Cảm nhận về Trường ca “Con đường máu và hoa” của tác giả Đặng Quang Vượng

16:18, 26/03/2014

HGĐT- Trong trái tim mình, nhà thơ - nhà báo Đặng Quang Vượng luôn coi Hà Giang là quê hương thứ hai. Miền đất ấy đã gắn bó cuộc đời anh với bao kỉ niệm sâu sắc và những năm tháng cống hiến hết mình cho sự nghiệp làm báo, sáng tác văn học.


Anh là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội VH – NT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hiện nay, anh đang giữ cương vị Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang. Anh đã xuất bản mười tập sách, tiêu biểu là trường ca “Con đường Máu và Hoa”. Tác phẩm đạt giải khuyến khích của Hội VH- NT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013.


Nhà thơ, nhà báo Đặng Quang Vượng (người thứ hai từ trái sang) cùng các Nhà văn Việt Nam trên đỉnh Mã Pì Lèng - con đường Hạnh phúc.

Trường ca “Con đường Máu và Hoa” dài hơn một trăm trang, kết cấu thành mười bốn chương. Xuyên suốt tác phẩm là lời ca hùng tráng, mang đậm tình yêu quê hương đất nước. Đó là một huyền thoại về công cuộc mở đường đến với ấm no, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc Hà Giang cách đây hơn năm mươi năm:

Đảng, Bác Hồ quyết định:

Phía Nam mở đường vượt Trường Sơn

Phía Bắc, mở đường lên Hạnh Phúc

Hai con đường - hai huyết mạch

Đường Trường Sơn - giành độc lập

Đường Hạnh Phúc - vươn tới ấm no.

 

Con đường mang tên Hạnh Phúc với hàng ngàn thanh niên xung phong và dân công sáu tỉnh Khu tự trị Việt Bắc cùng hai tỉnh Hải Dương, Nam Định “mở đường, xẻ núi đá, vượt Cổng trời” vào những năm 1959 - 1965 nơi rừng thiêng, nước độc, thưa dấu chân người. Đó là Quốc lộ 4C Hà Giang - Đồng Văn – Mèo Vạc- Con đường Máu và Hoa!

 

Điều mới lạ và hấp dẫn người đọc chính là tác giả đã vẽ lên chân dung và tượng đài những con người dũng mãnh, phi thường hiếm có trong lịch sử. Những con người bình thường ấy đã hóa thân lặng lẽ để dâng hoa thơm, trái ngọt cho đời. Họ đã trở thành loài hoa bất tử trong lòng các dân tộc Hà Giang:

 

Hơn hai ngàn ngày

Hơn hai ngàn con người bất diệt

Họ đã sống

Lao động

Tay không

Chống chọi với nắng cháy

Bão giông

Giá lạnh

Thiếu nước

Đói cơm

Sốt rét rừng

Thần chết

Gió như ngựa phi xuống dốc

Lạnh như dao cứa thịt da.

 

Tác giả đã tái hiện lại công cuộc mở đường đầy gian khổ, hi sinh qua những hình ảnh sống động về mảnh đất và con người Hà Giang. Họ đã bấp chấp tất cả để vượt lên những địa danh hẻo lánh, những núi cao, vực sâu hiểm trở:


Đèo cao

Vực thẳm

Họ phát cây

Phá đá…

Quyện tiếng hò reo

Cơm vắt, lũ rừng

Mồ hôi ướp sương

Hớp nước xẻ nửa

 

Họ luôn ở trong tình thế “Như lửa bỏng, cơm sôi”:

Người treo trên vách đá

Nhìn bạn mình

Như con chim sắp ngã

Hàng chục trái tim thấp thỏm đợi chờ.

*

Mỗi cây số

Suối mồ hôi đổ

Máu người rơi

Họ “thi gan với trời”

“những con người gang thép”

 

Họ đúng là những người làm lên kì tích lịch sử! Hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng giây treo mình trên vách đá như những con mối dách đục, đẽo đá. Cái đói, cái rét, thú dữ rình rập cũng không làm họ nản chí. Họ vẫn bám vào đá một cách kiên cường, dũng cảm:

 

Bằng ý chí hợp nên sức mạnh

Đào núi ngăn sông, phá đá mở đường

Mỗi pháo đài - là một cung đường

Mỗi con người - là một chiến sĩ.

