Công ty CP Cao su Hà Giang: Tích cực tái canh bằng các giống cao su chịu lạnh và hướng phát triển bền vững

17:09, 25/07/2011

HGĐT- Theo chỉ đạo, định hướng của Bộ NN&PTNT và của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc sử dụng các giống cây cao su theo quy định cho vùng miền núi phía Bắc để phát triển một cách bền vững. Đồng thời, vùng Hà Giang đã xác định được các giống cao su qua thực tế đã khẳng định được sự thích nghi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.


 

 Chuyên gia của Bộ NN&PTNT và của tỉnh kiểm tra vườn cây giống tại xã Trung Thành (Vị Xuyên).


Để đảm bảo mục tiêu phát triển đã được tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (TĐCNCSVN) đề ra và khắc phục kịp thời, hiệu quả các diện tích chịu ảnh hưởng do đợt rét đậm lịch sử vừa qua, đến nay Công ty CP Cao su Hà Giang đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để tái canh bằng các giống cao su chịu lạnh, hướng tới phát triển bền vững.


Với chủ trương trồng các giống đã được Bộ NN&PTNT, TĐCNCSVN chỉ đạo và đã được thực tế chứng minh khả năng chịu đựng điều kiện thời tiết nhằm đảm bảo phát triển cây cao su bền vững, hiệu quả và ít rủi ro. Từ đó, Công ty CP Cao su Hà Giang sẽ tiến hành trồng tái canh và trồng mới bằng 100% các giống có khả năng chịu lạnh cao gồm IAN 873, VN772, VN774. Cùng với đó, theo chỉ đạo kỹ thuật, việc trồng tái canh và trồng mới sẽ được thực hiện theo hướng mỗi giống đưa vào trồng không chiếm quá 30% diện tích. Theo BQL Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh và Công ty CP Cao su Hà Giang, qua đợt trồng tái canh năm nay, trong thời gian tới, thời vụ trồng cao su ở tỉnh ta sẽ có sự điều chỉnh, trong đó sẽ tập trung trồng vào vụ xuân để đảm bảo cây có khả năng chống chịu trước khi bước vào mùa đông. Các biện pháp kỹ thuật như bón phân cân đối và hợp lí theo hướng tăng khả năng chống chịu của cây cao su trước khi vào mùa đông...


Bằng sự giúp đỡ của TĐCNCSVN, Viện nghiên cứu kỹ thuật của Tập đoàn về giống cùng với sự nỗ lực của Công ty CP Cao su Hà Giang trong việc lặn lội tìm cây giống từ “xứ lạnh” Vân Nam - Trung Quốc, tính đến nay đã có khoảng 24 vạn cây giống chịu lạnh được đưa về Hà Giang để phân bổ và ươm, trồng đồng đều cho 3 khu vực Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình. Với những nỗ lực của Công ty Cao su và các địa phương, theo báo cáo của tỉnh, tính đến tháng 7 này, toàn tỉnh đã trồng lại được khoảng 200ha cây cao su, trong đó tại huyện Vị Xuyên trồng được hơn 100ha, tại huyện Bắc Quang trồng được gần 100ha. Hiện nay, tại các vườn ươm giống tại Vô Điếm và Trung Thành với hàng vạn cây giống chịu lạnh được chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển rất tốt. Trên cơ sở đó, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 này, Công ty Cao su Hà Giang sẽ tập trung nhân lực để tái canh các diện tích bằng số giống đã nhập về. Đồng thời, sẽ tiếp tục chuẩn bị cùng với các địa phương vận động người dân tham gia góp đất khai hoang, chuẩn bị cho việc trồng mới vào vụ xuân năm 2012.


Thông qua chương trình phát triển cây cao su đến 2015, nếu chúng ta thực hiện theo đúng mục tiêu phát triển khoảng 1 vạn ha cao su theo hướng đại điền tại 3 địa phương là Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình thì khi cây cao su đi vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, sẽ có khoảng 5.000 lao động phổ thông được giải quyết việc làm. Trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới đang được đề hiện nay, nếu các cấp, ngành, địa phương và TĐCNCSVN có sự phối hợp đồng bộ thì các địa phương trồng cao su sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ chương trình trồng cây cao su. Bởi, nếu có sự lồng ghép các nguồn vốn của TĐCNCSVN và địa phương, sẽ mở mới rất nhiều tuyến đường liên thôn, cầu cống phục vụ sản xuất cao su và phát triển kinh tế, nhiều công trình hạ tầng như lưới điện, trạm y tế, nhà trẻ, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân và nhân dân sẽ được cải thiện trong vùng...


Để có thể phát triển cây cao su bền vững, phía tỉnh và TĐCNCSVN đang đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch cao su của tỉnh vào quy hoạch phát triển cây cao su của cả nước. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và có chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nông thôn ở vùng dự án trồng cao su. Cùng với đó, để đảm bảo trồng cây cao su đúng thời vụ, các cấp chính quyền, các địa phương trong vùng dự án cần nỗ lực phối hợp với Công ty CP Cao su Hà Giang trong công tác tuyên truyền, vận động người dân góp đất, tận thu lâm sản trên đất trồng cao su để bàn giao và hợp tác phát triển cây cao su. Phương án chia lợi nhuận giữa Công ty CP Cao su với người dân góp đất đang được các cơ quan chức năng từ T.Ư, TĐCNCSVN và địa phương tính toán xây dựng để đảm bảo sự hợp lý cho các bên đầu tư.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi giúp người dân xóa đói giảm nghèo
HGĐT- Trong năm 2010, Dự án DPPR huyện Xín Mần đã hỗ trợ người nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, lấy đó làm hướng đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.
25/07/2011
Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu
HGĐT- Nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 (khóa XIV), đã ra Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu: Giao thông, lưới điện, bưu chính viễn thông, thủy lợi và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2015”.
22/07/2011
Quang Bình gieo cấy vụ mùa
HGĐT- Mặc dù thời vụ diễn ra chậm hơn so với mọi năm nhưng đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Quang Bình đang khẩn trương đẩy mạnh sản xuất lúa vụ mùa và phấn đấu hoàn thành gieo cấy vụ mùa trong tháng 7.
20/07/2011
Vị Xuyên phấn đấu đạt kế hoạch 50.818 tấn lương thực năm 2011
HGĐT- Theo đánh giá của UBND huyện Vị Xuyên, trong 6 tháng đầu năm, rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo và thực hiện sản xuất vụ đông - xuân 2010-2011. Toàn huyện có trên 6 nghìn kg mạ đã gieo và 1.374 con trâu, bò bị chết, hơn 138 ha diện tích cây cao su đã trồng bị chết hoặc ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.
20/07/2011