Đường Ba Khá bao giờ mới... khá?

07:08, 21/07/2015

BHG- Dù chiều dài chỉ trên 10km nhưng đường Ba Khá nối các thôn: Khá Hạ, Khá Trung, Khá Thượng của xã Tân Lập (Bắc Quang) trở thành nỗi cơ cực của hàng trăm hộ dân khi lưu thông trên đường, bởi độ khó và nguy hiểm. Rồi niềm vui đường Ba Khá được nâng cấp, góp phần thúc đẩy KH-XH phát triển trong tương lai gần, nhanh chóng... “mất tín hiệu”, khiến lòng dân như “nắng hạn” chờ mãi “mưa rào”.

Người dân mong chờ đường Ba Khá tái thi công để thúc đẩy KT-XH phát triển.
Người dân mong chờ đường Ba Khá tái thi công để thúc đẩy KT-XH phát triển.

Thương tích, thiệt mạng vì... đường khó:

Suốt chiều dài của đường Ba Khá, ngoài dốc cao, vực thẳm, suối sâu còn có đá nhỏ, to như dòng suối cạn trơ đá, thường trực nguy hiểm đối với sự di chuyển bằng xe máy (không có đường ô-tô) của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Dao. Do vậy, anh Triệu Chòi Chiêm, Triệu Quầng Tỉnh (thôn Khá Thượng) đều bị đá... “hạ gục”, khiến các anh người bị gãy chân, người thì thương tích về mắt. Riêng anh Phàn Phụ Chòi (thôn Khá Trung) còn mất lái, lao thẳng xuống taluy âm chỉ vì bánh xe trượt khỏi đá. “Cũng may, tôi bị thương nhẹ vì mắc phải cỏ, cây dại phía dưới vực nhưng xe máy thì hư hỏng nặng khi rơi xuống vực, cách mặt đường trên 50m”, anh Chòi nhớ lại.

Góp thêm độ khó của đường Ba Khá là nhiều đoạn suối không chỉ gồ ghề đá với nước chảy xiết mà còn dài vài chục mét, buộc người dân phải lựa chọn di chuyển, nếu muốn đến những địa điểm khác. Trên đoạn đường ấy, bác Triệu Chòi Chán (thôn Khá Trung) đã bị nước lũ “xô ngã”, gây thương tích và thiệt hại trên 2 triệu đồng tiền sửa xe máy sau tai nạn. Riêng với các cô giáo điểm trường mầm non, tiểu học tại 3 thôn trên, vì “chân yếu, tay mềm” đều chấp nhận đi bộ từ xã vào điểm trường, dạy chữ cho trẻ. Ngày mưa, lũ, hình ảnh thường xuyên nhất chính là việc thầy, cô ngoài cặp sách còn mang theo bộ quần áo để đến điểm trường, thay cho trang phục trên người đã ướt đẫm vì lội suối sâu. Còn khi lũ lớn, không một ai dám mạo hiểm vượt suối, cho dù có việc cấp bách...

Nhiều năm trở lại đây, những sản phụ như các chị: Lý Thị Nhính (thôn Khá Thượng), Phàn Mùi Khé, Phàn Mùi Liễu, Phàn Mùi Pham (thôn Khá Hạ) và nhiều sản phụ khác đã sinh con ngay trên đường Ba Khá. Bởi đường đá xóc, sản phụ không thể ngồi trên máy mà buộc phải dùng võng “cáng” bộ vài cây số để đến cơ sở y tế, khi có dấu hiệu chuyển dạ. Dù không được cán bộ y tế hộ sinh và chăm sóc sức khỏe sau sinh nhưng các chị vẫn may mắn “vượt cạn” an toàn. Còn sản phụ Đặng Thị Moang (thôn Khá Thượng) đã thiệt mạng sau sinh vì băng huyết và cháu bé ngừng thở khi không được chăm sóc sức khỏe kịp thời. Cùng với đó, nhiều trường hợp đau dạ dày, ruột thừa đã đánh vật với cơn đau dài trên võng “cáng”, phó mặc sự an toàn của bản thân... cho số phận, trước khi được chuyển đến bệnh viện.

Cần khơi thông huyết mạch giao thông:

Ba thôn: Khá Thượng, Khá Hạ, Khá Trung hiện có 127 hộ dân (trong đó, 76 hộ nghèo, cận nghèo, số còn lại là hộ trung bình và 7 hộ khá); chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Nguồn thu nhập chủ yếu của họ dựa vào 113,96 ha chè Shan tuyết và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng đàn lên đến 4.847 con (trong đó, tổng đàn gia súc đạt 1.391 con). Nhưng sản phẩm nông nghiệp của họ khó có thể bán ra thị trường hoặc nếu có thì chi phí vận chuyển tương đối cao, chỉ vì đường giao thông bất thuận.

