Mùa Xuân, mùa lễ hội truyền thống

13:10, 31/12/2018

BHG - Hà Giang - mảnh đất cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên những sắc màu đa dạng về văn hóa. Trong đó phải kể đến các lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của bà con miền núi cao mỗi khi trời đất bước vào Xuân.

Tới Hà Giang trong dịp Tết đến Xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của những tộc người là chủ nhân mảnh đất Cao nguyên. Hàng năm khi tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc cũng là mùa nghỉ ngơi của bà con sau một năm dài vất vả và cần mẫn mưu sinh; các lễ hội mang tính kết nối cộng đồng lại được bà con tổ chức để cầu mong may mắn và mừng cho năm mới với nhiều niềm vui và thành tựu.

Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông xã Đường Thượng, Yên Minh.
Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông xã Đường Thượng, Yên Minh.

Đầu tiên phải kể đến lễ hội Gầu tào của bà con dân tộc Mông. Với dân số chiếm phần đa so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh và được phân bố khắp các huyện như Đồng Văn, Mèo Vạc tới Hoàng Su Phì, Xín Mần… thì lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông càng thêm phần phong phú. Người Mông thường ăn Tết trước các dân tộc khác vào khoảng giữa tháng 12 âm lịch khi mùa vụ đã xong, lưỡi cày đã được cất đi, ngô đã đầy trên gác bếp. Các địa phương tổ chức lễ hội Gầu tào với quy mô lớn như xã Đường Thượng (Yên Minh). Tại đây đồng bào Mông từ các xã lân cận cùng nhau về dự hội với các hoạt động diễn xướng và trò chơi dân gian đậm bản sắc.

Đối với dân tộc Tày, số dân xếp thứ 2 toàn tỉnh, người Tày là chủ nhân của những vùng đất thấp giáp với sông suối cũng là một trong những dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo tới ngày nay. Hàng năm cứ đến độ Xuân về, không thể không nhắc đến lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày, một nghi lễ mang đậm tính tâm linh, văn hóa cộng đồng với 2 phần lễ và hội được cả bản cùng tham gia và là một lễ hội độc đáo trên mảnh đất Hà Giang.

Lễ hội Lồng tông của người Tày thường được tổ chức vào tháng Giêng, khi mọi người trong bản làng đã ăn Tết vui vẻ và đầm ấm, để chuẩn bị bắt tay bước vào một vụ mùa mới, cả cộng đồng sẽ cùng nhau tổ chức một lễ hội mang nhiều biểu trưng của văn hóa lúa nước. Hai chữ Lồng tông nguyên bản là xuống đồng, biểu đạt cho tinh thần lao động sau kì nghỉ lễ của bà con. Hội Lồng tông của dân tộc Tày được chia làm hai phần lễ và hội với những nghi thức tâm linh và văn hóa truyền thống bản địa, đây cũng là một lễ hội mang tính mở, du khách thập phương có thể trải nghiệm và tham gia vào phần hội với các trò chơi như ném còn, đánh yến, kéo co và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng dân ca như hát Then, Cọi, Sli…

Một lễ hội mang đậm màu sắc bản địa nữa là lễ Cấp sắc của người Dao. Theo quan niệm của người Dao, đàn ông chưa được cấp sắc là chưa trưởng thành và chưa được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng.

Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức từ tháng 11 âm lịch và mùa Xuân với các màn diễn xướng đậm chất riêng, mang nhiều ý nghĩa giáo huấn của tổ tiên nhằm giúp con cháu hướng thiện.

Ngoài những lễ hội chính trên, mảnh đất Hà Giang với các dân tộc ít người như La Chí, Lô Lô, Pà Thẻn… đều có những lễ hội đậm đà nét riêng như lễ Cúng rừng của người Nùng, lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Khu Cù Tê của dân tộc La Chí… Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, các lễ hội và diễn xướng văn hóa bản địa được khôi phục trên khắp địa bàn tỉnh, góp phần thu hút du khách đến với mảnh đất cực Bắc này.

Bài, ảnh: TRỌNG TOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dấu ấn ngành Du lịch

BHG - 2018 tiếp tục là một năm thành công của hoạt động du lịch khi số lượng khách đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng; các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

31/12/2018
Nét đặc sắc trong Lễ cưới của người Tày Bắc Quang

BHG - Tỉnh ta có nhiều dân tộc sinh sống. Chính sự hòa nhập của nhiều dân tộc đã tạo cho địa phương những nét văn hóa độc đáo. Cùng góp chung trong nền văn hóa phong phú đó, phải kể tới dân tộc Tày với trên 130.000 người, xếp thứ 2 sau dân tộc Mông; tập trung ở huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì… Nét đẹp trong văn hóa người Tày là những lễ hội mang tính cộng đồng như: Cầu mùa, cúng các thần linh mỗi một vùng mang đậm chất riêng  và đặc biệt là đám cưới của người Tày ở Bắc Quang với những nét văn hóa độc đáo.

31/12/2018
Chương trình giao hữu thể thao - giao lưu văn nghệ Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện Bắc Mê

BHG - Ngày 27.12, hướng đến Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện (1.1.1984 – 1.1.2019) và chào năm mới 2019, huyện Bắc Mê đã long trọng tổ chức Giải giao hữu thể thao và giao lưu văn nghệ. Tới dự, có đồng chí Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; lãnh đạo huyện, cùng đông đảo người dân trên địa bàn huyện đến xem và cổ vũ.

28/12/2018
Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang

BHG - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2728/QĐ – UBND ngày 11/12/2018, về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở VH,TT&DL; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch căn cứ thi hành. Dưới đây là toàn văn Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang.

25/12/2018