Tiếng nhạc ngựa dưới đỉnh Gia Long huyền thoại

23:49, 20/09/2019

BHG - Người Nùng ở Xín Mần hiện vẫn bảo lưu được những nét đẹp truyền thống và văn hóa riêng biệt của cha ông. Trong kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc Nùng, bên cạnh các phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, trang phục mang màu sắc núi rừng thì các nghi lễ, diễn xướng cũng để lại cho nhiều người những ấn tượng tốt đẹp. Điệu múa Ngựa giấy với tiết tấu sôi động, rộn ràng bao giờ cũng gây được sự chú ý của người xem mỗi khi được trình diễn.

Các nghệ nhân đan Ngựa giấy.
Các nghệ nhân đan ngựa giấy.

Múa Ngựa giấy là diễn xướng văn hóa gắn với đời sống tâm linh của dân tộc Nùng sinh sống dưới đỉnh núi Gia Long. Từ xa xưa, ngựa có vai trò quan trọng với người dân miền núi; người Nùng quan niệm, ở thế giới bên kia, người mất cũng cần có ngựa để đi lại và thồ hàng, nên trong các đám hiếu họ thường tổ chức múa Ngựa giấy để dâng cúng cho người đã khuất cùng các lễ vật khác. Người Nùng biểu diễn múa Ngựa giấy với mô hình được đan thủ công, tỉ mỷ và dán giấy có hình thân, đầu ngựa. Múa Ngựa giấy có thể múa 2 người tượng trưng cho một cặp ngựa đực và cái, mô phỏng đôi ngựa từ lúc nhẩn nha gặm cỏ, rồi tung vó hí vang trên đồng, cùng nhau dạo chơi với tiếng nhạc ngựa vui tai. Hấp dẫn và sôi động nhất là phần múa miêu tả đôi ngựa bày tỏ tình yêu thương quấn quýt, rồi giận hờn phi nước đại tung vó. Lúc này, người múa nhập tâm từng bước chân, cái nhảy đồng điệu với tiếng nhạc khiến cho người xem bị cuốn hút không rời…

Học sinh Trường Tiểu học Nấm Dẩn say mê với điệu múa.
Học sinh Trường Tiểu học Nấm Dẩn say mê với điệu múa.

Ngày nay, học sinh trên địa bàn huyện được truyền dạy từ nghệ nhân dân gian thường biểu diễn múa tập thể với sự tham gia của nhiều cặp ngựa, tạo sự nhộn nhịp khó quên trong các buổi lễ. Nghệ nhân Cháng Văn Nam, thôn Lùng Cháng, xã Nấm Dẩn cho biết: Điệu múa Ngựa giấy của dân tộc Nùng được truyền lại từ xa xưa. Trong đám tang của người Nùng, các nghệ nhân đan mô hình ngựa để những trai tráng mạnh khỏe, biết múa thành thạo bài múa Ngựa giấy biểu diễn.

Múa Ngựa giấy chỉ có ở dân tộc Nùng, điệu múa thiêng liêng này là nghệ thuật biểu diễn đặc sắc, làm giàu thêm kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Hà Giang. Hiện nay, với chương trình giảng dạy văn hóa truyền thống và kỹ năng sống ở nhà trường đang đạt những thành quả đáng mừng, thì múa Ngựa giấy và các nét đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian đang trở thành những giờ học bổ ích. Những nghệ nhân nhí thả hồn vào các điệu múa, bài hát cổ truyền của dân tộc càng trở nên phổ biến ở các trường học; văn hóa dân gian, những nét tinh túy đang được kế thừa và tiếng nhạc ngựa rộn ràng, linh thiêng của người Nùng sẽ mãi vang dưới đỉnh Gia Long huyền thoại.

    Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kiệt tác nghệ thuật giữa núi rừng

BHG - Một kiệt tác nghệ thuật không vẽ bằng bút, sáp màu mà được "vẽ" bằng sức lao động và khả năng sáng tạo vô tận của người nông dân. Trải qua hàng trăm năm cùng cuộc mưu sinh no ấm, người dân Hoàng Su Phì đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, thơ mộng như tranh vẽ giữa điệp trùng rừng núi làm mê đắm lòng du khách.

 

20/09/2019
Bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục

BHG - Sáng 20.9, tại Khách sạn Anh Tú, T.p Hà Giang, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục (TTGD) năm 2019. Tham dự có: Đại diện Học viện Quản lý giáo dục; Sở GD&ĐT cùng đông đảo học viên.

 

20/09/2019
Khai mạc Cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam năm 2019

BHG - Nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa du lịch "Qua những miền di sản Ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì năm 2019, sáng 19.9, tại sân vận động huyện Hoàng Su Phì, Hiệp hội Chè Việt Nam phối hợp với UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Khai mạc Cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam năm 2019. Tham dự có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh...

19/09/2019
Để có mùa hoa đẹp trong lòng du khách

BHG - Lễ hội Hoa Tam giác mạch (TGM) của tỉnh đã trở thành thương hiệu, thu hút các đoàn khách trong nước và quốc tế tham quan. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, thu hút các nhà đầu tư đến với Cao nguyên đá (CNĐ) mà còn là "cơ hội vàng" để người dân địa phương tận dụng làm dịch vụ, du lịch, tăng thu nhập. Theo dự kiến, đến ngày 16.11.2019 

19/09/2019