Anh Lò Dùn Quấy (thôn Khá Thượng) chia sẻ: “Mặc dù gia đình cách trung tâm xã Tân Lập chỉ 3km nhưng để đi và về trên đoạn đường ấy, xe máy Win Sufat của tôi tiêu tốn 1 lít xăng (người dân chủ yếu sử dụng xe này vì phù hợp với địa hình vùng cao – PV). Trong khi đó, nếu di chuyển đường bằng thì 1 lít xăng, phương tiện có thể đi khoảng 25km. Và nếu đường Ba Khá dễ đi, tôi chắc chắn sẽ chọn mua loại xe máy khác, có kiểu dáng đẹp, tiết kiệm nhiên liệu hơn so với xe Win!”. Không chỉ thường xuyên ngã xe máy mà khi bán được từ 50-80 kg chè Shan tuyết/chuyến (giá 5-8.000 đồng/kg), anh Lò Phộng Sinh (thôn Khá Thượng) phải chi hàng trăm nghìn đồng tiền sửa xe máy/lần, do hư hại vì di chuyển trên đường khó; khiến nguồn thu không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Còn Trưởng thôn Khá Trung, Phàn Dùn Chán cho biết: “Ngoài thu nhập chính từ 16 ha chè Shan tuyết, chúng tôi còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng khó có thể tiêu thụ để tăng thu nhập, chỉ vì đường giao thông bất thuận. Đặc biệt, không có thương lái nào tìm đến thôn để mua lợn, dê hay gà”,... Và đó cũng là thực tế chung tại thôn Khá Thượng, Khá Hạ.

Với những khó khăn trên, năm 2013, đồng bào Dao vui mừng khi công trình đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã Tân Lập đi thôn Khá Trung được triển khai thực hiện, với dự toán lên đến 4 tỷ 842 triệu đồng (tại Quyết định Phê duyệt dự toán số 3200 ngày 21.5.2013 của UBND huyện Bắc Quang). Công trình do Phòng Dân tộc huyện Bắc Quang làm chủ đầu tư, Công ty TNHH 1 thành viên Quang Ngọc (Bắc Quang) thi công. Và được UBND tỉnh phân bổ 550 triệu đồng (từ nguồn vốn duy tu bảo dưỡng sau đầu tư), UBND huyện Bắc Quang cấp 100 triệu đồng (từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông) để thực hiện hạng mục nền đường. Nhưng đến hết năm 2013, mới chỉ có gần 1km đường Ba Khá được mở rộng 5m nền đường thì ngừng thi công, vì chưa được cấp vốn bổ sung mà khối lượng công việc thực hiện đã lên đến 1,1 tỷ đồng...

Đường giao thông được ví như huyết mạch của sự phát triển KT-XH. Vì vậy nhiều người dân mong rằng, đường Ba Khá sớm được các cấp có thẩm quyền khơi thông huyết mạch; để cuộc sống đồng bào vơi bớt gian nan.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ưu tiên kinh phí sửa chữa Nhà máy Thủy điện Tiên Nguyên

HGO- Cử tri xã Tân Trịnh (Quang Bình) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý đối với các công trình thủy điện nhỏ được xây dựng trên địa bàn huyện Quang Bình đến nay đã hỏng, không có tổ chức, cá nhân nào quản lý.

31/01/2015
Đường điện thôn Sủng Cáng sẽ sớm được đấu nối

HGO- Sau khi bà con thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có ý kiến kiến nghị về tình trạng hệ thống đường điện đã kéo về thôn nhưng hơn một năm nay vẫn chưa đóng điện cho người dân sử dụng điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất. 

31/01/2015
30 hộ dân xã Đường Thượng mong các cấp sớm giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng
HGĐT- Qua các lần tiếp xúc cử tri, người dân xã Đường Thượng (Yên Minh) đã nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành về vấn đề còn 30 gia đình chưa được đền bù tiền giải phóng mặt bằng khi xây dựng công trình “Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Đường Thượng – Thái An (Km0 – Km7) xã Đường Thượng, huyện Yên Minh” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Anh Vừ
30/10/2014
UBND các huyện cân đối ngân sách đảm bảo công tác huấn luyện dân quân, tự vệ
HGĐT- Trong những nội dung kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, có một nội dung kiến nghị của cử tri xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) đề nghị UBND tỉnh xem xét, phân bổ kinh phí đảm bảo thực hiện các chế độ chi cho huấn luyện và các chế độ khác cho dân quân theo Luật Dân quân, tự vệ. Vì hiện nay, kinh phí cấp cho hoạt động này chưa đảm bảo huấn luyện dân
28/10/2014