 

Họ luôn mang trong mình khát vọng lớn lao của thời đại. Mặc những thách thức đang đè nặng trên đôi vai, mặc chông gai đang cản bước ở phía trước nhưng họ vẫn một lòng quyết tâm thực hiện công cuộc mở đường với tất cả niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng:

 

Hạnh phúc ấy

Họ đi từ trái tim

từ gian khổ

Khát khao

Mơ ước

Có những lúc tưởng như tuột khỏi tay từng giờ, từng phút

Có một niềm tin yêu sâu sắc, bất diệt vào tương lai.

 

Trong gian khổ, họ yêu thương nhau thắm thiết hơn và nảy nở những kỉ niệm đẹp, những trang tình sử ngọt ngào đầy lãng mạn:


Nhứng đứa con

Nếu là trai đặt tên là Phúc

Là gái đặt tên là Hạnh

Hạnh - Phúc là con đường khát vọng của chúng ta.

 

Hạnh phúc tuy đơn sơ, giản dị nhưng quý giá biết nhường nào! Và hạnh phúc ấy phải đổi bằng máu và nước mắt, bằng sự hi sinh thầm lặng của biết bao người. Đó là khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ, ước vọng lớn lao về sự thay đổi, làm giàu cho quê hương, đất nước.

 

Thơ Đặng Quang Vượng dường như đã trói chặt trái tim mỗi người về miền đất cực Bắc thiêng liêng đầy hào hùng của đất Việt. Bởi trong thơ anh luôn thể hiện khí thế mạnh mẽ, một niềm tin mãnh liệt vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội:


Ngày mở đường

Đêm về cầm súng

Giấc ngủ chập chờn

Thổ phỉ rình rập

Nhưng lời ca không dứt

 

Họ chính là những chiến sĩ mới trên mặt trận xây dựng, mang trong mình một sức sống bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Họ đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân, hóa thân vào đất mẹ thân thương để làm nên cuộc sống diệu kì cho muôn đời con cháu mai sau:

Họ làm nên bản hùng ca

Ghi tiếp vào truyền thống của ông cha

Vào trang sử hào hùng dân tộc

Trang sử không chỉ có đánh giặc

Giải phóng đất nước

Trang sử vàng

Về con đường - thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Đặng Quang Vượng viết về những con người "gang thép” bằng tất cả tấm lòng của mình. Thông qua những hành động phi thường, tác giả đã vẽ lên bức chân dung những thanh niên ưu tú trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh mang tầm cỡ và vẻ đẹp dân tộc; đồng thời ngợi ca sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta trong quá trình dựng xây đất nước. 

 

Có thể nói, thành công của Đặng Quang Vượng là tạc lên một tượng đài tập thể anh hùng của thời đại anh hùng. Qua đó, tác giả muốn bày tỏ tình cảm trân trọng, khâm phục và ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của những con người vĩ đại mà anh vô cùng yêu quý:

           
                             
Họ đã làm nên một kì tích

Cuộc "Trường chinh” vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi

Đỉnh cao của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng trên cực Bắc xa xôi.

 

Con đường đó đúng với tên gọi: “Con đường Hạnh Phúc”! Con đường có một không hai trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nó như ánh hào quang mới chiếu sáng khắp núi rừng biên cương cực Bắc, lung linh, huyền ảo như trong câu chuyện cổ tích. Nó trở thành không gian lịch sử, nơi hội tụ những cuộc đời “Đã hóa núi sông ta”, trở thành nơi kết tinh lòng yêu nước, đức hi sinh của những con người mang trong mình sứ mệnh đặc biệt, làm nên con đường đã đi vào huyền thoại như một giấc mơ đẹp, đúng với tâm nguyện của Đảng và Bác Hồ kính yêu:

Con đường bon như lời hát

Êm như bản nhạc

Qua những rừng đá trập trùng

Qua những nương ngô xanh non

Ngút ngàn rừng thông vi vút

Những thị trấn nhộn nhịp

Bản làng mái ngói tươi đỏ

Các cô gái Tày, Mông, Dao, Lô Lô… nét mặt hoa cười

… Các em học sinh tung tăng khăn quàng đỏ đến trường

Buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu

Cuộc sống mới như sức tiên huyền ảo.

