Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

16:36, 28/10/2009

HGĐT- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là bước tiến quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa. Mấy năm gần đây, tỉnh ta luôn kiên trì thực hiện chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã tạo được hiệu quả tích cực. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Đế, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.


Phóng viên (PV): Những năm gần đây, tỉnh ta có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vậy, quá trình chuyển đổi được tiến hành như thế nào?


 
 Đồng chí Hoàng Văn Đế, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.
Ông Hoàng Văn Đế: Hà Giang là tỉnh nông nghiệp, khoảng 80% dân số sống ở khu vực nông thôn. Đây là lực lượng quan trọng, tạo ra khối lượng nông sản lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Nhưng nhiều năm trước đây, Hà Giang lại là vùng trọng điểm cứu đói của T.Ư, nhiều vùng người dân thiếu lương thực từ 3-4 tháng. Sản phẩm nông nghiệp làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, làm sao có thể cung cấp ra thị trường, làm sao có thể trở thành hàng hóa. Nguyên nhân của tình trạng trên do sản xuất manh mún, chưa có chiến lược cụ thể để tạo ra những vùng hàng hóa chất lượng cao. Giải quyết tình trạng trên, ngay từ Đại hội XII, Đảng bộ tỉnh đã đề ra chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất. Mục tiêu đặt ra là phải ứng dụng mạnh KHKT vào quá trình sản xuất, đưa những giống cây trồng thích hợp, có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, từng bước đảm bảo nguồn lương thực cho tiêu dùng tại chỗ, vừa có sản phẩm trao đổi trên thị trường. Để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đi vào cuộc sống, tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh, chọn những mô hình sản xuất nổi trội để xây dựng dự án và nhân rộng. Tổ chức sản xuất theo phương án khai thác tối đa các điều kiện sinh thái để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha diện tích đất canh tác.


PV: Hà Giang là vùng đa dân tộc, tập quán canh tác của người dân ở mỗi vùng, miền rất khác nhau, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có gì khó khăn?


Ông Hoàng Văn Đế: Mấu chốt của chuyển đổi là phải xác định được cơ cấu cây trồng phù hợp và phải dựa trên những luận cứ khoa học cụ thể. Xác định rõ mục tiêu, ngành Nông nghiệp đã tập trung toàn lực lượng, huy động sự tham gia của nhiều nhà khoa học để lựa chọn các loại giống cây trồng phù hợp đưa vào gieo trồng, đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất, phát huy tập quan canh tác của đồng bào dân tộc ở các vùng, miền trong tỉnh. Thời gian đầu thực hiện chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn. Người dân địa phương sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm truyền qua nhiều thế hệ, nhiều loại giống cây trồng có cách đây hàng chục năm, đã thoái hóa vẫn được người dân sử dụng. Tập quán canh tác đó đã thành nếp nhăn trong não, đã ngấm vào máu, đâu dễ bảo chuyển là chuyển ngay được. Đồng bào vùng cao không nói nhiều, chỉ nhìn vào thực tế, muốn người dân làm theo chỉ cần tạo ra những mô hình sản xuất mới đối chiếu với phương thức sản xuất cũ. Nếu thấy mô hình chuyển đổi cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, mọi người sẽ tự vận động nhau làm theo.


PV: Ông có thể đánh giá kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua?


Ông Hoàng Văn Đế: Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, đến nay chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thực sự đi vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm tăng trên 6%; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2009 đạt gần 300 nghìn tấn, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước; hệ số sử dụng đất tăng từ 1,7 lần năm 2008 lên 1,75 lần năm 2009; giá trị sản phẩm thực hiện trên 1 ha đất canh tác đạt trên 22 triệu đồng/năm; bình quân lương thực đạt 420 kg/người/năm. Từ lúc sản xuất còn manh mún, đến nay đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung như: Chè, cam, đậu tương, vùng lúa, ngô chất lượng cao, các cánh đồng mẫu... Giờ đây, người dân Hà Giang không những chủ động được nguồn lương thực, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa. Việc áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra khối lượng sản phẩm lớn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước XĐGN.


PV: Hà Giang có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế cao. Nhưng hiện nay, phần lớn sản phẩm nông nghiệp của địa phương vẫn chưa có thương hiệu, chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường. Theo ông đâu là nguyên nhân, giải pháp khắc phục?


Ông Hoàng Văn Đế: Hà Giang có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng như Cam sành Hà Giang, chè Shan tuyết; mật o­ng Bạc Hà; thịt bò vùng cao, rượu ngô... Một số mặt hàng nông sản đã tạo được thương hiệu không những của thị trường trong nước mà cả ở thị trường thế giới nhưng con số sản phẩm như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này khẳng định, mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp chưa bền vững. Công tác quy hoạch vùng chuyên canh nông sản, quy mô sản xuất bộc lộ nhiều bất cập, chưa tổ chức được liên kết vùng và hệ thống tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp. Đa số các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng lực cạnh tranh thấp. Khắc phục tình trạng này cần tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh với các loại cây trồng đặc thù, thế mạnh để xây dựng thương hiệu sản phẩm.


PV: Ông có thể cho biết định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới?


Ông Hoàng Văn Đế: Trên cơ sở những kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh áp dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấu giống sản xuất đối với các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô, lạc, đậu tương...theo phương châm vừa trồng giống mới, năng suất cao vừa trồng giống địa phương có phẩm chất tốt để phát huy hiệu quả lợi thế cạnh tranh. Tiến hành xây dựng vùng lúa chất lượng cao với diện tích 6 nghìn ha, đưa diện tích thâm canh lúa hàng năm chiếm 85% tổng diện tích gieo trồng; hoàn thành xây dựng thương hiệu sản phẩm cam, quýt, dầu cải Hà Giang… Như vậy, chúng ta sẽ từng bước đưa nền nông nghiệp thực sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, XĐGN trong nông nghiệp, nông thôn.


PV: Xin cảm ơn ông!


Thiên Thanh (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Bắc Quang tổng kết sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2009
HGĐT- Ngày 23.10, tại xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2009 và triển khai sản xuất vụ Đông - xuân năm 2009-2010.
28/10/2009
Công ty Xăng, dầu Hà Giang: Khánh thành Cửa hàng Xăng, dầu Thanh Thủy
HGĐT- Sáng 26.10, tại xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), Công ty Xăng, dầu Hà Giang tổ chức Lễ khánh thành Cửa hàng Xăng, dầu Thanh Thủy. Dự Lễ khánh thành có lãnh đạo: Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh; Phòng Cảnh sát môi trường, PCCC Công an tỉnh; huyện Vị Xuyên và xã Thanh Thủy.
28/10/2009
Hiệu quả của đề tài sản xuất hạt giống lúa ở Bắc Quang
HGĐT- Trong những năm gần đây các giống lúa thuần chất lượng cao đã được nhân dân trong huyện Bắc Quang đưa vào gieo cấy chiếm 30% diện tích lúa nước của huyện. Các giống lúa này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.
28/10/2009
Xín Mần chuyển đổi cơ cấu giống lúa bằng các mô hình
HGĐT- Vụ mùa 2009, Xín Mần xây dựng 142 mô hình cấy lúa bằng 3 loại giống thuần chủng là Khang Dân 18, Bao Thai và HT1 với mong muốn làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu giống lúa cấy tại các xã trong huyện, và tiết kiệm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tăng lợi ích kinh tế cho đồng bào địa phương, đồng thời giảm chi phí trong công tác khuyến nông, từng bước
28/10/2009