Để Cao nguyên đá ngày càng “sáng” hơn

17:38, 26/09/2011

HGĐT- Đầu tư phát triển hệ thống điện, nhất là hệ thống điện nông thôn đã, đang tạo tiền đề và động lực to lớn cho phát triển kinh tế và góp phần công nghiêp hóa, hiên đại hóa nông nghiêp - nông thôn. Một trong 4 điều kiện tiên quyết để công tác xóa đói, giảm nghèo đạt hiêu quả cao nhất đang được ưu tiên trong chính sách phát triển chung chính là: điện (điện, đường, trường, trạm).


 

Tuyến đường dây 110 kv Hà Giang - Yên Minh được thi công đảm nảo tiến độ. Ảnh: TUẤN ANH


Có điện mới phát huy được hiêu quả sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản, nhất là bà con dễ tiếp xúc hơn với KHKT thông qua phương tiện thông tin đại chúng... vì thế, công trình đường dây 110kV Hà Giang - Yên Minh không chỉ người dân huyện Yên Minh mà tất cả các hộ gia đình trên cao nguyên đá mong đợi từng ngày...

Theo mục tiêu ngành Điện đề ra, công trình ĐZ 110kV Hà Giang -Yên Minh và Trạm biến áp 110kV Yên Minh là dự án chiến lược, trọng điểm về an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển năng lượng, là cơ sở thúc đẩy công nghiệp và các ngành phát triển. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện là hết sức cần thiết. Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho các cụm, khu công nghiệp và đưa điện về các thôn bản trên địa bàn tỉnh; Công ty Điện lực Hà Giang đã và đang chuẩn bị một cách tốt nhất đưa Hà Giang cơ bản trở thành tỉnh có nguồn và cung cấp điện phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề, tạo thêm điều kiện để tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH.


 

Công nhân Công ty Điện lực Hà Giang băng mình qua sông Tráng Kìm thi công đường điện 110 kv. Ảnh: AN DƯƠNG


Những ngày này, dọc tuyến Quốc lộ 4C, từ thành phố Hà Giang tới 4 huyện vùng cao phía Bắc, đã có sự hiện hữu của điều rất mới mẻ đó chính là hàng trăm cột điện thép với chiều cao từ 20 - 42m, đua nhau mọc lên trong dáng vẻ uy nghi, sừng sững bên sườn đá, như thể hiện sức mạnh kiên cường, bền vững bám đất, bám làng của bà con các dân tộc sinh sống nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Đứng trên Cổng trời Quản Bạ để ngắm nhìn những cột điện mới được xây dựng nối nhau vượt qua bao đồi, bao núi, suối sâu, vực cao để “cõng” ánh sáng của Đảng đến cho vùng cao, chúng tôi phần nào cảm nhận được những đổi thay lớn trong tương lai gần, khi công trình hoàn thành. Để xây dựng thành công những hàng cột điện hiên ngang, vững chắc trên Cao nguyên đá, quả thực không hề giản đơn; khi những chiếc cột điện đó, đa phần đều nằm ở những điểm xa và cao, địa hình hiểm trở nên không chỉ công đoạn vận chuyển vật liệu, sắt thép tới nơi tập kết khó khăn mà ngay cả việc thi công tạo mặt bằng, đào móng cột cũng là vấn đề vất vả đối với những công nhân, đơn vị thi công. Gặp anh Bùi Văn Lâm, công nhân Công ty TNHH Yên Hà (Hà Nội) bên cây cột điện sắp hoàn thành tại khu vực trường Mầm non xã Na Khê (Yên Minh), anh cho biết: “Theo gói thầu, Công ty mình xây dựng, lắp đặt 10 cột điện và bắt đầu thi công từ tháng 3.2011. Nếu như ở những vùng, miền khác thì đã hoàn thành, còn ở đây như các anh thấy, đa phần tại các vị trí cột điện toàn là núi đá nên để lắp đặt hoàn chỉnh được1 cột thường phải mất cả tháng trời. Do vậy, trong 7 tháng qua, đơn vị mới hoàn thành được 7 cột điện, 3 cột còn lại Công ty quyết tâm hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết...”. Được biết, những điểm xây dựng thấp, gần đường còn tổ chức khuân, vác vật liệu, những điểm cao, xa đường thì chỉ có cách dùng tời... Anh Bùi Thanh Tuyên, công nhân chuyên điều kiển máy tời cho hay: “Các anh quan sát thì thấy đấy, độ cao từ mặt đường lên tới chân cột thường cũng vài chục mét trở lên, mà toàn đá tai mèo, để đưa được vật liệu từ cát, đá, nước và sắt thép lên chỉ có cách duy nhất là dùng tời. Máy tời chạy hết công suất cho đến khi xây, lắp xong cột mới được nghỉ...”.


