Ngành Giáo dục nỗ lực nâng cao chất lượng

17:53, 02/01/2019

BHG - Trong năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Bước sang năm mới 2019, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh đều chung quyết tâm nêu cao tinh thần tự sáng tạo, tự học để góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đến tháng 12.2018, toàn ngành Giáo dục có 19.642 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong quá trình phát triển, hệ thống giáo dục đã từng bước xây dựng, bồi đắp một đội ngũ tập thể cán bộ, nhà giáo có bản lĩnh chuyên môn vững vàng để đồng hành cùng sự nghiệp “trồng người” ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cấp, ngành tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường công tác quản lý, cải cách hành chính, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Đồng thời, chủ động phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức rà soát, sáp nhập các trường và cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Trịnh (Quang Bình) trong giờ học tiếng Anh.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Trịnh (Quang Bình) trong giờ học tiếng Anh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 834 trường học và cơ sở giáo dục, giảm 18 trường so với năm học 2017 - 2018; 13 trường phổ thông dân tộc nội trú; 178 trường phổ thông dân tộc bán trú. Tỷ lệ huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi ra lớp đạt trên 30%; trẻ 3 - 5 tuổi đến trường là 97,3%; trẻ từ 6 - 14 tuổi đạt 99%. Không chỉ chuyển biến về quy mô, hiện toàn tỉnh có 190 trường đạt chuẩn Quốc gia. Năm nay, hơn 10.900 học sinh từ các điểm trường chuyển về trường chính để đảm bảo điều kiện học tập tốt hơn; tỉnh cũng đạt chuẩn Quốc gia về Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; Phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; xóa mù chữ và Phổ cập Trung học cơ sở mức độ 1.

Đặc biệt, các trường tích cực đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục, thực hiện tích hợp trong dạy và học gắn với ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn, kiểm tra kết quả theo hướng đánh giá năng lực người học. Nhờ đó, số lượng học sinh khá, giỏi tăng đều qua các năm. Năm học 2017 - 2018, qua kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12, có 331 lượt học sinh đạt giải; 2 em đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia; 1 Dự án thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học cấp Quốc gia đạt giải Ba. Bên cạnh đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2018 đạt 89,71 %; tỷ lệ học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp trên 99%.

Bằng nhiều nội dung, hình thức truyền dạy phong phú, việc đưa văn hóa truyền thống vào nhà trường đã vun đắp, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa, giúp cho các thế hệ học sinh hiểu biết sâu rộng văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Ngoài ra, các trường học còn thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số; dạy và học ngoại ngữ. Năm học 2018 - 2019, có 407 trường và cơ sở giáo dục đưa bài học, bài giảng, khóa học trên trang mạng “Trường học kết nối”, 80% các trường sử dụng sổ sách điện tử thay thế phương pháp truyền thống. Có thể nói, những bước tiến mới trong công tác giáo dục của tỉnh đã “chắp cánh” cho những ước mơ, hoài bão của học sinh bay cao, bay xa hơn.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019 ngành Giáo dục tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu gặt hái những thành quả mới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và xây dựng trường chất lượng cao cấp Tiểu học, THCS, giai đoạn 2019 - 2025; Đề án thành lập “Trường phổ thông thực hành chất lượng cao trực thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang”… Tin tưởng rằng với những cố gắng, quyết tâm cao, ngành Giáo dục tỉnh nhà sẽ khẳng định chất lượng, vị thế của mình, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nét đặc sắc trong Lễ cưới của người Tày Bắc Quang

BHG - Tỉnh ta có nhiều dân tộc sinh sống. Chính sự hòa nhập của nhiều dân tộc đã tạo cho địa phương những nét văn hóa độc đáo. Cùng góp chung trong nền văn hóa phong phú đó, phải kể tới dân tộc Tày với trên 130.000 người, xếp thứ 2 sau dân tộc Mông; tập trung ở huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì… Nét đẹp trong văn hóa người Tày là những lễ hội mang tính cộng đồng như: Cầu mùa, cúng các thần linh mỗi một vùng mang đậm chất riêng  và đặc biệt là đám cưới của người Tày ở Bắc Quang với những nét văn hóa độc đáo.

31/12/2018
Dấu ấn ngành Du lịch

BHG - 2018 tiếp tục là một năm thành công của hoạt động du lịch khi số lượng khách đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng; các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

31/12/2018
Mùa Xuân, mùa lễ hội truyền thống

BHG - Hà Giang - mảnh đất cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên những sắc màu đa dạng về văn hóa. Trong đó phải kể đến các lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của bà con miền núi cao mỗi khi trời đất bước vào Xuân. Tới Hà Giang trong dịp Tết đến Xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của những tộc người là chủ nhân mảnh đất Cao nguyên...

31/12/2018
Chương trình giao hữu thể thao - giao lưu văn nghệ Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện Bắc Mê

BHG - Ngày 27.12, hướng đến Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện (1.1.1984 – 1.1.2019) và chào năm mới 2019, huyện Bắc Mê đã long trọng tổ chức Giải giao hữu thể thao và giao lưu văn nghệ. Tới dự, có đồng chí Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; lãnh đạo huyện, cùng đông đảo người dân trên địa bàn huyện đến xem và cổ vũ.

28/12/2018