiết kiệm, nuôi con, cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cách sử dụng vốn quay vòng và nhiều chị em đã cùng gia đình làm giàu, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều chị cho biết: Sử dụng vốn vay từ tổ tiết kiệm và tiết kiệm vốn, tiết kiệm chi tiêu, là giải pháp “Hai trong một” để thoát nghèo. Bởi lẽ, trước đây làm đến đâu, tiêu hoang phí đến đó vì không biết cách chi tiêu hợp lý phòng khi rủi ro. Và ngược lại, trong cuộc sống gia đình cũng phải biết cách thu vén, sắp xếp làm ăn, nuôi dạy con cái... để bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ tổ ấm, mới hoà thuận, làm ăn thoát nghèo bền vững.


Đến thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn, được theo chân những lão nông lên rừng già, tôi choáng ngợp trước mắt là cả rừng thảo quả trải rộng dưới tán rừng xanh thẳm. Hơn 5 năm đầu tư giữ rừng, trồng thảo quả do dự án cấp vốn, nay đã cho kết quả mở cách thoát nghèo cho đồng bào Nấm Dẩn. Thảo quả giờ đây đã mang lại cho hàng chục hộ làm giàu mỗi năm. Theo thống kê cho thấy, đến nay xã Nấm Dẩn đã có gần 300 ha thảo quả. Sản lượng ước tính thu năm 2011 trên 7 tấn, với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay là 35- 50 ngàn đồng/kg, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trong xã với mức thu vài chục triệu đồng. Được biết, cả xã Nấm Dẩn có 11/12 thôn trồng thảo quả với 350 hộ tham gia. Bên cạnh cây thảo quả, Dự án DPPR còn hỗ trợ đồng bào giống, trang bị kiến thức trồng ngô hàng hoá tạo ra hướng làm ăn tập trung quy mô. Vụ thu hoạch vừa qua đồng bào cho biết, có ngô, có máy tẽ ngô, có xe cải tiến chở ngô, công sức lao động giảm nhẹ, thu nhập tăng lên và đây là hướng làm ăn rất hay ở Nấm Dẩn từ trước tới nay mới có. Và cho đấy là cách làm ăn hiệu quả, có bài bản mà dự án mang lại cho đồng bào nghèo nói chung và nhân dân xã Nấm Dẩn nói riêng trong cách xoá bỏ lề lối làm ăn cũ, vươn lên. Tại đây, hoạt động tín dụng tiết kiệm của chị em phụ nữ được đánh giá rất cao trong công tác tập hợp chị em nâng cao năng lực xoá nghèo.


Tính đến nay toàn Dự án huyện Xín Mần đã có 66 nhóm tín dụng tiết kiệm của chị em hoạt động đều tay với 1.096 thành viên tham gia. Tổng số tiền TKTD là 230,885 triệu đồng, lãi TKTD qua các năm đến nay là 130,021 triệu đồng. Và đã có 1.010 lượt chị em vay vốn làm ăn, quay vòng, hàng trăm chị em nhờ đó thoát nghèo vươn lên làm chủ gia đình với cuộc sống mới.


Tại các xã: Nàn Ma, thị trấn Cốc Pài hay xã Quảng Nguyên... có rất nhiều mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi cá đã phát huy tác dụng tích cực trong việc sử dụng vốn vay, nuôi luân chuyển trâu bò, dê... Để người nghèo sử dụng đồng vốn đầu tư hiệu quả cũng như có đủ năng lực để tiếp cận cách làm ăn mới, những năm qua Dự án đã mở 558 lớp đào tạo, tập huấn với nhiều nội dung phong phú; đã đầu tư xây dựng 41 mô hình lâm nghiệp, 31 mô hình thuỷ sản, đầu tư hàng trăm con trâu, bò, dê cho các hộ chăn nuôi quay vòng; xây dựng 1 xưởng chế biến chè, 3 máy sao chè, 355 máy tuốt lúa, 853 bình bơm thuốc trừ sâu, cung ứng hàng chục tấn giống, phân bón cho thâm canh, trồng cấy giúp cho đồng bào phát triển nông nghiệp. Đi kèm theo đó là trang bị các trang thiết bị hỗ trợ sản xuất, giảm nhẹ sức lao động, cách làm ăn mới đến từng hộ giúp họ làm ăn để tự vươn lên.


Không dừng lại ở đó, những năm qua Dự án DPPR còn đầu tư cho huyện Xín Mần về cơ sở hạ tầng, đã mở 46 lớp tập huấn đấu thầu công trình, tổ chức thi công, giám sát cộng đồng...cho cán bộ dự án cấp xã, thôn và người dân khi phân cấp về cơ sở; triển khai làm 125 công trình (9 công trình giao thông dài 26, 64 km, mở mới 8 tuyến đường dài 15,4 km, xây 6 cầu bản,19 cống qua đường, làm 6 công trình điện nông thôn 0,4 kv, 45 công trình thuỷ lợi, xây 4 kè chống sạt lở, 6 công trình nước tự chảy, 2 chợ nông thôn, 1 nhà ăn y tế...), tạo thuận lợi phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.


Trải qua6 năm đồng hành cùng đồng bào nghèo Xín Mần, Dự án DPPR đã vừa cho người nghèo cả “Cần câu và cách câu cá” và qua đó đã có hàng trăm hộ nghèo được vươn lên thoát nghèo. Đó chính là sự đầu tư làm thay đổi cơ bản cả về “chất và lượng” đối với vùng đồng bào nghèo của huyện Xín Mần những năm qua mà Dự án DPPR mang lại.


NHẬT HỒNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chăn nuôi dê - hướng xóa đói, giảm nghèo ở Quảng Nguyên
HGĐT- Quảng Nguyên là một xã nghèo của huyện Xín Mần, cách trung tâm huyện 57 km, giao thông đi lại rất khó khăn, toàn xã có 6 dân tộc, trong đó dân tộc Dao chiếm 75%, sống định cư rải rác trên các triền núi cao, trình độ dân trí còn thấp không đồng đều, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Trong chăn nuôi gia súc và gia cầm là vật nuôi
30/11/2011
Hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo ở Cán Tỷ
HGĐT- “Chăn nuôi gia súc hàng hóa ở Cán Tỷ chưa thật sự rõ nét, nhưng những năm qua, nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách để đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo và bước đầu đã mang lạihiệu quả, giúp họ thoát nghèo. Đó cũng là chiến lượcphát triển kinh tế của xã trong giai đoạn hiện nay”.
30/11/2011
IAN 873, giống cao su đang phát triển tốt trên đất Hà Giang
HGĐT - Đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục cuối năm 2010 và đầu năm 2011 chính là một kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho những người trồng cao su. Nhưng qua 3 mùa đông và gần 1 năm kể từ cái rét lịch sử, một loại giống cao su đã khẳng định khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, vượt qua được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đó là giống cao su ian 873.
28/11/2011
Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc
Hoạt động này diễn ra tối 25/11 tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức
26/11/2011