Đặt mục tiêu 100% người nghèo đủ điều kiện được tiếp cận dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách Xã hội

09:59, 06/04/2023

BHG - Ngày 4.1.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Nhà nước tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang thẩm định mô hình kinh tế của người dân vay vốn
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hà Giang thẩm định mô hình kinh tế của người dân vay vốn

Mục tiêu cụ thể là thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH. Tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hằng năm khoảng 10%; cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, hằng năm tăng dần tỷ trọng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh.

Thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hằng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu lực hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật. Xây dựng nền tảng ngân hàng số, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, hiện đại hóa công tác quản trị điều hành của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Chiến lược Công nghệ thông tin ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển NHCSXH đến năm 2030 như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH; tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ với các tính năng hiện đại, chi phí hợp lý, phù hợp với đối tượng khách hàng của NHCSXH; nâng cao năng lực tài chính đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của NHCSXH; chú trọng phát triển nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý và xử lý nợ rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển của NHCSXH; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và công tác truyền thông của NHCSXH; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục giải quyết công việc.

Sau khi Chính phủ ban hành chiến lược, ngày 20.3.2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Để xem chi tiết nội dung kế hoạch, bạn đọc click vào đường link dưới đây:

Minh Nhật


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký kết phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh
BHG - Chiều 30.3, Ủy ban MTTQ tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp. Đồng chí Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. 
30/03/2023
Vốn tín dụng chính sách góp nhành Xuân no ấm
BHG - Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hoàng Su Phì đến thăm những hộ dân sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả. Niềm vui ánh lên trên gương mặt của những người nông dân vì nhờ nguồn vốn ưu đãi mà họ có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn chính sách đã góp phần đem mùa Xuân no ấm đến với mọi nhà.
10/02/2023