 

Phải có một sự trải nghiệm vô cùng sâu sắc, Đặng Quang Vượng mới viết lên hành khúc hấp dẫn người đọc đến như vậy. Tác giả đã giúp chúng ta khám phá một vùng đất vừa thiêng liêng, hùng vĩ và tráng lệ. Dưới bàn tay lao động thần kì của con người, nơi đó đã trở thành miền đất đầy tiềm năng. Và hôm nay con đường Hạnh Phúc đã tạo nên một Cao nguyên đá Đồng Văn làm đắm say bao du khách. Chính vì vậy, năm 2010 Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đây là công viên địa chất thứ hai ở Đông Nam Á và là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam. Cao nguyên đá Đồng Văn đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa Hà Giang có tên trên "bản đồ du lịch" thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên địa đầu Tổ quốc thân yêu.

Giờ đây, du khách đến thăm Hà Giang luôn ngây ngất trước sắc thắm của hoa đào, hoa tam giác mạch; được chiêm ngưỡng cảnh núi non trùng điệp, với Cổng trời phủ đầy mây trắng, núi cô Tiên căng tròn nhựa sống và dòng sông Nho Quế uốn lượn; được trải nghiệm trên những hoang mạc đá tai mèo sắc nhọn với con đường Hạnh Phúc thể hiện niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Hà Giang và ngưỡng mộ trước những con người quả cảm... Chúng ta thật tự hào và hạnh phúc mỗi khi trải dài bước chân trên đá mẹ, ngắm lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trước gió trên đỉnh Núi Rồng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam! Chính vì vậy, trường ca
“Con đường Máu và Hoa” đã góp phần không nhỏ giúp thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ hơn về công cuộc kiến thiết nước nhà; bồi dưỡng thêm lòng yêu quê hương đất nước. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm một thông điệp quý báu đến với độc giả như một lời chia sẻ, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của thế hệ trẻ đối với cha anh đi trước.

 

Đặng Quang Vượng cảm nhận rất sâu sắc về mảnh đất mà tác giả đang sống nên tác giả đã dồn nén cảm xúc, chọn lọc hình ảnh điển hình với những sự kiện tiêu biểu qua lối trần thuật khoan thai, trầm tĩnh, giọng điệu, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị để khắc họa một thời kì lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Hà Giang nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Đánh dấu một trang sử hào hùng, chói lọi, mở con đường xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Đó là câu chuyện của một dân tộc, một thời đại oanh liệt! Tuy nhiên, người đọc vẫn cảm thấy một chút băn khoăn: với tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân văn như vậy, lời ca sẽ bay bổng, diệu kì hơn nếu tác giả có thêm sự chau chuốt về từ ngữ.

 

Xin trân trọng kính chào các anh, các chị - Những con người đẹp nhất của thế kỉ XX - Những con người đã làm nên cung đường Hạnh Phúc!        
                                         Hà Giang, tháng 3 năm 2014


LÊ THỊ KIM DUNG (Trường CĐSP Hà Giang)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê xây dựng đời sống văn hóa gắn học tập và làm theo gương Bác
HGĐT- Cơ quan, công sở, làng bản, tổ dân phố, gia đình và mỗi cá nhân đều đoàn kết, nỗ lực hết mình trong lao động, học tập, rèn luyện và thi đua dành danh hiệu văn hóa... Đó là kết quả bước đầu mà phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mang lại trên địa bàn huyện Bắc Mê trong thời
26/02/2014
Hang Đán Pióong, huyện Vị Xuyên được công nhận Di tích cấp Quốc gia
HGĐT - Ngày 10.3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định xếp hạng danh thắng hang Đán Pióong xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên trở thành di tích cấp Quốc gia. Đây hiện là di tích thứ tư và là danh lam thắng cảnh đầu tiên của huyện Vị Xuyên được công nhận.
24/03/2014
Lễ cúng Thần rừng của người Nùng Hoàng Su Phì
HGĐT - Theo truyền thống của người Nùng ở Hoàng Su Phì, tại mỗi thôn bản bao giờ cũng có ít nhất một khu rừng được khoanh vùng để làm rừng cấm và lập miếu thờ của cộng đồng.
21/03/2014
Hạnh phúc luôn hiển hiện, rất đỗi giản dị
Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, sáng 20/3, với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ngành, đoàn thể Trung ương.
20/03/2014