Cũng tại chân cột đang được Công ty TNHH Yên Hà đẩy nhanh tiến độ thi công, anh Thào Mí Pó (trú tại xã Na Khê, Yên Minh), tay quệt mồ hôi, nói trong tiếng thở hổn hển vì vừa trộn vữa xong: “Nhà nước xây dựng điện về huyện, thích lắm! Ừ, nhà mình cũng có điện rồi đấy, nhưng hay bị mất lắm, có nhiều tối mất mấy lần liền. Đang xem ti vi hay thì tối om. Bây giờ, thấy cán bộ bảo xây xong đường điện mới này thì không bị mất điện nhiều nữa đâu. Sướng lắm, đường điện xong con mình học buổi tối sẽ không phải lúc học bằng nến, lúc bằng điện nữa. Còn bây giờ, lúa, ngô gần xong rồi, để cho vợ làm nốt, mình tranh thủ cùng anh, em đi làm thuê cho Công ty này, mỗi ngày cũng kiếm được 100 - 130 ngàn đồng tiền công đấy, thích lấy theo ngày, tuần hay để hết tháng rồi lấy Công ty đều trả đủ cả. Đi làm mệt nhưng thằng Chơ con mình tối có thịt mỡ nhờn môi, nó khoái lắm...”.


Trong một tương lai không xa nữa, khi công trình ĐZ 110kV Hà Giang - Yên Minh và Trạm biến áp 110kV Yên Minh hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là một lợi thế to lớn, là động lực thúc đẩy Cao nguyên đá phát triển bền vững về KT-XH cũng như giúp cho huyện Yên Minh hoàn thành kế hoạch 100% thôn và 90% hộ được sử dụng điện trong năm 2011. Rồi đây, với ánh sáng của Đảng, Cao nguyên đá sẽ ngày càng “bừng sáng” hơn.


NGUYỄN PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm một số giống lúa lai mới
HGĐT- Ngày 26.9, tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức, Sở Nông nghiệp – PTNT tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quảkhảo nghiệm một số giống lai mới thử nghiệm phân bón TNP và mô hình bón vôi khử chua, bón phân cân đối vụ mùa năm 2011.
26/09/2011
Vì Hà Giang phát triển bền vững, vì sự trưởng thành của ngành Điện
HGĐT- Công ty Điện lực Hà Giang (tiền thân là Xí nghiệp Điện Hà Giang) ra đời năm 1960, giữa lúc nhiệm vụ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ của nhân dân ta đang ở thời kỳ gay go, quyết liệt. Trải qua nhiều thế hệ chiến đấu, lao động sản xuất, không ngừng vượt qua mọi gian nan thử thách; cán bộ, công nhân viên toàn ngành luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch
26/09/2011
Công ty CP Cao su Hà Giang đưa vào sử dụng 3 nhà trụ sở đội sản xuất
HGĐT- Vừa qua, Công ty CP Cao su Hà Giang đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 3 nhà trụ sở của 3 đội sản xuất với tổng giá trị đầu tư gần 4 tỷ đồng.
23/09/2011
Thành phố Hà Giang, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trên 40%
HGĐT- 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của thành phố Hà Giang ước thực hiện đạt 1.470 tỷ đồng, đạt trên 83% kế hoạch năm và tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 71%; tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 23,9%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiến 5,1%.
23/09/2011