Nhiều hoạt động liên doanh trong lĩnh vực khai khoáng chưa phát huy hiệu quả

17:43, 29/07/2011

HGĐT- “Đa số các dự án liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài triển khai ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đều chưa đáp ứng được năng lực, vì vậy, một số dự án phải dừng hoạt động, hoặc lệ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài”. Ông Lưu Tùng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định với chúng tôi như vậy.


Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc tiến hành liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài được triển khai nhằm tăng nguồn lực đầu tư, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KHKT, dây chuyền máy móc hiện đại của đối tác để tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Với mục tiêu đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã triển khai ký kết, hợp tác liên doanh với đối tác nước ngoài (chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc) để tận dụng lợi thế về công nghệ, dây chuyền, kỹ thuật khai thác mỏ đang là thế mạnh của Trung Quốc.


Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của tỉnh đã cấp phép hoạt động cho 7 liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài triển khai hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có 3 liên doanh đang hoạt động gồm: Dự án hợp tác kinh doanh giữa Công ty TNHH Đức Sơn với Công ty TNHH khoáng nghiệp Tân Nguyên (Trung Quốc); Công ty TNHH Minh Tiến với Công ty hữu hạn công mậu hàng thụy An Ninh (Trung Quốc); Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Bách (Công ty Hoàng Bách) với Công ty hữu hạn phát triển khoáng sản luyện kim Tuấn Đạt (Công ty Tuấn Đạt), thành phố Liễn Châu, Quảng Đông (Trung Quốc). Nhóm các dự án đang triển khai nhưng chưa hiệu quả gồm: Liên doanh giữa Công ty TNHH Đường Hồng với Công ty TNHH Đầu tư Lucky Star (Hồng Kông); Công ty Cổ phần phát triển khoáng sản quốc tế VCC Hà Giang với Công ty XNK Hoa Long (Trung Quốc); Công ty TNHH Vận Thiên và Công ty XNK Hoa Long (Trung Quốc). Có 1 dự án hết thời hạn hợp tác sản xuất, kinh doanh là liên doanh giữa Công ty Cổ phần Cơ khí - Khoáng sản Hà Giang với Công ty TNHH Kinh mậu Chúng Thao (Trung Quốc)...


Theo đánh giá của cơ quan chức năng: Việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài hoạt động ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản chủ yếu được thực hiện theo hình thức, doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng diện tích mỏ được chính quyền cấp giấy phép khai thác, phía đối tác nước ngoài góp vốn bằng dây chuyền công nghệ. Nhìn nhận một cách khách quan, hình thức hợp tác liên doanh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước tận dụng được lợi thế về kỹ thuật khai thác, dây chuyền công nghệ nhằm tạo hiệu quả trong việc khai thác, chế biến khoáng sản, nhưng qua quá trình hoạt động thực tế, rất ít liên doanh phát huy được tính ưu việt của nó.


Đợt kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản có liên doanh, liên kết với nước ngoài do Sở Công thương làm trưởng đoàn tiến hành gần đây chỉ rõ: Trong số 7 giấy phép liên doanh, liên kết được cấp phép, chỉ có 2 dự án đảm bảo đúng tiến độ và vận hành theo Giấy chứng nhận (GCN) đầu tư đã được cấp phép gồm Dự án khai thác, tuyển quặng sắt Ngài Thầu Sản của Công ty TNHH Minh Tiến với Công ty hữu hạn công mậu hàng thụy An Ninh và Công ty Hoàng Bách với Công ty Tuấn Đạt, các dự án còn lại đều chậm tiến độ đầu tư. Đa số các dự án chưa đáp ứng được năng lực chuyên môn để triển khai đầu tư có hiệu quả, vì vậy, một số liên doanh phải dừng hoạt động hoặc quá lệ thuộc vào đối tác nước ngoài; các dự án cơ bản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp tài chính theo đúng GCN đầu tư, tuy nhiên trong hợp tác kinh doanh, hầu hết đối tác Trung Quốc chiếm tỷ lệ chi phối về vốn.


Trong quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh, chỉ có 3 dự án hoạt động hiệu quả; dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Đường Hồng và Công ty Lucky Star Hồng Kông có nguy cơ không thể tiếp tục triển khai, bởi lẽ, sau khi được cấp GCN đầu tư, hai bên đã góp vốn, mở đường, đền bù GPMB, tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng, tuy nhiên, trong quá trình thăm dò, đánh giá trữ lượng bổ sung, dấu hiệu và sự tồn tại của các thân quặng trong diện tích được cấp phép giảm dần và có xu hướng không tồn tại. Dự án liên doanh giữa Công ty Cổ phần phát triển khoáng sản quốc tế VCC Hà Giang với Công ty XNK Hoa Long phải dừng hoạt động do quá trình vận hành, chạy thử nhà máy, sản phẩm kim loại chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như thẩm định, đồng thời phải đánh giá lại trữ lượng mỏ. Dự án hợp tác, liên doanh giữa Công ty Cổ phần Cơ khí - Khoáng sản Hà Giang với Công ty TNHH Kinh mậu Chúng Thao, dừng hợp tác do hết thời gian, hiệu lực theo GCN đầu tư.


Nhìn chung, thời gian qua, hoạt động liên doanh trong việc khai thác, chế biến khoáng sản chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa phát huy được khả năng như kỳ vọng ban đầu. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, đoàn công tác đề xuất UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động đầu tư, khai thác khoáng sản tại Hà Giang phải thành lập Văn phòng đại diện nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước; tăng cường kiểm tra sau khi cấp phép khai thác khoáng sản và GCN đầu tư, đôn đốc các chủ dự án thực hiện đầy đủ nội dung trong giấy phép khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản; thành lập Hội đồng thẩm định dây chuyền công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản trước khi lắp đặt, vận hành; kiên quyết đình chỉ các dự án chưa đảm bảo thủ tục pháp lý và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản...


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuất hiện dịch sâu róm hại thông tại 2 huyện Yên Minh và Xín Mần
HGĐT- Trên địa bàn Hà Giang, cây thông được trồng chủ yếu tại các huyện vùng cao như Yên Minh, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Xín Mần.
29/07/2011
Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch - hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững ở Mèo Vạc
HGĐT- Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Mèo Vạc xác định ngoài viêc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, còn cần phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương bằng viêc đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiêp, thương mại, dịch vụ,
27/07/2011
Hỗ trợ phát triển chăn nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo
HGĐT- Trong năm 2010, Dự án DPPR huyện Xín Mần đã hỗ trợ người nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, lấy đó làm hướng đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.
25/07/2011
Công ty CP Cao su Hà Giang: Tích cực tái canh bằng các giống cao su chịu lạnh và hướng phát triển bền vững
HGĐT- Theo chỉ đạo, định hướng của Bộ NN&PTNT và của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc sử dụng các giống cây cao su theo quy định cho vùng miền núi phía Bắc để phát triển một cách bền vững. Đồng thời, vùng Hà Giang đã xác định được các giống cao su qua thực tế đã khẳng định được sự thích nghi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
25/07/2011